Phố nhỏ, ngõ nhỏ và những chiếc xe máy xăng gần như đã trở thành một phần quen thuộc với người dân Hà Nội. Nhưng cũng chính từ những chiếc xe đó, khói, bụi và sự chật chội đó đã có ảnh hưởng không hề nhỏ tới sức khỏe mỗi người dân.
Thực trạng giao thông vành đai 1
Đường vành đai 1 đi qua các tuyến đường Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội với tổng chiều dài hơn 40 km, kết nối trục giao thông từ Đông sang Tây, mang chức năng "xương sống" giao thông nội đô.
Hiện Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe máy; 1,1 triệu ô tô; 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh hoạt động thường xuyên. Riêng tuyến Vành đai 1 có hàng trăm nghìn, lượt xe ra vào, lượng phát thải không hề nhỏ gây ra tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí là những điều ám ảnh với người dân.
Anh Tạ Duy Ninh (phường Hoàn Kiếm - TP Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện này là hợp lý. Bản thân tôi cũng là người đã chuyển từ xe xăng sang xe điện và một điều thực tế là con cháu chúng ta sẽ là người hưởng lợi khi giảm ô nhiễm môi trường”.
Anh Nguyễn Hải Đăng (phường Tương Mai - TP. Hà Nội) cho biết: “Việc chuyển từ xe xăng sang xe điện rất là tốt, thứ nhất xe điện mang lại năng lượng xanh nhiều hơn so với xe xăng khi xe xăng thải ra C02 rất là nhiều làm ảnh hưởng đến bầu khí quyển”.
Anh Lương Minh Quang (phường Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết: “Tôi nghĩ việc chuyển đổi như thế sẽ tốt hơn thay vì năng lượng đốt trong thì nay chúng ta dùng nhiên liệu sạch, sẽ đỡ ô nhiễm hơn”.
Từ 1/7/2026, không còn môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1; từ 1/1/2028, không còn xe mô tô, xe gắn máy và hạn chế ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch đi vào khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; từ năm 2030 mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3 - một quyết định mang tính bước ngoặt sẽ chính thức có hiệu lực ở khu vực nội đô Hà Nội.
Từ một trục giao thông huyết mạch nhiều áp lực, Vành đai 1 đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới - nơi xe điện thay thế xe xăng, cây xanh phủ bóng vỉa hè và giao thông công cộng trở thành lựa chọn chính.
Nhưng tại sao xe xăng cần được thay thế và khí thải xe máy liệu có độc hại như mọi người tưởng tượng?
Vì sao phải hạn chế xe xăng?
Vào tháng 10/ 2024, mức độ nồng độ PM2.5 tại Hà Nội có lúc cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới, nồng độ bụi mịn PM10 cũng đạt mức cao nhất là 119,5 µg/m³.
Số ngày có chỉ số chất lượng không ở ngưỡng tốt trong năm chỉ chiếm 15%; số ngày trung bình là 50%; số ngày kém, xấu, rất xấu, thậm chí nguy hại chiếm 35%. Riêng 4 tháng cao điểm mùa ô nhiễm tính từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025, chỉ số AQI ở mức kém chiếm 48,91%; mức xấu, rất xấu lên tới 44,37%.
Căn nguyên chính gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô là từ khí thải của phương tiện giao thông và bụi đường, chiếm 56,1%.
Tiếp xúc lâu với bụi mịn PM2.5 trong không khí có thể gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, tiểu đường tuýp 2,… Mỗi năm thành phố Hà Nội có khoảng 5.800 người chết do các nguyên nhân bắt nguồn từ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết: “Trong quá trình lưu thông, do khí thải từ những động cơ đốt trong chưa được tiêu thụ hoàn toàn nên thải ra môi trường rất nhiều và trong đó chứa rất nhiều khí độc hại. Chúng ta đã tiến hành nhiều nghiên cứu như bao nhiêu SCO2, CO,... trong khí thải ra từ mỗi xe, đặc biệt là xe chạy động cơ diesel, mặc dù khí thải từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch không trực tiếp tạo ra bụi nhưng tạo ra những tiền tố tạo nên bụi như các hạt bụi mịn (PM2.5, PM10). Hiện nay không chỉ Hà Nội và rất nhiều đô thị trên thế giới đều thấy rõ phải hạn chế xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu ô nhiễm không khí khu vực nội đô”.
Chuyển đổi không bao giờ là dễ dàng. Nhất là khi nó chạm đến những điều quen thuộc nhất trong cuộc sống như chiếc xe mà ta đi mỗi ngày. Nhưng trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, đã đến lúc để mỗi người chúng ta thay đổi.
Người dân với chủ trương cấm xe xăng
Giao thông xanh - với nhiều người từng là một khái niệm khá xa lạ, thậm chí còn khó hình dung trong điều kiện hạ tầng hiện tại của Hà Nội. Nhưng thực tế cho thấy: hành trình ấy không chỉ là lý thuyết suông.
Thành phố đã bắt đầu chuẩn bị cho lộ trình này bằng kế hoạch phát triển vùng phát thải thấp, đầu tư hạ tầng xe điện, mở rộng các tuyến buýt sạch và nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Cùng với đó là các quy định cấm xe tải diesel, hạn chế xe không đạt chuẩn khí thải, áp dụng phí lưu thông và đặc biệt là hỗ trợ chuyển đổi cho người dân và doanh nghiệp.
Song song với đó là sự thay đổi thực sự trong thói quen của không ít người dân. Từ những người đã chọn xe máy điện làm phương tiện di chuyển hàng ngày, đến sự hiện diện ngày càng quen thuộc của buýt điện VinBus trên phố. Giao thông xanh không còn là chuyện của tương lai xa, mà đã bắt đầu hình thành ngay trong từng nhịp sống hôm nay.
Và thực tế cho thấy, dù còn nhiều băn khoăn, vẫn đã có những người dân lựa chọn bước đi trước. Từng chút một, từ những chiếc xe điện cá nhân, đến xe buýt điện, phương tiện công cộng xanh, sạch đã và đang bắt đầu hình thành và thay đổi thói quen của rất nhiều người dân.
Trên nhiều tuyến phố, xe máy điện, xe buýt điện và các phương tiện giao thông xanh đã xuất hiện ngày một nhiều hơn. Không chờ đến khi bị bắt buộc, nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi phương tiện, vì lợi ích rõ rệt về chi phí, môi trường và trải nghiệm sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Thảo (phường Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết: “Cũng có một số bất tiện. Hiện tôi đang sinh sống ở trong khu vực bị cấm xe chạy xăng và câu hỏi đặt ra là khi đi làm, tôi làm sao lấy xe đi, chưa kể lúc về thì làm sao để vào trong vùng cấm được?”.
Chị Dương Thị Như (phường Định Công, TP. Hà Nội) cho biết: “Tôi nghĩ Chính phủ cũng cần lưu tâm đến điều kiện của người dân vì một số người dân mức thu nhập họ chỉ có vậy thôi, họ không thể đổi sang xe máy điện nên phải dùng xe chạy xăng”.
Thạc sĩ Đỗ Khắc Sơn, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: “Việc đưa ra một chính sách như vậy chắc chắn sẽ có sự tác động lớn đến người dân, bởi vậy, chúng ta có thể xem xét đưa ra các chính sách hỗ trợ chuyển đổi, như việc hỗ trọ người dân đang sống trong những vùng hạn chế đó chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Nếu Hà Nội áp dụng được thành công mô hình phát thải thấp này thì chắc chắn sẽ trở thành hình mẫu cho các thành phố khác học theo”.
Việc chuyển đổi giao thông xanh không chỉ là xu thế, mà là yêu cầu của một đô thị hiện đại. Việc Hà Nội tiên phong cấm xe máy xăng tại Vành đai 1 là một bước đi đúng đắn, thể hiện tầm nhìn dài hạn và cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm áp lực hạ tầng giao thông nội đô. Hướng tới một Thủ đô xanh - sạch - đẹp - bền vững.
Trước áp lực từ ô nhiễm không khí và tình trạng quá tải giao thông cá nhân, Hà Nội đã xác định rõ mục tiêu: phát triển giao thông xanh, thân thiện với môi trường. Việc hạn chế, tiến tới cấm xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nội đô không phải là điều xa vời, mà đã được cụ thể hóa bằng kế hoạch và hành động.
Chuyển mình cùng giao thông xanh
Trên nhiều tuyến phố, xe máy điện, xe buýt điện và các phương tiện giao thông xanh đã xuất hiện ngày một nhiều hơn. Không chờ đến khi bị bắt buộc, nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi phương tiện, vì lợi ích rõ rệt về chi phí, môi trường và trải nghiệm sử dụng.
Song hành với đó, hạ tầng phục vụ giao thông xanh cũng đang được từng bước hoàn thiện: từ các trạm sạc điện công cộng, hệ thống đổi pin nhanh, cho đến chính sách hỗ trợ từ phía thành phố và doanh nghiệp. Tại Hà Nội, theo thống không chính thức, dù đã có gần 1.000 trạm sạc nhưng vẫn còn hàng nghìn chung cư và tòa nhà văn phòng chưa thể tiếp cận được tiện ích này. Việc thiếu trạm sạc khiến người dân e ngại khi quyết định chuyển sang xe điện, đặc biệt với ô tô cá nhân hoặc xe điện trong các khu dân cư đông đúc.
