Dự thảo do Sở Xây dựng soạn thảo, nhằm thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giảm ô nhiễm không khí và thúc đẩy giao thông xanh.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất lộ trình thí điểm và mở rộng vùng cấm phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, diesel), đồng thời khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện xanh. Các chính sách nổi bật bao gồm hỗ trợ tài chính; ưu đãi vay vốn; miễn phí, lệ phí đăng ký phương tiện xanh; giám sát, xử phạt và nâng cấp hạ tầng trạm sạc.
Theo lộ trình Dự thảo Nghị quyết đề xuất, từ ngày 1/1/2026 đến 30/6/2026 là giai đoạn thí điểm hạn chế xe máy chạy xăng trong Vành đai 1. Từ 1/7/2026, cấm hoàn toàn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1. Từ 1/1/2028, cấm xe máy chạy xăng/diesel và hạn chế ô-tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 và Vành đai 2. Từ 1/1/2030, mở rộng cấm xe máy và hạn chế ô-tô cá nhân chạy xăng/diesel trong Vành đai 3. Giai đoạn 2035-2050, hạn chế toàn bộ xe cơ giới không phải phương tiện xanh (bao gồm xe CNG, hybrid) trong Vành đai 1 (2035), Vành đai 2 (2040), Vành đai 3 (2045) và toàn thành phố (2050). Vùng phát thải thấp (LEZ) được thí điểm tại các quận Hoàn Kiếm và Ba Đình từ 2025-2030, sau đó mở rộng bắt buộc tại các khu vực ô nhiễm cao từ 2031.
Để hạn chế xe xăng/diesel và bảo vệ môi trường, Hà Nội cần giải quyết nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là hạ tầng. Hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô còn rất thiếu, hiện mới có 45 tuyến xe bus trợ giá trong Vành đai 1, với 11 tuyến sử dụng 126 xe bus điện, phục vụ 6.500 lượt/ngày. Ngoài ra, chỉ có thêm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13 km. Về trạm sạc, Hà Nội mới có khoảng 200 trạm, chưa thấm vào đâu so con số 450 nghìn xe máy xăng trong khu vực nội đô.
Việc cấm xe máy xăng, khuyến khích xe điện còn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như an toàn cháy nổ, quản lý chất lượng pin cũng như xử lý pin sau sử dụng, bảo đảm nguồn điện cho nhu cầu sạc, giải pháp giám sát, xử phạt phương tiện vi phạm đi vào vùng cấm… Và trên hết là bài toán về đồng thuận xã hội, khi phương tiện cá nhân liên quan trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người dân.
Để giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí, từ năm 2017, Hà Nội đã đặt lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030. Sau gần 10 năm, Dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc tiếp tục là bước đi quyết liệt nhằm thay đổi mạnh mẽ diện mạo và môi trường Thủ đô.
Thách thức rất lớn, nhưng nếu triển khai được các giải pháp đồng bộ giúp người dân có đủ lựa chọn di chuyển bằng phương tiện xanh và bảo đảm công bằng xã hội, Hà Nội có thể hiện thực hóa mục tiêu lộ trình và trở thành hình mẫu tiên phong cho giao thông xanh tại Việt Nam.
khánh trần