Việt Nam là đất nước có rất nhiều loài sinh vật quý hiếm, được xem như một trong những địa điểm bảo tồn tự nhiên của thế giới. Có rất nhiều trường hợp chúng ta phát hiện ra những loài tưởng chừng đã tuyệt chủng, mang lại tin vui cho giới bảo tồn, khoa học trong lẫn ngoài nước.
Ảnh minh họa
Tháng 9/2016, các nhà khoa học không khỏi mừng rỡ khi ghi nhận được 9 loại động vật đang bị đe dọa cấp toàn cầu qua hình bẫy ảnh ở Việt Nam. Có 2 loài cầy nằm trong số đó, chúng đều nằm trong sách đỏ của IUCN, chính là cầy vằn và cầy giông sọc.
Đáng chú ý hơn cả là cầy giông sọc khi chúng chỉ được ghi nhận lần đầu trong tự nhiên bằng phương pháp bẫy ảnh ở Khu Bảo tồn tự nhiên Phong Điền. Vài tháng trước khi được chụp lại, cầy giông sọc được IUCN đánh giá là “có thể đã tuyệt chủng ở Trung Quốc và Việt Nam”.
Cầy giông sọc có tên khoa học là Large-spotted Civet Viverra megaspila. Nó là loài thú cỡ lớn trong họ Cầy, có kích thước và hình dáng gần giống cầy giông thường. Tuy nhiên, loài giông sọc sẽ có đầu lớn, mõm dài, cộng thêm dải lông bờm cao màu đen dọc sống lưng đến mút đuôi. Ngoài ra, phần sườn bắp đùi, chân sau cầy giông sọc còn có đốm đen lớn rõ rệt, chúng có thể tách rời hoặc tạo thành dải.
Cầy giông sọc là thú bản địa của vùng Đông Nam Á, được tìm thấy ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Tại nước ta, chúng phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Giờ đây, cầy giông sọc thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Có lần chúng được phát hiện, thu giữ trong tình trạng bị thương. Đội ngũ kiểm lâm, bác sĩ thú y chăm sóc, giúp chúng phục hồi sức khỏe rồi thả về môi trường tự nhiên.
Tình trạng mất rừng và săn bắn đã khiến cầy giông sọc ngày càng hiếm gặp trong tự nhiên. Ở Việt Nam, vùng phân bố, số lượng loài này đã giảm sút nhiều. Bộ da, lông của cầy giông sọc có giá trị kinh tế cao nên bị truy lùng rất gắt. Hiện tại, không chỉ Việt Nam mà nhiều tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới cũng đang nỗ lực bảo tồn cầy giông sọc, giúp chúng thoát cảnh tuyệt chủng.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo