Trên thế giới có rất nhiều loài bò sát, nhưng 96% trong số chúng không được bảo vệ đúng vì thiếu thông tin. Hiện tại Việt Nam đang sở hữu một loài tắc kè “độc nhất vô nhị” - tắc kè cảnh (Gekko canhi) và đang tìm cách để bảo vệ nó.
Ảnh minh họa
Tắc kè cảnh là loài đặc hữu của nước ta, phân bố cùng sinh cảnh với loài thạch sùng mí Hữu Liên. Chúng lần đầu được nhìn thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn) và Sapa (Lào Cai). Cái tên tắc kè cảnh là được đặt theo tên vị PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Loài tắc kè Gekko canhi có đặc điểm nhận dạng như: Kích cỡ trung bình (dài mút mõm hậu môn khoảng 85 - 99 mm), 12 - 14 vảy môi trên, 10 - 13 vảy môi dưới, 47 - 50 vảy gian ổ mắt, 10 - 13 hàng u nhỏ trên lưng, 164 - 170 hàng vảy quanh thân, 13 - 16 bản mỏng dưới ngón thứ nhất và 14 - 17 bản mỏng dưới ngón thứ tư của chi sau, phía trên ống chân có các u nhỏ, có 5 lỗ trước hậu môn, vảy dưới đuôi phình rộng.
Ngoài ra, tắc kè cảnh còn khá giống tắc kè Nhật Bản Gekko japonicus. Chỉ có là kích thước chúng lớn hơn, có nhiều vảy gian ổ mắt và vảy quanh thân hơn.
Nhưng từ khi được phát hiện đến nay, tắc kè cảnh không có thêm nghiên cứu về loài. Những gì giới khoa học lẫn người bình thường biết về nó vẫn là rất ít ỏi. Qua quá trình khảo sát, gần đây một nhóm nghiên cứu cho biết loài này sẽ chịu tác động mạnh từ hoạt động của con người và biến đổi khí hậu trong tương lai.
Hiện tại, nhiều ý kiến đề xuất cần bảo tồn quần thể loài tắc kè cảnh và sinh cảnh trước những tác động của con người.
Theo Sở hữu trí tuệ