Mặc dù chính sách miễn viện phí toàn dân được kỳ vọng sẽ triển khai trong vài năm tới, nhưng hiện tại, người dân – đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính – vẫn phải tự lo rất nhiều khoản chi phí phát sinh. Dù đã có bảo hiểm y tế chi trả phần lớn, nhưng các loại thuốc ngoài danh mục, chi phí sinh hoạt, đi lại… vẫn là gánh nặng không nhỏ. Với nhiều gia đình, đó là cả một cuộc vật lộn hàng ngày để duy trì sự sống cho người thân. Trong lúc chờ chính sách đi vào thực tiễn, người dân vẫn đang phải tự xoay xở. Và họ chỉ mong, tương lai sẽ nhẹ gánh hơn một chút.
36 năm qua, chị Phạm Thị Thanh (Nam Định) chưa từng rời xa con gái của mình. Con chị được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi bốn tuổi. Sau hơn 20 năm chống chọi, con chị bị biến chứng nặng về tim và thận. 10 năm nay, mỗi tuần ba buổi, hai mẹ con lại lặng lẽ đi từ căn phòng trọ tới bệnh viện để chạy thận. Con gái bệnh nặng, mọi chi phí sinh hoạt, điều trị đều dồn lên vai người mẹ.
“Cháu chạy thận 10 năm nay rồi, có nhiều biến chứng. Mặc dù đã được hưởng bảo hiểm 100%, nhưng mỗi tháng vẫn phải mua thêm thuốc tim mạch, huyết áp, quả lọc rồi đạm để nâng cao sức khỏe. Một tháng, tôi cũng phải thêm 10 triệu”, chị Thanh cho biết.
Khác với con gái chị Thanh, chị Hà Thị Bích Liên mới chạy thận 6 năm. 6 năm qua chị phải xa chồng con, xuống Hà Nội thuê nhà để một tuần ba buổi vào viện điều trị. Do phát hiện bệnh đã ở giai đoạn 3, sức khỏe của chị yếu, không làm thêm công việc gì. Toàn bộ chi phí điều trị là nhờ vào bảo hiểm và những chi phí điều trị phát sinh đều do gia đình hỗ trợ.
"Ở trong viện, nếu chạy quả lọc 6 lần thì không phải đóng chi phí gì. Tôi chạy thận xong bị biến chứng sang tìm và bị huyết áp cao nên phải mua thuốc ngoài. Một tháng hết khoảng 2,5 đến 3 triệu. Nếu Nhà nước miễn viện phí cho bệnh nhân thì quá tuyệt vời, vì bớt gánh nặng cho gia đình và khi đến viện thì không phải lo viện phí nữa", chị Liên nói.
Viện phí 0 đồng – với nhiều người, là một chính sách mới, nhân văn. Nhưng với những người mẹ đang âm thầm nuôi con bệnh tật, đó là cả một niềm hy vọng. Hy vọng được sống nhẹ nhõm hơn, dù chỉ là một chút, trên hành trình dài đằng đẵng chưa biết khi nào kết thúc.
Miễn viện phí, kỳ vọng lớn nhưng không thể nóng vội
Tại Việt Nam, tâm lý “có bệnh mới đi khám” vẫn còn phổ biến. Người dân ít quan tâm đến phòng bệnh, dẫn đến tình trạng bệnh nặng mới đến viện, kéo theo chi phí điều trị cao và quá tải cho hệ thống y tế.
Bác sỹ Mai Xuân Phương, nguyên Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng Cục Dân số KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết: “Phòng bệnh của hệ thống y tế nói riêng và ý thức phòng bệnh của người dân nói chung hiện nay đang có rất nhiều vấn đề bất cập. Việc đảm bảo nguồn thu nhập của bảo hiểm y tế hiện nay là sử dụng quỹ đó. Nếu điều trị giảm đi thì sẽ có quỹ phòng bệnh lớn hơn, hoàn toàn rất hợp lý".
Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển, nơi thực hiện chính sách y tế công miễn phí hoặc gần như miễn phí, việc được tiếp cận khám chữa bệnh không hề dễ dàng. Người bệnh phải đăng ký qua bác sĩ gia đình, đặt lịch trước và thường phải chờ từ vài tuần đến vài tháng mới được khám chuyên khoa hoặc phẫu thuật. Điều này dẫn đến thực trạng không ít bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc bệnh nặng, đã phải ra nước ngoài điều trị vì không thể chờ đợi.