Sau chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc Hà Nội cần xây dựng lộ trình cấm xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiều người dân Thủ đô đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc thay đổi phương tiện di chuyển. Và không ít người như gia đình anh Khuất Bảo Chung (phường Ngọc Hà) đã lựa chọn thay đổi.
Anh Khuất Bảo Chung cho biết: “Hạn chế xe xăng và sử dụng xe điện thì chắc chắn số lượng xe điện sẽ tăng lên, do đó rất mong Thành phố và Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, cũng như có thêm chính sách xây thêm những trạm sạc để cho người dân có thể tiện lợi hơn trong quá trình di chuyển. Đơn cử như chung cư tôi đang sống có một khu riêng để xe điện vì lo ngại an toàn PCCC và chỗ đó rất ít ổ sạc, nếu mà đổi sang xe điện thì không biết sử dụng như thế nào?”.
Từ người đi làm, sinh viên đến người nội trợ - ngày càng nhiều người lựa chọn phương tiện xanh không chỉ vì môi trường, mà còn vì lợi ích rõ ràng trong đời sống. Bên cạnh đó, nhiều tài xế taxi, xe công nghệ cũng đã chủ động chuyển đổi để đón đầu lộ trình mới và thực tế cho thấy, lựa chọn này hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, dù đã chuyển sang phương tiện xanh, không ít người vẫn băn khoăn về độ bền của pin - bộ phận đắt nhất trên một chiếc xe điện. Trung bình, pin xe máy điện có tuổi thọ từ 5-8 năm, xe ô tô hoặc buýt điện là 8-12 năm. Khi cần thay thế, chi phí có thể lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu với xe lớn.
Anh Nguyễn Đức Hòa (phường Nghĩa Đô, TP. Hà Nội) cho biết: “Mới đây, Thành phố đã có chủ trương cấm xe chạy xăng đi vào Vành đai 1, bản thân tôi đi xe điện cũng thấy khá bất ngờ vì quyết định này đến khá là sớm. Giá như Nhà nước thông báo trước 2, 3 năm thì sẽ tốt hơn. Bản thân tôi vừa mua được một chiếc ô tô chạy xăng tháng 5 vừa rồi mà bây giờ biết được tin này thấy khá là buồn”.
Anh Nguyễn Sỹ Dương (phường Hà Đông, TP. Hà Nội) cho biết: “Bản thân tôi khi đi xe điện tôi thấy có mấy ưu điểm sau: Thứ nhất là tiết kiệm tiền đổ xăng, thứ hai là bảo vệ môi trường”.
Anh Hà Quang Sơn, Lái xe công nghệ cho hay: “So với khoảng 1,2 năm về trước thì hiện nay hệ thống trạm sạc đã được tăng cường rất nhiều cho nên tài xế chạy xe điện như chúng tôi cũng đỡ khó khăn hơn trước”.
Lần đầu tiên, một trạm sạc xe điện được đưa vào hoạt động ngay trong khuôn viên bến xe Giáp Bát - điểm trung chuyển hành khách liên tỉnh lớn bậc nhất Thủ đô. Việc triển khai hạ tầng sạc tại đây không chỉ phục vụ taxi điện, xe hợp đồng, mà còn là bước chuẩn bị quan trọng cho tương lai, khi phương tiện xanh trở thành phổ biến. Đây là tín hiệu cho thấy giao thông xanh không còn là khẩu hiệu, mà đang hiện diện rõ nét ngay tại các đầu mối vận tải lớn của Hà Nội.
Thạc sĩ Đỗ Khắc Sơn - Giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: “Khi Nhà nước có chính sách phù hợp thì người dân sẽ ủng hộ thôi, giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng và tắc nghẽn giao thông đang là những vấn đề ngày càng lớn, đặc biệt trong khu vực ‘lõi’ của thành phố.
Có thể thấy, để quá trình chuyển đổi sang phương tiện xanh diễn ra đồng bộ, bền vững, vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể, từ ưu đãi tín dụng, phát triển hạ tầng, đến cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trung chuyển hành khách bằng xe điện. Khi hành động từ người dân gặp được chính sách đúng thời điểm, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu đầu tiên trong cả nước về giao thông xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Trong dài hạn, việc giảm phụ thuộc vào xe máy cá nhân còn giúp thành phố tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn môi trường và giao thông hiện đại mà những đô thị hàng đầu thế giới như Tokyo, Seoul hay Singapore đang áp dụng thành công.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đang triển khai những chính sách mạnh mẽ nhằm loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các nước nỗ lực loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch
Theo báo cáo của Roland Berger, công ty tư vấn chiến lược toàn cầu có trụ sở tại Munich (Đức), xe điện thông minh đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Khi chiến dịch loại bỏ xe chạy bằng xăng dầu đang được triển khai, tại Trung Quốc - quốc gia sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, chính phủ nước này đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe điện như miễn thuế tiêu dùng 5% và giảm 50% phí đăng ký xe điện.
