Loài nhện 150 triệu năm tuổi đứng trước bờ tuyệt chủng

Loài nhện 150 triệu năm tuổi đứng trước bờ tuyệt chủng
6 giờ trướcBài gốc
Một nhà nghiên cứu lấy mẫu lá rụng để tìm kiếm nhện sát thủ. Ảnh: Jane Ogilvie
Dấu tích kỷ Jura còn sót lại
Trong năm tuần qua, cô Jane Ogilvie, nhà sinh vật học bảo tồn, miệt mài lần bước dưới những tán cây bạch đàn rậm rạp ở Đảo Kangaroo, phía nam Australia.
Mỗi bước chân là một hy vọng nhỏ nhoi, mong tìm ra dấu vết của nhện sát thủ đảo Kangaroo, loài sinh vật đã sống sót suốt 150 triệu năm qua nhưng đang đứng bên bờ tuyệt chủng.
Loài nhện cổ xưa này không giăng tơ giữa không trung hay trú trong hốc đá như phần lớn đồng loại, mà sống ẩn dưới lớp lá mục ẩm ướt trong một khu vực hẹp ở phía tây bắc hòn đảo. Đảo Kangaroo giờ đây được xem là “ngôi nhà” cuối cùng của chúng.
Thế nhưng, mùa khảo sát năm nay gần như trắng tay. Trong hơn một tháng ròng rã, cô Ogilvie và cộng sự chỉ phát hiện được duy nhất một cá thể non.
Mọi địa điểm từng ghi nhận sự hiện diện của loài nhện đều trống vắng. “Chúng tôi đã hy vọng khi phát hiện một khu vực khả thi. Nhưng rồi mọi thứ khô cằn. Gần như không có mưa trong hai năm qua”, Ogilvie chia sẻ.
Tình trạng hạn hán kỷ lục chỉ là một phần của vấn đề. Những trận cháy rừng dữ dội vào năm 2019–2020 đã thiêu rụi hàng loạt cánh rừng phía tây đảo, vốn là nơi cư trú chính của loài nhện này.
Giờ đây, một mối đe dọa mới đang âm thầm lan rộng: nấm phytophthora – tác nhân khiến hệ thực vật bản địa héo úa và chết dần, cuốn theo cả môi trường sống duy nhất mà loài nhện cần để tồn tại.
“Chúng ta đang đứng trước một ngưỡng cửa cực kỳ mong manh. Loài nhện này có thể tuyệt chủng chỉ sau một đám cháy nữa,” tiến sĩ Michael Rix, nhà nhện học của Bảo tàng Queensland, cảnh báo.
Ông là người đầu tiên phát hiện và mô tả loài vào năm 2010, và đến nay vẫn nằm trong số rất ít người từng nhìn thấy chúng trong tự nhiên.
Theo ông Rix, nhện sát thủ là một “cửa sổ nhìn vào quá khứ”, mang hình dáng không thể nhầm lẫn: đầu nhô cao, miệng dài như giáo, và đặc biệt là khả năng rình rập, săn mồi chuyên biệt. Chúng ăn thịt các loài nhện khác.
Đây là một nhánh nguyên thủy trong cây tiến hóa của loài nhện, từng chỉ được biết đến qua hóa thạch ở Madagascar, cho đến khi các mẫu vật sống đầu tiên được phát hiện ở Australia. “Chúng là di sản sống của lịch sử tiến hóa Trái Đất,” ông Rix nói.
Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng loài nhện sát thủ đảo Kangaroo đang bị "đẩy ra khỏi" môi trường sống tự nhiên của nó. Ảnh: Jess Marsh
Sự tuyệt chủng âm thầm
Những đám cháy rừng từng khiến giới khoa học lo ngại loài nhện này đã bị xóa sổ hoàn toàn cho đến năm 2021, khi T.S Jess Marsh, nhà nghiên cứu sống tại đảo Kangaroo, phát hiện hai cá thể sống sót trong một mảng rừng chưa bị thiêu rụi.
“Mỗi cuộc khảo sát đều củng cố một thực tế: chúng đang co cụm lại trong một vùng rất nhỏ và hoàn toàn biến mất ở nơi khác,” bà nói. Theo TS Marsh, nhện sát thủ không chỉ hiếm mà còn cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi nhỏ trong môi trường, khiến công tác bảo tồn càng trở nên thách thức hơn.
Một đề xuất đang được xem xét là nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt nhằm tạo ra một “quần thể bảo hiểm” tại sở thú. Tuy nhiên, việc đưa sinh vật ra khỏi môi trường sống tự nhiên cũng đi kèm với những rủi ro về sinh học và đạo đức.
“Chúng đã vượt qua các kỷ băng hà và những cuộc đại tuyệt chủng. Vậy mà giờ đây, thử thách lớn nhất lại đến từ chính con người,” bà Marsh nói.
Số phận của loài nhện này, dù đặc biệt và hiếm có, chỉ là phần nổi của một khủng hoảng lớn hơn nhiều.
Theo nghiên cứu của nhóm T.S Rix, kể từ khi người châu Âu đặt chân đến Australia, có thể đã có tới 9.000 loài động vật không xương sống biến mất mà không ai hay biết. Hiện tượng này được các nhà sinh vật học gọi là “sự tuyệt chủng ma”.
Tính đến nay, danh sách chính thức của Australia chỉ công nhận một loài không xương sống đã tuyệt chủng: giun đất hồ Pedder. Nhưng con số thực tế, theo các nhà khoa học, có thể lớn hơn hàng trăm lần.
“Một số người sẽ nói: "Chỉ là một con nhện, có gì ghê gớm đâu?" Nhưng vấn đề không nằm ở kích thước. Vấn đề là chúng ta đang đánh mất những nhánh tiến hóa cổ xưa nhất trên Trái đất mà không hề hay biết,” tiến sĩ Rix cho biết.
N.THANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/loai-nhen-150-trieu-nam-tuoi-dung-truoc-bo-tuyet-chung-153522.html