Loại bỏ sử dụng động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong y học cổ truyền

Loại bỏ sử dụng động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong y học cổ truyền
4 giờ trướcBài gốc
Hội nghị có sự tham dự của 200 đại biểu gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học cổ truyền, đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tham gia Hội nghị quốc tế về “Bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền lần 3”.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học và các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận, định hướng những giải pháp thực hành y học cổ truyền bền vững và thân thiện với môi trường. Từ đó nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của y học cổ truyền thông qua việc loại bỏ sử dụng ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, đồng thời khuyến khích cộng đồng y học cổ truyền trên toàn cầu sử dụng các giải pháp thay thế hiệu quả.
Thời gian qua, các sản phẩm từ ĐVHD như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê… thường được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền để chữa trị nhiều loại bệnh. Tuy nhiên việc khai thác các sản phẩm này quá mức nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường không chỉ đẩy nhiều loài động vật đến nguy cơ tuyệt chủng mà còn làm gia tăng rủi ro lây lan dịch bệnh từ ĐVHD sang con người.
Vảy tê tê được sử dụng làm sản phẩm điều trị tắc nghẽn tuyến vú khiến loài động vật quý hiếm này bị săn bắt, giết hại.
TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền Việt Nam cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD trong y học cổ truyền là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc chuyển sang sử dụng các giải pháp thay thế có nguồn gốc từ thực vật là xu hướng tất yếu. Những loại thảo dược và dược liệu thay thế này không chỉ an toàn, dễ tiếp cận mà còn hiệu quả trong điều trị, góp phần bảo tồn ĐVHD, duy trì đa dạng sinh học và sự ổn định của hệ sinh thái toàn cầu.
Người dân ở TP Huế bàn giao cá thể tê tê java cho lực lượng Kiểm lâm thả về tự nhiên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ Trường Đại học Y học tích hợp Virginia; Trường Đại học Y học cổ truyền New York (Hoa Kỳ); Đại học Tarumanagara (Indonesia); Trường Đại học Y dược, Đại học Huế… đã trình bày những ý kiến nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa y học cổ truyền và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trọng tâm là chấm dứt việc sử dụng các loài ĐVHD đang bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.
Các chuyên gia còn đề xuất những giải pháp phù hợp để bảo vệ ĐVHD, giới thiệu các thành tựu trong điều trị, chăm sóc sức khỏe bằng các thành phần hoặc phương pháp thay thế cho sản phẩm ĐVHD như sử dụng nguyên liệu thực vật để thay thế vảy tê tê, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất dược liệu thay thế mật gấu.
Để cam kết không sử dụng ĐVHD trong quá trình khám, chữa bệnh, đại diện các đơn vị, tổ chức tham gia Hội nghị đã cùng ký cam kết, gia nhập Mạng lưới Toàn cầu về Bảo vệ ĐVHD trong y học cổ truyền.
Theo các nhà khoa học, hiện vảy tê tê đứng thứ 5 trong số 20 phương pháp phổ biến nhất dùng để điều trị tắc nghẽn tuyến vú. Có tới 400 loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền tại Việt Nam, trong số đó có 71 loài động vật bị liệt vào Sách Đỏ IUCN.
Một khảo sát do Tổ chức Động vật Châu Á năm 2013 thực hiện cũng cho thấy, 40% thầy thuốc đông y thừa nhận vẫn thường xuyên kê đơn mật gấu cho bệnh nhân.
Theo thống kê, diện tích phân bố của hổ đã bị thu hẹp đến 93% chỉ trong 1 thế kỷ. Có khoảng 7.000 - 8.000 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở trên khắp Châu Á. Có hơn 1 triệu cá thể tê tê bị giết hại trong giai đoạn năm 2000 – 2014; từ năm 2015 - 2019, có tổng cộng 215 tấn vảy tê tê bị tịch thu ở Châu Á. Chỉ riêng năm 2023, có 586 cá thể tê giác đã bị giết hại do nạn săn trộm trên khắp Châu Phi; hơn 12.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại lấy mật ở Châu Á.
Anh Khoa
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/y-te/loai-bo-su-dung-dong-vat-hoang-da-nguy-cap-quy-hiem-trong-y-hoc-co-truyen-i768750/