Những tháng cuối năm luôn được xem là thời điểm vàng của thị trường bán lẻ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, khiến các doanh nghiệp phải tung ra hàng loạt biện pháp kích cầu.
Thắt chặt chi tiêu
Thường xuyên đi siêu thị, chị Dương Thị Hoa (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, dù thu nhập của cả hai vợ chồng năm nay đã tốt hơn năm trước, nhưng vẫn chưa bằng thời điểm trước dịch, trong khi giá cả vẫn có xu hướng tăng. Vì vậy, gia đình chị chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng siêu thị giảm sâu, và có quà tặng kèm theo.
“Trong dịp Tết sắp tới, gia đình cũng tôi cũng chỉ dự định mua các mặt hàng nhu yếu phẩm và chỉ mua trong ba ngày tết chứ không dự trữ nhiều”, chị Hoa cho hay.
Còn theo chị Dương Thị Thu Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), thay vì đi du lịch như các năm trước, Tết năm nay gia đình chị quyết định ở nhà và nấu ăn để tiết kiệm chi tiêu.
“Tôi dự định chỉ mua những thứ cần thiết như đồ trang trí nhà cửa, đồ ăn trong dịp Tết chứ không mua những thứ cầu kỳ và đắt tiền. Về quà biết Tết, tôi thiên về nhóm hàng chăm sóc sức khỏe và cũng không mua quá nhiều", chị Hương cho biết.
Người tiêu dùng chỉ mua sắm những mặt hàng thiếu yếu. (Nguồn: Saigon Co.op )
Theo kết quả khảo của Kantar Worldpanel Việt Nam (đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường), tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước COVID-19. Điều này tác động nhiều đến hành vi mua sắm của họ.
Cụ thể, trong 4 quý gần đây, tăng trưởng khối lượng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu tích cực ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Giá trị đóng góp FMCG trong hai tháng trước Tết đang có dấu hiệu giảm dần do người tiêu dùng có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết, dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn.
Cụ thể, nhóm sản phẩm thiết thực dùng được cho cả gia đình như dầu ăn, bột gia vị, mì ăn liền, bột ngọt, nước tương, nước mắm… được ưa chuộng. Nhóm sản phẩm đề cao tính tiện lợi và sức khỏe như snack - hạt, bánh mì đóng gói, sữa chua, nước yến… được ưu tiên.
“Với những xu hướng này, dự báo không thể có sự đột biến trong mua sắm nên mùa Tết 2025 sẽ tiết kiệm và thiết thực”, Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định.
Đẩy mạnh ưu đãi để kích cầu
Từ góc độ các nhà bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long cho biết, dù sức mua của người dân vẫn đang ở mức thấp, song Tết Cổ truyền của Việt Nam đến sớm hơn mọi năm, gần với Tết Dương lịch sẽ là cơ hội để tất cả nhà bán lẻ đẩy mạnh khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm.
Hiện doanh nghiệp cũng đã mở rộng khu vực trưng bày các sản phẩm hàng tết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng đến thăm quan và tiếp cận được những sản phẩm tết. Ngoài các kênh bán hàng offline, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online trên app đi siêu thị GO!, Big C, Tops Market.
“Chúng tôi làm việc với tất cả các nhà cung cấp và đưa ra sản lượng dự báo đối với tất cả các mặt hàng liên quan đến sản phẩm tết và chúng tôi dự báo tăng trưởng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tuấn kỳ vọng.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ cách đây 6 tháng, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng bằng cách đồng hành với nhà sản xuất và người nông dân để họ yên tâm trong đầu tư chuỗi giá trị chuỗi cung ứng hàng hóa. Vì vậy, nhiều mặt hàng trong dịp Tết còn rẻ hơn thời điểm bình thường.
Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu hơn và hướng đến sự tiện lợi, doanh nghiệp cũng đã đang đạng các mặt hàng thiết yếu bằng cách kết hợp bán các thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn nhằm đa dạng hóa sự tiện lợi bữa ăn của gia đình của người dân.
“Thay vì phải mua từng món hàng nấu nướng, người dân có thể mua những sản phẩm thực phẩm tẩm ướp chế biến sẵn về để làm thì sẽ tiết kiệm được thời gian nhưng vẫn đảm bảo được hương vị Tết”, ông Thắng cho hay.
Còn theo đại diện WinMart, các hệ thống bán lẻ đã làm việc trước với các nhà cung cấp từ 2 - 3 tháng trước Tết để tăng cường dự trữ hàng hóa 20% so với cùng kỳ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến.
Ngoài ra, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, rau củ quả, thịt… cùng các sản phẩm đặc trưng và được tiêu thụ nhiều mùa lễ Tết như bánh kẹo, nước giải khát với số lượng lớn trên quầy kệ.
Về thời gian hoạt động phục vụ khách hàng dịp Tết, toàn hệ thống sẽ hoạt động đến 12h trưa ngày 29 Tết và mở bán lại từ ngày mùng 4 Tết.
"Chúng tôi cũng điều chỉnh giờ mở cửa linh hoạt để phù hợp với nhu cầu mua sắm của từng khu vực và từng mô hình cửa hàng", đại diện hệ thống siêu thị WinMart thông tin.
Ngọc Bảo