Trái lại, tại Việt Nam, người bệnh đến viện là được khám ngay trong ngày. Dù còn nhiều bất cập như quá tải, thời gian khám ngắn, nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế lại nhanh và rộng mở. Chính vì vậy, hiện nay, không chỉ người Việt mà nhiều người nước ngoài cũng lựa chọn Việt Nam là điểm đến khám chữa bệnh. Một phần bởi chất lượng y tế ngày càng tốt, phần khác là do chi phí hợp lý và thủ tục thuận tiện.
Ông Rob Warren đến từ Australia chia sẻ: “Con tôi mắc bệnh, vợ chồng tôi lo lắng đã tìm hiểu trong nước và các nước lân cận nhưng cũng chưa yên tâm. May mắn tôi xem trên mạng, khi tôi biết được bác sĩ Sơn của Bệnh viện Xanh Pôn bên Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều ca bệnh khó này. Ngay từ khi con tôi đến nhập viện, tôi thấy sự đón tiếp rất tốt. Nhìn chung, tôi thấy chất lượng điều trị và dịch vụ ở đây tuyệt vời trên cả mong đợi của chúng tôi".
Miễn viện phí là mong muốn chính đáng. Nhưng nếu không đi cùng nâng cao ý thức phòng bệnh, củng cố y tế cơ sở và đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững, chính sách này có thể tạo ra áp lực lớn cho hệ thống y tế. Một tương lai y tế nhân văn cần được xây từ nền tảng gốc rễ – chứ không thể chỉ bắt đầu từ… quầy thu ngân.
Miễn viện phí cần xây dựng lộ trình phù hợp
Miễn viện phí là một chính sách nhân văn, được đông đảo người dân kỳ vọng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không thể một sớm một chiều. Cần có lộ trình cụ thể, đồng bộ, để vừa đảm bảo quyền lợi người bệnh, vừa duy trì chất lượng khám chữa bệnh.
Theo thống kê của ngành y tế, chi phí điều trị cho một bệnh nhân ung thư trung bình khoảng 176 triệu đồng mỗi năm, trong đó người bệnh phải chi trả đến 70%. Chính vì vậy, có đến 37,4% bệnh nhân rơi vào cảnh nghèo đói vì điều trị bệnh. Thông tin về việc miễn viện phí trong tương lai đang được nhiều người bệnh đặc biệt mong chờ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Miễn giảm viện phí được áp dụng, đối với các bệnh nhân ung thư, chúng tôi thấy đây là quyết sách có ý nghĩa và giúp đỡ được cho cộng đồng rất nhiều. Bản thân các bác sĩ điều trị như chúng tôi cũng thấy rất vui khi người bệnh sẽ được tiếp cận với các phương pháp điều trị tốt, hiệu quả".
Tuy nhiên, để chính sách miễn viện phí trở thành hiện thực, không chỉ cần quyết tâm chính trị, mà còn phải có sự tham gia của nhiều nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế đến các tổ chức xã hội.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trước hết, để thực hiện được chủ trương này, theo tôi cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực. Trước hết là phải tiến tới chính sách bảo hiểm y tế toàn dân; thứ hai là các cơ sở y tế, nguồn lực về cán bộ y tế cần được nâng cao và đặc biệt là chúng ta cần tập trung vào phát triển y tế cơ sở. Đây là một định hướng hoàn toàn đúng, bởi khi nguồn lực y tế cơ sở tốt thì chúng ta sẽ có cơ hội chăm sóc tốt sức khỏe người dân ngày từ tuyến ban đầu”.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030, ngành y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên 100%; bảo đảm 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Và tiến tới dần dần việc giảm chi phí tiền túi của người bệnh xuống dưới 20%, chi phí đồng chi trả khám chữa bảo hiểm y tế giảm xuống dưới 10%.
“Bộ Y tế sẽ nghiên cứu mở rộng tỷ lệ mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật thuốc, thiết bị y tế đối với một số đối tượng như người nghèo, cận nghèo; thiết kế những quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm y tế gồm quỹ khám bệnh, chữa bệnh; quỹ dự phòng và quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp để chi trả thêm cho các bệnh hiểm nghèo. Liên kết giữa bảo hiểm y tế với chương trình mục tiêu quốc gia trong chăm sóc sức khỏe dân số và phát triển giai đoạn 2026 – 2030. Từ năm 2030- 2035 thì nghiên cứu sửa đổi toàn diện luật bảo hiểm y tế, hoàn thiện chính sách quy định hướng dẫn để thực hiện miễn phí trong chăm sóc sức khỏe toàn dân”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Nếu lộ trình này được thực hiện hiệu quả, đến năm 2045, người dân sẽ không còn phải chi trả thêm khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế – một bước tiến dài trong việc bảo đảm an sinh y tế, vì một xã hội công bằng và nhân văn hơn.
