Hà mã, tên khoa học là "Hippopotamus amphibius", là một loài động vật có vú ăn cỏ lớn sống ở Châu Phi cận Sahara. Mặc dù là động vật ăn cỏ nhưng hà mã lại nổi tiếng là loài động vật vô cùng hung dữ.
Nhờ có bộ hàm cực khỏe, hà mã có thể nghiền nát cá sấu dài 3m dễ như bỡn. Chúng cũng không nề hà gì con người. Theo số liệu thống kê ở Châu Phi, mỗi năm hà mã gây ra cái chết của khoảng 2900 cư dân Lục Địa Đen, nhiều hơn bất cứ loài thú dữ ăn thịt nào.
Mặc dù kiếm ăn ở trên bờ nhưng hà mã vốn là loài sông nước, không có nước thì không thể sống nổi. Chúng cần một nguồn nước ổn định, là sông hoặc hồ có độ sâu tối thiểu 1,5m. Ban ngày, chúng ưa dầm mình trong nước hoặc bùn, đêm xuống mới trèo lên bờ đi gặm cỏ.
Trong các loài động vật có vú trên cạn thì hà mã (1,5-3 tấn) xếp thứ ba về kích thước, sau tê giác trắng (1,5 - 3,5 tấn) và voi (3 - 9 tấn).
Đối với các loài ăn cỏ kích thước lớn, chúng cần tiêu thụ một lượng thức ăn bằng khoảng 5% cơ thể. Nhưng hà mã chỉ cần một lượng thức ăn bằng 1,5% cân nặng của chúng, tức là khoảng 15 - 40kg cỏ. Nếu cứ chiếu theo tỉ lệ chung, thì chúng lẽ ra phải gặm 75 - 150kg cỏ mỗi đêm.
Một con hà mã có thể nhịn thở tới 6 phút/lần. Trong lúc lặn, chúng đóng cả lỗ mũi lẫn lỗ tai, ngăn không cho nước chảy vào.
Thú vị là trái ngược với dáng vẻ đi lại nặng nề trên đất liền, hà mã lúc dưới nước hệt như một vũ công ba lê duyên dáng, uyển chuyển. Thay vì đập chân đập tay mà bơi, con vật to lớn này lại từ tốn "nhảy" bộ. Chúng nhún chân, đẩy cơ thể lên khỏi mặt nước theo hướng lao về phía trước, nhìn hết sức thoải mái và nhẹ nhàng.
Nghiên cứu cho thấy hà mã có thể "bay" trong một khoảng thời gian ngắn, lên đến 15% chu kỳ sải chân của chúng, tương đương khoảng 0,3 giây. Điều này xảy ra khi tất cả bốn chân của chúng đều nhấc khỏi mặt đất trong quá trình chạy nước kiệu.
Dù là động vật có vú nhưng hà mã lại rất ít lông. Đổi lại, chúng tự trang bị làn da dày đến 6cm. Rất khó để các loài hoang dã săn mồi cắn xuyên qua lớp da siêu dày này của hà mã. So với các động vật có vú khác, hà mã toát mồ hôi nhanh gấp 7 lần. Thế nên chúng mới suốt ngày lo ngâm mình trong nước.
Khi chỉ ngâm mình là chưa đủ, hà mã sẽ tự động tiết ra một chất lỏng màu đỏ để "chống nắng". Người ta thường gọi chất lỏng này là "mồ hôi máu", nhưng đó thực ra không phải là máu hay mồ hôi mà là một chất dịch có tính axit cao. Nó hoạt động như lớp nhầy ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và hấp thụ tia cực tím.
Ban đầu, chất dịch này cũng không có màu đỏ mà trong suốt. Chỉ khi đã ở ngoài da được vài phút, nó mới bắt đầu chuyển sang màu đỏ hoặc cam, cuối cùng thành màu nâu. Nhờ nó phủ quanh cơ thể như một lớp kem chống nắng, da của hà mã mới không bị nứt nẻ.
Điều hết sức thú vị ở hà mã là chúng đẻ con trong nước, dù hà mã sơ sinh không phải vừa đẻ ra là đã biết bơi. Do đó khi mới đẻ xong, hà mã mẹ liền phải vội vàng lặn xuống, đẩy hà mã con lên cho nó thở.
Tuấn Lưu (Tổng hợp)