Qua các đợt kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng cho thấy hàng giả, hàng nhái len lỏi khắp nơi, từ chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, đến cả sàn thương mại điện tử, gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế và đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Các đường dây, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả quy mô lớn được phát hiện trong thời gian qua phải kể đến như: đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà (cùng ngụ Thành phố Hà Nội) cầm đầu. Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em…; hay vụ Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai (đóng tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom cũ, nay là xã Trảng Bom) làm giả hơn 1,6 ngàn sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body… Các vụ việc nêu trên đều đã bị lực lượng chức năng khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Sau những động thái xử lý kiên quyết đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của ngành chức năng, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện các biểu hiện tránh né, đối phó với việc kiểm tra, xử lý của ngành chức năng như: đóng cửa các ki-ốt, cửa hàng; mang lượng lớn thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đổ ra ven đường vắng…
Để ngăn chặn và loại bỏ triệt để vấn nạn này, cần có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa từ cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý lẫn cộng đồng xã hội. Trước hết, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường một cách thường xuyên, đột xuất, đặc biệt là tại các “điểm nóng” về buôn bán hàng hóa. Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng giả phải bị xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm” hay bao che. Đồng thời, cần nâng cao năng lực pháp lý và trang thiết bị cho lực lượng chức năng để theo kịp những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đóng vai trò then chốt. Người dân cần được hướng dẫn cách phân biệt hàng thật - hàng giả; đồng thời, hiểu rõ tác hại nghiêm trọng mà hàng giả gây ra: từ ảnh hưởng sức khỏe (với thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc giả), gây thiệt hại tài chính, đến ảnh hưởng môi trường và quyền lợi doanh nghiệp chân chính. Khi người tiêu dùng có kiến thức và quyết tâm “nói không với hàng giả” thì thị trường mới có thể trở nên minh bạch và lành mạnh hơn.
Thư Ngọc