Y tế chất lượng cao nhưng người bệnh vẫn phải chờ dài
Tại Đan Mạch, quốc gia đứng thứ hai trong Bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, hệ thống y tế được tài trợ chủ yếu từ thuế thu nhập cá nhân, với mức thuế dao động từ 38–55% thu nhập. Điều này đồng nghĩa với việc người dân đóng góp một phần lớn thu nhập của mình để duy trì hệ thống y tế công.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các báo cáo từ OECD, Đan Mạch chi khoảng 10,5% GDP cho y tế, tương đương khoảng 5.800 USD/người dân mỗi năm (tính đến năm 2023). Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD và phản ánh mức đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng y tế, nhân sự, và công nghệ. Người dân Đan Mạch được tiếp cận dịch vụ y tế miễn phí tại các phòng khám bác sĩ gia đình và bệnh viện công.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người dân dễ dàng tiếp cận được dịch vụ y tế khi cần. Mặc dù hệ thống y tế Đan Mạch được tài trợ hào phóng, một trong những vấn đề lớn nhất là thời gian chờ đợi kéo dài cho các dịch vụ y tế, đặc biệt là các thủ thuật không khẩn cấp và khám chuyên khoa.
Theo tờ Guardian, vào năm 2023, thời gian chờ trung bình cho một ca phẫu thuật không khẩn cấp như thay khớp háng hoặc điều trị đục thủy tinh thể có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Đối với các dịch vụ chuyên khoa như tâm lý học hoặc thần kinh học, bệnh nhân có thể phải đợi đến một năm để được gặp bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Chính phủ nước này đã thực hiện những chính sách cải thiện dịch vụ khám chữa bệnh. Thời gian chờ đợi trung bình cho các ca phẫu thuật không khẩn cấp đã giảm từ 44 ngày trong quý I xuống còn 40 ngày trong quý II năm 2024. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu trở lại mức trước đại dịch.
Sự chờ đợi kéo dài đã buộc không ít người dân phải chuyển sang dịch vụ y tế tư nhân – vốn đắt đỏ và không được nhà nước chi trả. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng âm thầm trong một hệ thống vốn được xây dựng trên lý tưởng công bằng. Những người có điều kiện kinh tế tốt sẽ được khám nhanh, trong khi người có thu nhập trung bình hoặc thấp buộc phải chờ đợi, chịu đựng bệnh tật kéo dài.
Không ai phủ nhận rằng hệ thống y tế Đan Mạch vẫn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, là chăm sóc dự phòng tốt; hồ sơ sức khỏe điện tử đồng bộ và tỷ lệ tử vong do bệnh tật thấp. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc cải tổ hệ thống để giảm thời gian chờ đợi, tăng số lượng bác sĩ và tối ưu hóa quản lý nguồn lực.
Là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Phần Lan cũng giống như Đan Mạch khi sở hữu một hệ thống y tế công cộng toàn diện, chất lượng dịch vụ cao. Mô hình này hướng đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bình đẳng và tốt nhất đối với mọi công dân. Nhưng sự thiếu hụt nhân viên y tế, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và làm tăng thời gian chờ đợi để được điều trị.
Theo báo cáo của Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan, tính đến tháng 8 năm 2024, hơn 31.000 bệnh nhân đã chờ hơn 6 tháng để được khám chữa bệnh không khẩn cấp. Đặc biệt, ở các khu vực như North Savo và North Karelia, tỷ lệ bệnh nhân chờ đợi lâu chiếm lần lượt 31% và 27,4%.
Phần Lan đã triển khai cải cách cho phép bệnh nhân chọn bệnh viện ngoài khu vực của mình để giảm thời gian chờ đợi. Một nghiên cứu cho thấy, sau khi cải cách, thời gian chờ đợi phẫu thuật thay khớp háng và đầu gối giảm 36%, và tổng chi phí phẫu thuật không tăng.
Nước này cũng tăng cường sử dụng dịch vụ kỹ thuật số như dịch vụ y tế từ xa và mô hình bác sĩ cá nhân để giúp cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân. Thế nhưng các giải pháp này mới chỉ đạt được những bước tiến nhỏ.
Nghịch lý của Đan Mạch và Phần Lan là minh chứng điển hình cho thực tế rằng, một hệ thống dù có chất lượng cao đến đâu, nếu không đáp ứng được nhu cầu kịp thời của người dân thì vẫn là một hệ thống “đắt nhưng chưa hiệu quả”. Và trong khi chờ đợi những cải cách mang tính đột phá, người dân vẫn phải tiếp tục… chờ.
Phan Hằng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/lo-trinh-mien-vien-phi-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-329359.htm