Bức tranh minh họa vào năm 1896 của ông Josepn Smit về loài khủng long Megalosaurus. Ảnh: Getty Images.
Năm 1677, nhà khoa học tự nhiên người Anh Robert Plot đã công bố bức hình minh họa đầu tiên về xương khủng long. Đây là bức hình về một bộ xương hóa thạch của loài khủng long được phát hiện tại Oxfordshire, Anh. Ngay lúc đó, ông không biết đó thực sự là gì. Lúc đầu, ông tự hỏi liệu hóa thạch này có phải là xương voi từ thời Đế chế La Mã hay không. Sau khi kiểm tra một con voi sống để so sánh, ông cho rằng bộ xương có thể thuộc về một loài có kích thước khổng lồ nào đó.
Về mặt lịch sử, đây không phải là một tuyên bố bất thường. Còn về khủng long thì mãi đến thế kỷ 19, con người mới bắt đầu có những nghiên cứu chính thức về loài này. Tuy nhiên, vào giai đoàn đó cũng như từ nhiều thế kỷ về trước, trong cộng đồng đã xuất hiện những câu chuyện về việc phát hiện xương của rồng hoặc các sinh vật có kích thước to lớn khác.
Ông Hans-Dieter Sues, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian, cho rằng từ rất lâu trong lịch sử loài người, chúng ta đã phát hiện ra xương của loài khủng long, thể hiện sự kinh ngạc trước những bộ xương đó, nhưng có lẽ con người không hề biết mình đang nhìn thấy thứ gì.
Ba loài khủng long đầu tiên
Năm 1824, nhà cổ sinh vật học người Anh William Buckland đã công bố một bài báo về hóa thạch xương hàm được phát hiện tại một ngôi làng Anh có tên là Stonesfield. Ông Buckland mô tả sinh vật mới được phát hiện thuộc loài bò sát lớn. Ông đặt tên nó là Megalosaurus – là một từ Hy Lạp có ý nghĩa là "thằn lằn lớn".
Ông Sues nói rằng: "Ngoài việc nói rằng đó là một loài động vật săn mồi lớn, ông ấy không thể nói nhiều về nó". Nhà cổ sinh vật học này lý giải rằng, vào thời điểm đó không thực sự có gì để có thể so sánh, đối chiếu với hóa thạch khủng long.
Megalosaurs là loài khủng long đầu tiên được đặt tên khoa học một cách chính thức. Một năm sau đó, một nhà cổ sinh vật học người Anh Giddeon Mantel đã đề xuất tên gọi Iguanodon cho một sinh vật kỳ lạ khác. Đó là loài động vật có răng, hóa thạch răng của chúng giống với răng của một con kỳ nhông lớn. Năm 1833, ông Mantell đã sử dụng các mảnh xương mới được phát hiện để xác định một chi mới của loài động vật này và ông đặt tên chúng là Hylaeosaurus .
Kể từ thời điểm đó, các nhà khoa học đã có 3 loại sinh vật mới với kích thước lớn bất thường để có thể so sánh, đối chứng với nhau. Đây cũng chính xác là những gì mà nhà cổ sinh vật học và nhà giải phẫu học người Anh Richard Owen đã thực hiện. Trong một bài báo vào năm 1842, ông Owen đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa các hóa thạch này. Dựa trên những điểm tương đồng này, ông Owen đã xác định cả ba sinh vật này là cùng thuộc một loài. Ông đặt tên loài này là Dinosauria - một thuật ngữ mới được tạo ra bằng cách kết hợp các từ Hy Lạp lại với nhau với nghĩa là "to lớn đáng sợ" và "thằn lằn".
Ông Sues cho biết việc công nhận Megalosaurs, Iguanodon và Hylaeosaurus vào cùng nhóm thuộc một loài mới có tên Dinosauria là bước đi mang tính cách mạng. Điều đó cho thấy rằng ngày xưa đã từng có những loài động vật đã tuyệt chủng và là những loài đã từng thống trị trong hệ sinh thái trên Trái Đất của chúng ta.
Sự hấp dẫn của loài khủng long đối với công chúng
Những khám phá mới này đã thu hút trí tưởng tượng của công chúng tại Anh. Một trong những ấn phẩm đầu tiên về loài khủng long là truyện Bleak House của tác giả Charles Dickens. Ấn phẩm này được xuất bản dưới dạng seri 20 tập, được phát hành từ năm 1852 đến năm 1853. Chương đầu của tiên của bộ truyện mở đầu bằng việc đưa ra lời bình luận "sẽ không quá sửng sốt nếu bắt gặp một con Megalosaurus, dài khoảng 40 feet, chạy lạch bạch như một con thằn lằn voi trên Đồi Holborn".
Trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, người dân Mỹ cũng bắt đầu đặc biệt say mê về loài khủng long, khi gọi sự canh tranh trong phát hiện loài khủng long mới là “Bone Wars” (Cuộc chiến về xương). Trong đó, hai nhà cổ sinh vật học Mỹ đã cạnh tranh kịch liệt với nhau trong việc đưa ra những khám phá mới về khủng long. Theo đó, các nhà cổ sinh vật học Edward Drinker Cope và Othniel Charles Marsh đã từ bạn trở thành những đối thủ đáng gờm với nhau trong “Cuộc chiến về xương”. Bắt đầu từ những năm 1870, họ đã sử dụng những nguồn lực tài chính của mình để tài trợ cho các cuộc khai quật mới cũng như tìm cách phá hoại công việc của nhau.
Bất chấp sự phá hoại đó, cả hai ông Cope và Marsh đã tìm ra hơn 100 loài khủng long mới, bao gồm Stegosaurus và Triceratops. Với những khám phá trên, các bảo tàng bắt đầu trưng bày các bộ xương khủng long và thậm chí là dựng lại bộ xương khủng long để cho phép công chúng được chiêm ngưỡng hóa thạch khủng long ở khoảng cách gần.
Hóa thạch xương của loài voi Mammoth được tìm thấy tại mỏ khai thác hóa thạch xương khủng long ở Wyoming. Ảnh: Getty Images.
Các nhà cổ sinh vật học tiếp tục có những phát hiện mới về loài khủng long vào những năm 1920. Tuy nhiên vào giai đoạn này, nguồn tài trợ cho các cuộc khai quật đã giảm khi trong thời kỳ Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ II . Mặc dù vậy vào những năm 1970, công chúng lại đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm, hứng thú với loài khủng long. Khi đó, các nhà cổ sinh vật học bắt đầu có những khám phá mới có tính chất hấp dẫn hơn và đề xuất các thuyết mới làm thay đổi hiểu biết của con người về những sinh vật tiền sử này.
Sự phục hưng của khủng long và thuyết tuyệt chủng
Quay trở lại những năm 1860, nhà sinh vật học người Anh Thomas Henry Huxley là người ủng hộ mạnh mẽ cho thuyết tiến hóa của nhà bác học Charles Darwin . Ông cũng là một trong những người đầu tiên nhận thấy sự tương đồng giữa hóa thạch chim và khủng long, khi cho rằng có mối liên hệ tiến hóa giữa chúng. Hơn một thế kỷ sau, nhà cổ sinh vật học người Mỹ John Ostrom đã hồi sinh thuyết này bằng cách lập luận rằng chim là hậu duệ trực tiếp của loài khủng long.
Công trình của ông Ostrom và các nhà cổ sinh vật học khác đã giúp tạo ra một thời kỳ phục hưng của loài khủng long, phục vụ cả mặt nghiên cứu lẫn sở thích của công chúng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra các thuyết mới về nguyên nhân loài khủng long bị tuyệt chủng – một vấn đề không nhiều học giả thế kỷ 19 quá quan tâm.
Năm 1980, các nhà khoa học Luis và Walter Alvarez cho rằng vụ va chạm của một tiểu hành tinh với Trái Đất có thể đã khiến hầu hết các loài khủng long bị tiêu diệt, khiến chúng tuyệt chủng. Mặc dù ban đầu còn nhiều tranh cãi, nhưng giả thuyết của ông Alvarez đã được giới khoa học chấp nhận rộng rãi – tương tự thuyết chim tiến hóa từ khủng long của ông Ostrom.
Sự phục hưng của khủng long cũng dẫn đến việc loài sinh vật cổ đại này trở nên phổ biến hơn trong văn hóa đời sống. Năm 1988, hãng Universal Pictures ra mắt phần đầu tiên trong loạt phim hoạt hình dài tập “The Land Before Time” (Vùng đất tiền sử) dành cho trẻ em về loài khủng long. Năm 1991, hãng ABC bắt đầu phát sóng bộ phim hài Dinosaurs kể về một gia đình khủng long. Năm sau đó, một chú khủng long biết hát màu tím đã ra mắt tại chương trình “Barney & Friends” (Barney và những người bạn) – một chương trình dài tập dành cho trẻ em.
Có lẽ tác phẩm truyền thông quan trọng nhất ra đời từ thời Phục hưng là “Jurassic Park” (Công viên kỷ Jura). Đây là bộ phim được phát hành vào năm 1993 - dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Michael Crichton được xuất bản vào năm 1990. Bộ phim này và các phần tiếp theo đã định hình cách nhìn nhận của công chúng về loài khủng long, ngay cả khi có những sự thay đổi trong nghiên cứu khoa học về loài này. Trên thực tế, các nhà khoa học đánh giá rằng con người hầu như chưa biết nhiều về loài khủng long. Hầu hết trong số chúng vẫn chưa được khám phá và điều này cũng có khả năng khiến những nhận định, hiểu biết của chúng ta hiện nay cũng sẽ sớm thay đổi trong tương lai.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo History)