Lương hưu của bà con nông dân khi về già
Tay chỉ vào vườn ca cao phía sau nhà, ông Cầm Bá Biên, 64 tuổi, ở thôn 2, xã Đắk Wil, Đắk Nông, cười đầy sung sướng và nói: “Đây chính là lương hưu của tôi đấy”.
Niềm vui của ông Biên bắt đầu từ mùa ca cao năm ngoái. Giá ca cao đột ngột tăng cao, lên khoảng 80.000 đồng/kg, gấp gần 4 lần so với năm trước. Ông bỏ túi gần 300 triệu đồng từ vườn cây.
Năm 1990, sau khi phục viên từ quân ngũ, ông Biên - người dân tộc Thái, quê ở Thanh Hóa - đưa cả gia đình vào Đắk Nông khai hoang lập nghiệp.
Ông nhớ lại, khi ấy cả vùng đất rộng lớn chỉ là bãi hoang, cây cối mọc dại, không người, không đường. Vợ chồng ông cùng mấy đứa con thơ phát cây, dọn cỏ để làm rẫy, bắt đầu cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng.
Gia đình ông sống nhờ vào việc trồng cà phê, hồ tiêu và nhận sửa xe, sửa điện cho bà con quanh vùng.
Cách đây 10 năm, ông Biên bắt đầu trồng ca cao - một loại cây do người Pháp mang vào Việt Nam hơn một thế kỷ trước. Do không biết cách trồng, chăm bón và áp dụng các kỹ thuật liên quan nên năng suất rất kém. Hơn nữa, giá ca cao chỉ từ hơn 10.000 đồng/kg, khiến thu nhập từ vườn ca cao không đáng là bao.
Nông dân trồng ca cao ở Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh
“Tôi lên mạng học cách chăm bón cây rồi đem áp dụng, nhưng đều thất bại. Nhiều lúc, tôi đã tính chặt bỏ vì không có lãi”, ông nhớ lại.
Rất may, các chuyên gia đã chỉ cho ông Biên và nhiều người tại đây kỹ thuật trồng, bón phân, tưới nước, ủ hạt,... theo một quy trình nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn EU. Nhờ đó, cộng với giá ca cao tăng đột biến, năm vừa rồi, ông Biên có lãi lớn.
“Nếu giá ca cao cao như thế này thì tôi sống khỏe, kể cả khi về già”, ông phấn khởi.
Hàng xóm của ông, ông Nguyễn Kim Đình (72 tuổi), cũng vui mừng khi cây ca cao mang lại lợi nhuận lớn. Là người đầu tiên trồng ca cao ở tỉnh Đắk Nông, năm 2012, ông Đình kể lúc bấy giờ, bà con trong xã thi nhau trồng, nhà nào cũng có vài héc-ta.
Nhưng do thiếu kỹ thuật, năng suất thấp và giá cả bấp bênh nên nhiều người chặt bỏ. Cả xã từ hàng trăm héc-ta chỉ còn lại 5-6ha.
Ông Đình, cũng như ông Biên, rất may không chặt bỏ vườn cây. Vận may đã đến khi giá ca cao đột ngột tăng cao. Ông kiếm được 300 triệu đồng trong vụ mùa trước và đang mở rộng diện tích ca cao.
Ông Biên, ông Đình và nhiều nông dân khác đã gặp may khi tham gia các khóa tập huấn. Họ được dạy cách ủ vỏ làm phân hữu cơ, làm than sinh học, nuôi thiên địch trong vườn ca cao để giảm sử dụng thuốc trừ sâu,... và áp dụng nhiều phương pháp canh tác nghiêm ngặt khác.
Doanh nghiệp cũng xắn tay xốc tới
Hợp tác xã Nhất Tâm ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đang thu mua hạt ca cao tươi của nông dân với cam kết giá tối thiểu để họ yên tâm phát triển loại cây này.
Giám đốc Hợp tác xã, bà Nguyễn Hồng Thương, cho biết, khi nông dân chăm sóc đúng kỹ thuật, họ có thể kiếm được 500-700 triệu đồng/năm từ 1ha ca cao, thậm chí có hộ thu được 1 tỷ đồng. Hợp tác xã đang liên kết với hơn 200 hộ dân trồng và bao tiêu ca cao.
Ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc Công ty Nhất Thống, trồng xen cây ca cao cùng các loại cây trồng khác trên diện tích 300ha theo mô hình tuần hoàn. Vườn ươm giống, nuôi trùn quế, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học,... tạo ra một hệ thống canh tác khép kín để sản xuất các sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Là doanh nhân “tay ngang” trong ngành nông nghiệp, ông Thời tin chắc rằng sẽ thành công với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như vườn ca cao của mình.
Thu hoạch ca cao. Ảnh: Vũ Sinh
Những sản phẩm ca cao của Hợp tác xã Nhất Tâm, Công ty Nhất Thống và một số doanh nghiệp khác đang được bán chủ yếu cho Puratos Grand-Place (thuộc Tập đoàn Puratos, Bỉ), một doanh nghiệp lớn trong ngành ca cao tại Việt Nam.
Đại diện công ty cho hay, sản lượng ca cao Việt Nam chỉ đạt 3.000 tấn/năm, trong khi Puratos cần tới 10.000 tấn/năm. Công ty đang phải nhập khẩu hơn 2/3 ca cao phục vụ sản xuất, tiềm năng mở rộng vùng trồng ca cao vẫn còn rất lớn.
Diện tích trồng ca cao tại Việt Nam dự đoán sẽ tăng lên hơn 8.000 ha vào năm 2035, từ mức 2.800 ha của năm 2024.
Đây là cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, lại tương đối dễ trồng, không quá “khó tính” trong chăm sóc và có tuổi thọ lên tới vài chục năm. Diện tích trồng ca cao tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Vòng quay của ca cao - từ vườn cho đến sản phẩm sô-cô-la, từ người nông dân đến tập đoàn đa quốc gia - đều có động lực khởi đầu từ một dự án của Liên minh Châu Âu.
Thông qua chương trình "Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu", EU đã khởi động một dự án với tổng kinh phí khoảng 2,4 tỷ euro nhằm tăng khả năng phục hồi khí hậu, phát triển carbon thấp và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Dự án được thực hiện từ tháng 7/2022 đến 7/2026 tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước (Tây Nguyên) và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre (Đông Nam Bộ).
Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam đang dần thích nghi với Quy định của EU về chống phá rừng (EUDR)
Tính đến cuối tháng 3/2025, có gần 1.200 thành viên hợp tác xã, doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông và nông dân tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về giải pháp kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao.
Cách đây vài ngày, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier đã đến thăm nhiều gia đình nông dân và doanh nghiệp tham gia dự án, để xem họ đã thay đổi cách canh tác và thu được lợi ích ra sao.
Ông nhận xét, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam đang dần thích nghi với Quy định của EU về chống phá rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu vào châu Âu các sản phẩm như ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, gỗ, thịt bò, cao su và giấy... nếu có nguồn gốc từ đất rừng bị phá hoặc suy thoái.
Ông cho hay, khi được cấp chứng nhận bền vững của EU, nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu với giá cao vào những phân khúc thị trường hàng đầu.
Tuy vậy, quy định EUDR đang được hoãn hiệu lực 1 năm do một số nước chưa sẵn sàng. Đại sứ Guerrier tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu vào cuối năm 2025.
"Hãy tận dụng khoảng thời gian này để hoàn thiện những bước cuối cùng, đảm bảo sẵn sàng đúng thời hạn. Khi đó, các nhà sản xuất Việt Nam có thể xuất khẩu sang châu Âu, trong khi các đối thủ từ những thị trường khác chưa kịp chuẩn bị", ông lưu ý.
Ông Cầm Bá Biên, Nguyễn Kim Đình và nhiều nông dân khác không biết rõ các quy định này. Nhưng họ khẳng định từ nay dứt khoát phải trồng, canh tác và thu hoạch ca cao theo đúng kỹ thuật đã được học.
"Vì điều đó giúp tôi bán ca cao được giá tốt. Ai chả muốn giá cao, kiếm được nhiều tiền", ông Biên cười nói.
Tư Giang