Khẳng định tầm quan trọng của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 8/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Đánh giá tiềm năng, lợi thế, gợi mở những giải pháp để phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là những thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, các chuyên gia hàng đầu, đại diện Hiệp hội Du lịch và các DN, hợp tác xã cũng như cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025). Đây không chỉ là một diễn đàn trao đổi chuyên môn mà còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, kết nối cung cầu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch, thu hút du khách đến với Thái Nguyên trong bối cảnh sáp nhập tỉnh Bắc Kạn vào tỉnh Thái Nguyên, khẳng định tầm quan trọng của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Ngọc cho biết, tỉnh Thái Nguyên (sau sáp nhập) có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, sở hữu lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Bên cạnh đó, Thái Nguyên được mệnh danh vùng đất là “đệ nhất danh trà" với những sản phẩm trà thơm ngon nức tiếng và thương hiệu Trà đã vang danh cả trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên Trần Nữ Ngọc Anh cho biết, trước đây Thái Nguyên và Bắc Kạn đã có vị trí liền kề, kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên mới sở hữu hệ sinh thái du lịch rất đa dạng và có thể bổ trợ lẫn nhau để tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn. Thái Nguyên làm điểm đón, điểm dừng còn Bắc Kạn cũ là đích đến với thiên nhiên, cộng đồng.
Du lịch cộng đồng gắn với vùng chè Tân Cương, Thái Nguyên. Ảnh: HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên
Mở ra những hướng đi mới cho du lịch Thái Nguyên
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe nhiều bản tham luận giá trị, mang tính chiến lược cao, mở ra những hướng đi mới cho du lịch Thái Nguyên. Điển hình như TS Lê Quang Đăng, đại diện Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa ra các định hướng chiến lược đột phá như phát triển sản phẩm du lịch mới mẻ, ví dụ như mô hình "Công viên văn hóa trà xanh" tại Tân Cương, làm mới sản phẩm du lịch nông nghiệp và văn hóa - lịch sử cách mạng. TS Lê Quang Đăng đề xuất định vị lại thị trường du lịch, không chỉ tập trung vào khách nội địa mà còn chú trọng hơn đến thị trường khách quốc tế, đặc biệt là khách có thu nhập cao, có khả năng chi tiêu và lưu trú dài ngày. Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút thị trường khách học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, người cao tuổi cho du lịch về nguồn và quan tâm đến khách giới trẻ cho du lịch khám phá thiên nhiên và nông nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên Đỗ Trọng Hiệp đề xuất tái định vị thương hiệu du lịch của tỉnh với biểu tượng "trà và hồ", phát triển sản phẩm du lịch có chiều sâu, khuyến khích sự sáng tạo, và phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn văn hóa. Ông Đỗ Trọng Hiệp tin tưởng rằng với cách làm mới, tư duy mới và niềm tin từ cộng đồng, du lịch Thái Nguyên sẽ vươn xa, chạm đến trái tim bạn bè năm châu bằng những giá trị thật và sự tử tế.
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, các đại biểu đã tham quan điểm du lịch và khu vực giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch Thái Nguyên.
Mai Linh