Hơn 10 năm phát hiện bướu giáp nhưng không điều trị, ngày 30/6/2025, bệnh nhân Đ.T.T, ở xã Sơn Tây Hạ đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh thăm khám trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn. Vùng cổ bệnh nhân phình to, biến dạng.
Tại bệnh viện, kết quả CT Scan của bệnh nhân cho thấy, khối bướu giáp kích thước 8cm x 7cm x 10cm chiếm toàn bộ vùng cổ phải, từ vùng góc hàm phải xuống đến hõm trên xương ức. Bướu giáp chèn ép các mạch máu, đẩy khí quản, thực quản lệch sang trái.
Vùng cổ bệnh nhân Đ.T.T, ở xã Sơn Tây Hạ bị phình to, biến dạng do khối bướu giáp.
Bác sĩ Đào Đình Khôi, Khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh)- một trong các bác sĩ mổ trực tiếp cho bệnh nhân T cho biết, trường hợp bệnh nhân T, do khối bướu giáp có kích thước lớn, bướu dính chặt vào các cơ quan lân cận, nên đây là ca phẫu thuật tương đối khó, đòi hỏi bác sĩ phải cẩn trọng để tránh làm thủng khí quản, thực quản, không làm rách các mạch máu lớn. Nếu không phẫu thuật sớm, bướu tiếp tục phát triển có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như chèn ép đường thở dẫn tới suy hô hấp cấp tính, khó nuốt, nuốt nghẹn, khàn tiếng hoặc liệt dây âm thanh. Vì vậy, chúng tôi đã hội chẩn và nhanh chóng phẫu thuật để loại bỏ bướu cho bệnh nhân.
Khối bướu giáp kích thước 8cm x 7cm x 10cm được các bác sĩ phẫu thuật, bóc tách ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Sau ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ, với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ BVĐK tỉnh, toàn bộ khối bướu giáp của bệnh nhân T đã được bóc tách thành công. Đến nay, sau 5 ngày kể từ khi được phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh, không gặp các biến chứng thường thấy sau mổ bướu giáp như: Chảy máu, khó thở, nhiễm trùng vết mổ, thay đổi giọng nói.
Bác sĩ Đào Đình Khôi, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật.
Bác sĩ Khôi khuyến cáo, để giảm nguy cơ hình thành bướu giáp, mỗi người cần đảm bảo chế độ ăn đủ I - ốt, hạn chế thực phẩm thúc đẩy bướu giáp phát triển như: Bắp cải, súp lơ, cải xoăn. Khi bị bướu giáp ở cổ, cần can thiệp sớm để ngăn chặn bệnh tiến triển.
Tin, ảnh: Ý THU