Loài linh trưởng quý hiếm được mệnh danh là 'sinh vật của bóng đêm' với vũ khí phòng vệ đặc biệt

Loài linh trưởng quý hiếm được mệnh danh là 'sinh vật của bóng đêm' với vũ khí phòng vệ đặc biệt
5 giờ trướcBài gốc
Loài vật quý hiếm có biệt danh "sinh vật của bóng đêm'
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) cho biết, Vườn được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất theo tiêu chí địa chất, địa mạo và lần thứ 2 dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học.
Trong phạm vi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hiện ghi nhận 1.399 loài động vật. Trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN. Cùng với đó, có 2.953 loài thực vật bậc cao với 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Phong Nha - Kẻ Bàng được xem là khu vực có mật độ linh trưởng cao nhất Việt Nam. Bởi nơi đây có 10 loài trong tổng số 24 loài thuộc bộ linh trưởng ở nước ta. Một số linh trưởng quý hiếm nổi bật như Voọc Hà Tĩnh, Vượn Siki, Chà vá chân nâu, Cu li. Cùng với đó là các loài Khỉ đuôi lợn, Khỉ mốc, Khỉ vàng, Khỉ mặt đỏ...
Cá thể Cu li ngoài tự nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Anh Phạm Kim Vương, Phụ trách phòng Cứu hộ động vật của trung tâm cho biết, trong số các loài linh trưởng phân bố ở Vườn, có 2 loài Cu li (Cu li lớn và Cu li nhỏ). Chúng đặc biệt bởi tên gọi, phương thức kiếm ăn và phòng vệ.
Cu li là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
"Cu li còn được gọi là con cù lần hay con mắc cỡ vì bản tính bản tính nhút nhát. Thời gian qua đơn vị cứu hộ, chăm sóc và tái thả nhiều cá thể Cu li", anh Vương cho biết.
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cứu hộ, chăm sóc và tái thả nhiều cá thể Cu li.
Theo anh Vương, loài Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) chỉ nặng dưới 0,65kg. Cu li lớn (Nycticebus coucang) cũng nặng khoảng 1kg. Cu li thường sống trong các kiểu rừng núi đá, đất, rừng hỗn giao.
Cu li thường chỉ sống đơn độc cũng có thể tạo thành nhóm nhỏ. Loài này hoạt động chủ yếu lúc về đêm nên chúng được mệnh danh là "sinh vật của bóng đêm". Ban ngày, chúng cuộn mình ngủ trên các hốc cây. Đêm đến, Culi chuyền cây đi kiếm ăn với lợi thế của đôi mắt to, có độ mở lớn. Thức ăn chủ yếu là côn trùng, trứng chim, nhựa cây đóng cục.
Vũ khí phòng vệ đặc biệt
Một số nghiên cứu cho thấy, sự kết hợp giữa tuyến mồ hôi và nước bọt của Cu li tạo nên chất độc nguy hiểm. Chất độc này bảo vệ Cu li khỏi ký sinh trùng và kẻ thù lớn trong tự nhiên.
Một số nghiên cứu cho thấy, sự kết hợp giữa tuyến mồ hôi và nước bọt của Cu li tạo nên chất độc nguy hiểm.
Cụ thể, chất độc được tiết ra cùng mồ hôi ở phần mặt trong của hai chân trước. Khi Cu li liếm phải, chất độc lẫn trong tuyến nước bọt. Nếu không may bị Cu li cắn sẽ có cảm thấy đau đớn toàn thân. Chất độc từ Cu li có thể gây phù nề, nôn mửa, mất thời gian dài để chữa trị. Một số trường hợp có thể bị sốc phản vệ, có nguy cơ tử vong.
"Cu li được đưa vào Sách đỏ Việt Nam vì đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng do hành vi săn bắt trái phép. Loài này bị cấm nuôi nhốt, buôn bán nhưng một số người vẫn có hành vi nuôi nhốt. Ngoài vi phạm pháp luật, họ có nguy cơ bị tấn công, nhiễm độc từ loài cu li", anh Phạm Kim Vương cho biết thêm.
Hùng Trần
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/loai-linh-truong-quy-hiem-duoc-menh-danh-la-sinh-vat-cua-bong-dem-voi-vu-khi-phong-ve-dac-biet-169250419220359016.htm