Có một số bệnh lỳ nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ răng miệng. Ảnh: Shutterstock.
Không chỉ dừng lại ở nụ cười đẹp, sức khỏe răng miệng còn liên quan mật thiết đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng toàn thân như tim mạch, tiểu đường, viêm phổi hay thậm chí Alzheimer.
Theo bác sĩ Lê Thị Yến, khoa Răng miệng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khoang miệng là nơi trú ngụ của hàng triệu vi khuẩn. Khi cơ thể có sức đề kháng tốt và được chăm sóc răng miệng đúng cách như chải răng, dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước sát khuẩn, hệ vi khuẩn này được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, nếu việc vệ sinh răng miệng bị bỏ bê, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh, gây ra không chỉ sâu răng, viêm nướu mà còn làm khởi phát hoặc trầm trọng thêm nhiều bệnh lý toàn thân.
Các nghiên cứu y học cho thấy vi khuẩn từ ổ nhiễm trùng trong khoang miệng có thể xâm nhập vào máu, đi đến tim gây viêm màng tim, hoặc làm tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ. Ở phụ nữ mang thai, viêm nướu và viêm quanh răng cũng có thể tiến triển nặng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ.
Bên cạnh đó, vi khuẩn từ khoang miệng khi xâm nhập vào phổi có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu. Người bị loãng xương cũng thường gặp tình trạng tiêu xương ổ răng, làm gia tăng nguy cơ viêm quanh răng.
Các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, HIV/AIDS hay Alzheimer có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe răng miệng. Với bệnh nhân tiểu đường, mức đường huyết cao làm giảm khả năng đề kháng, khiến viêm lợi dễ tái phát và khó kiểm soát. Trong khi đó, người mắc HIV/AIDS dễ bị tổn thương mô nướu, gây loét, viêm kéo dài. Riêng bệnh nhân Alzheimer, việc suy giảm trí nhớ khiến họ quên vệ sinh răng miệng, dẫn đến các biến chứng nặng.
Ngoài ra, chế độ ăn uống nhiều đường, thói quen hút thuốc lá, các bệnh ung thư, rối loạn miễn dịch hay viêm đa khớp dạng thấp cũng được xác định là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Để phòng ngừa các bệnh lý kể trên, bác sĩ Yến khuyến cáo người dân cần duy trì thói quen chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày bằng bàn chải mềm và kem đánh răng chứa fluoride.
Việc sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng giúp làm sạch mảng bám ở những vùng khó tiếp cận. Ngoài ra, nên thay bàn chải 3 tháng một lần, ăn uống lành mạnh, hạn chế đường, tránh hút thuốc lá và khám răng định kỳ 6 tháng/lần.
Nguyễn Thuận