Việt Nam là đất nước nổi tiếng với nhiều loại hoa quả, trái cây thơm ngon, giá thành lại rẻ. Trong số đó, mít được ưa chuộng bậc nhất. Mít giờ đây được lai tạo nhiều nên có quanh năm, nhưng trước đây nó chỉ xuất hiện vào mùa hè. Múi mít thơm ngọt được người Việt ăn ngay hoặc sấy khô ăn dần, xơ mít dai thì dùng làm nộm, nhút.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, còn một bộ phận của quả mít mà đa số lại chỉ vứt đi. Đó chính là hạt mít. Trước đây, vì sống trong cảnh khốn khổ, thiếu ăn nên người dân thường ăn hạt mít trừ cơm. Tuy nhiên càng ngày đời sống càng tốt lên, kinh tế phát triển, hạt mít dần bị cho vào quên lãng. Thậm chí ở thời điểm hiện tại hạt mít dù có được cho cũng chẳng ai lấy ăn.
Ấy thế mà hạt mít khi sang Nhật Bản lại được đưa lên kệ các siêu thị lớn, bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg, cao hơn cả thịt lợn. Khi xuất khẩu, loại hạt này được làm sạch, đóng gói trong bao bì và là loại đặc sản Việt Nam rất được yêu thích. Vậy tại sao xứ sở Hoa anh đào lại chuộng hạt mít như vậy? Câu trả lời nằm ở chính công dụng, tính chất của hạt mít.
Hạt mít khi vận chuyển ít bị hư hỏng hơn quả mít. Bên cạnh đó, nó nằm ở phần lõi, được bao bọc nhiều lớp nên rất an toàn, không bị nhiễm hóa chất. Dù cho múi mít có bị tiêm thuốc kích chín thì hạt mít vẫn “bất khả xâm phạm”.
Đáng kể nhất là giá trị dinh dưỡng. Hạt mít có ít đường, ít chất béo hơn múi mít, nhưng nó lại rất giàu vitamin, khoáng chất. Người Nhật vốn thích những thứ tốt cho sức khỏe nên không mấy khó hiểu khi họ thích hạt mít.
Y học cổ truyền Việt Nam cho biết, trong hạt mít có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, E, carotenoid, polyphenol. Nó còn chứa lượng protein nhất định, chất xơ phong phú, giúp cải thiện chuyển hóa chất béo, duy trì cân bằng đường huyết, tăng cường chức năng tiêu hóa.
Đặc biệt, hạt mít có tác dụng tốt cho những người bị bí trung tiện, đầy hơi, chướng bụng. Đó là lý do mà khi ăn quá nhiều hạt mít, thường xảy ra tình trạng xì hơi không kiểm soát.
Theo Sở hữu trí tuệ