Đặc biệt, thủ đô Bắc Kinh đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện bằng các chính sách hỗ trợ mạnh tay như trợ cấp mua xe điện được tăng gấp đôi, lên tới 20.000 nhân dân tệ (tương đương 2.770 USD). Từ năm 2017, Bắc Kinh đã hoàn tất chuyển đổi toàn bộ đội xe buýt sang xe điện, trở thành một trong những thành phố tiên phong trong việc cắt giảm khí thải giao thông tại Trung Quốc.
Còn tại Thâm Quyến, có tới 99% taxi đã được thay thế bằng xe điện không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí vận hành mà còn cải thiện chất lượng không khí đô thị, một vấn đề đặc biệt cấp bách tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Chính quyền thủ đô New Delhi, Ấn Độ cũng vừa công bố dự thảo Chính sách Xe điện (EV) 2.0, trong đó đề xuất loạt biện pháp mạnh nhằm loại bỏ dần các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện. Theo nội dung dự thảo, kể từ ngày 15/8/2026, tất cả xe máy chạy bằng xăng, dầu diesel và khí nén thiên nhiên (CNG) sẽ không còn được phép lưu thông trên đường phố New Delhi. Đây là một trong những bước đi mạnh mẽ nhất của thành phố trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí vốn đang ở mức báo động nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, chính sách cũng đặt ra nhiều quy định mới đối với xe ba bánh và phương tiện công cộng. Cụ thể, từ 15/8/2025, New Delhi sẽ ngừng cấp phép đăng ký mới cho xe ba bánh chạy bằng CNG, đồng thời chấm dứt việc gia hạn giấy phép cho các xe hiện có. Sau thời điểm này, chỉ xe ba bánh chạy điện mới được phép hoạt động trên địa bàn. Đối với ô tô chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG đã sử dụng trên 10 năm, chủ xe buộc phải chuyển đổi sang động cơ điện bằng cách lắp đặt bộ chuyển đổi hoặc loại bỏ phương tiện khỏi lưu thông.
Đáng chú ý, dự thảo lần này cũng nhắm đến người tiêu dùng cá nhân. Theo quy định mới, cá nhân đã sở hữu hai xe đăng ký sẽ chỉ được mua thêm xe điện, không được mua thêm phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Điều khoản này sẽ có hiệu lực ngay sau khi chính sách chính thức được thông qua.
Chính quyền Delhi cho biết các biện pháp nói trên nhằm hướng đến mục tiêu điện hóa giao thông toàn diện, giảm thiểu phát thải và cải thiện môi trường sống cho người dân thủ đô. Chính sách này hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến công chúng và dự kiến sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.
Trong khi đó, châu Âu được dự đoán sẽ đạt tới 99% thị phần xe điện vào năm 2040, nhờ các chính sách quyết liệt từ Liên minh châu Âu và các thành phố lớn trong việc loại bỏ dần xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các thành phố như Paris, Amsterdam và Oslo đã công bố lộ trình cấm xe chạy xăng và diesel trong nội đô vào những năm 2030, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình điện hóa.
Chính phủ Anh đã bắt đầu tham vấn về việc loại bỏ dần việc bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới từ năm 2030, thúc đẩy cam kết năng lượng sạch và sứ mệnh tăng trưởng kinh tế. Theo đó sẽ không có xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới nào được bán ra sau năm 2030. Tất cả xe ô tô và xe tải mới sẽ phải đạt mức phát thải bằng 0 100% vào năm 2035.
Chính phủ Anh cho rằng, nhu cầu chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch chưa bao giờ rõ ràng hơn lúc này, và việc chuyển đổi sang xe không phát thải sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nhanh chóng giảm lượng khí thải carbon và cải thiện an ninh năng lượng của Vương quốc Anh. Đây không chỉ là một nhu cầu thiết yếu về môi trường mà còn là cơ hội để Vương quốc Anh dẫn đầu về công nghệ tiên tiến, đại diện cho một cơ hội công nghiệp quan trọng. Sự chuyển đổi này hứa hẹn không khí trong lành hơn và đường phố yên tĩnh hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng. Những chính sách mới này dựa trên khoản hỗ trợ hơn 2,3 tỷ bảng Anh của chính phủ dành cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng ở Vương quốc Anh để chuyển đổi sang xe không phát thải.
Dù hành trình chuyển đổi còn nhiều thách thức, nhưng thực tế đã cho thấy: người dân sẵn sàng, thị trường đang thích ứng và lộ trình cấm xe xăng tại Hà Nội hoàn toàn khả thi nếu có sự chuẩn bị đồng bộ, bài bản.
Đỗ Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/lo-trinh-giao-thong-xanh-o-ha-noi-346545.htm