Loại trà có mùi thơm 'nịnh mũi', tốt cho tâm trạng và sức khỏe

Loại trà có mùi thơm 'nịnh mũi', tốt cho tâm trạng và sức khỏe
một ngày trướcBài gốc
Trà hoa oải hương được pha bằng cách ủ nụ hoa oải hương với nước nóng, khi ngửi sẽ thấy mùi thơm dịu ngọt ngào. Tác dụng của trà hoa oải hương đối với sức khỏe được cho là nhờ các thành phần như linalool và linalyl acetate, lại không chứa caffeine cùng các hợp chất phenolic,...
1. Tác dụng của trà hoa oải hương đối với sức khỏe
Dưới đây là một số công dụng khi uống trà hoa oải hương mà bạn có thể nhận được:
- Cải thiện các rối loạn tâm trạng như trầm cảm, lo âu
Hoa oải hương được sử dụng như một loại hương liệu bổ sung giúp điều trị chứng lo âu, trầm cảm và mệt mỏi lâu đời. Điều này là nhờ hoa oải hương có chứa linalool và linalyl acetate, hai hợp chất có tác dụng thư giãn thần kinh.
Ngoài ra, mùi thơm nhẹ nhàng từ trà hoa oải hương cũng góp phần kích thích hệ thống thần kinh parasympathetic (hay còn gọi là hệ thần kinh phó giao cảm), giúp cơ thể chuyển từ trạng thái căng thẳng sang trạng thái thư giãn, từ đó góp phần giảm lo âu, cải thiện tâm trạng.
Hoa oải hương được sử dụng như một loại hương liệu bổ sung giúp điều trị chứng lo âu, trầm cảm và mệt mỏi (Ảnh: ST)
Theo Healthline, một nghiên cứu trên 80 phụ nữ mới sinh con ở Đài Loan cho thấy, nhóm được uống 250 ml trà hoa oải hương mỗi ngày trong 2 tuần đã có tâm trạng tốt hơn, ít mệt mỏi hơn so với nhóm không uống trà hay không ngửi mùi thơm của hoa oải hương trong giai đoạn đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, sau 4 tuần thì các tác dụng của trà hoa oải hương trên nhóm tham gia lại không đủ rõ rệt.
Theo Health, một nghiên cứu năm 2020 trên NCBI thì người tham gia được cho uống 2 gam trà hoa oải hương mỗi buổi sáng và buổi tối trong hai tuần. Kết quả cho thấy nhóm uống trà hoa oải hương đã có dấu hiệu giảm lo âu và trầm cảm đáng kể.
- Có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ
Một nghiên cứu năm 2015 trên NCBI trên 158 phụ nữ sau sinh được hít thở sâu với hương hoa oải hương 10 lần, 4 ngày một tuần, liên tục trong 8 tuần. Kết quả cho thấy, nhóm nghiên cứu đã có chất lượng giấc ngủ tốt hơn đáng kể so với nhóm sử dụng giả dược.
Theo một nghiên cứu khác trên NCBI được thực hiện với sự tham gia của 79 sinh viên đại học đang gặp các vấn đề liên quan tới giấc ngủ. Nhóm sinh viên này được hướng dẫn kiểm soát vệ sinh giấc ngủ đúng cách và ngửi hương hoa oải hương, dán miếng dán hương hoa oải hương lên ngực vào giấc ngủ đêm. Kết quả cũng cho thấy đã có sự cải thiện về chất lượng giấc ngủ.
Điều này được giải thích là nhờ thành phần linalool có trong mùi thơm của hoa oải hương có tác dụng giảm căng thẳng, thúc đẩy sự thư giãn, tạo điều kiện cho cơ thể chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi từ đó cải thiện giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
Thành phần linalool có trong mùi thơm của hoa oải hương có tác dụng giảm căng thẳng, thúc đẩy sự thư giãn (Ảnh: ST)
- Có tiềm năng giúp làm dịu cơn đau bụng kinh
Chuột rút hay đau bụng giai đoạn trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt là một hội chứng thường gặp ở nữ giới. Theo Healthline, một nghiên cứu trên 200 phụ nữ trẻ tuổi được ngửi mùi hoa oải hương trong 30 phút mỗi ngày trong 3 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các triệu chứng như chuột rút đã giảm đáng kể sau 2 tháng so với nhóm đối chứng.
Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng massage bằng tinh dầu hoa oải hương cũng góp phần giảm cơn đau bụng kinh. Linalool và linalyl acetate trong hoa oải hương có khả năng giảm căng thẳng và thư giãn cơ bắp.
Các tác dụng của hoa oải hương kể trên giúp mở ra lợi ích tiềm năng hay nói cách khác là tác dụng của trà hoa oải hương trong việc giảm cơn đau do kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để kết luận chính xác về công dụng này cũng như các rủi ro có thể gặp phải.
Nhưng hơn hết, việc bổ sung nước từ trà hoa oải hương ấm cũng góp phần vào quá trình hydrat hóa của cơ thể, giảm thiểu tình trạng co, chuột rút cơ, do mất nước và mệt mỏi cũng như điều tiết hoạt động co thắt tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt.
Massage bằng tinh dầu hoa oải hương cũng góp phần giảm cơn đau bụng kinh (Ảnh: ST)
Ngoài ra, trà hoa oải hương không chứa caffeine. Uống các thức uống chứa caffeine trong kỳ kinh nguyệt đã được chứng minh là làm tăng tình trạng mệt mỏi, tăng huyết áp và nhịp tim, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và lo âu khiến triệu chứng đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Có thể cải thiện sức khỏe làn da
Theo Healthline, một nghiên cứu trên chuột cho thấy việc bôi dầu hoa oải hương cách ngày trong 14 ngày liên tiếp giúp giảm đáng kể diện tích vết thương so với nhóm đối chứng. Điều này được giải thích là do dầu hoa oải hương chứa các thành phần có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein cấu trúc collagen.
Trước khi nói tới tác dụng của trà hoa oải hương với sức khỏe làn da thì dầu hoa oải hương là thành phần quen thuộc trong các sản phẩm chăm sóc da với tác dụng chống viêm và kháng khuẩn như ngăn ngừa mụn trứng cá, cải thiện tình trạng viêm da như bệnh vẩy nến và chữa lành vết thương, vết trầy xước.
Các hợp chất chống oxy hóa trong trà hoa oải hương cũng giúp bảo vệ da khỏi tổn thương do gốc tự do, từ đó làm chậm quá trình lão hóa da và cải thiện sự mềm mại và độ đàn hồi của da.
- Có thể giúp giảm đau đầu
Dựa trên tác dụng của trà hoa oải hương với căng thẳng và rối loạn tâm trạng thì người bị đau đầu uống trà hoa oải hương đúng cách cũng có thể được hưởng các lợi ích này nếu nguyên nhân là do căng thẳng, phổ biến như chứng đau nửa đầu.
Các tác dụng của trà hoa oải hương khác như giảm nhịp tim, cải thiện huyết áp, hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng hô hấp do dị ứng chỉ là lợi ích tiềm năng dựa trên lợi ích của hoa oải hương hoặc dầu oải hương. Chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể trên người với quần thể rộng hơn trước khi kết luận về các tác dụng này khi uống trà oải hương.
2. Ai không nên uống trà hoa oải hương?
Nhìn chung uống trà hoa oải hương tương đối an toàn và hầu như không có rủi ro được báo cáo nhưng nếu là người nhạy cảm với mùi hương, có tiền sử dị ứng trà hoa hãy thận trọng khi uống hoặc tránh uống trà hoa oải hương để hạn chế các phản ứng dị ứng với sức khỏe.
Ngoài ra, nếu đang điều trị các bệnh mãn tính theo đơn thuốc, chẳng hạn như thuốc huyết áp, thuốc điều hòa nhịp tim, thuốc cholesterol, thuốc chống đông máu thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm trà hoa oải hương vào chế độ hàng ngày, tránh các tương tác thuốc không mong muốn.
Hơn nữa, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cũng nên thận trọng khi uống trà hoa oải hương.
Để chọn hoa oải hương pha trà, chú ý mua búp tươi hoặc nụ oải hương khô ở những cơ sở y tín, không sử dụng hóa chất và chất bảo quản. Khi pha, chỉ cần đun sôi khoảng 250 ml nước, cho 1/2 thìa cà phê nụ vào cốc rồi tráng qua một lượt nước trong khoảng 30 giây - 1 phút. Sau đó gan bỏ nước tráng và thêm nước vào ngâm nụ trong vài phút. Để nhận được các tác dụng của trà hoa oải hương, có thể uống nóng hoặc uống lạnh tùy sở thích của từng người.
Nguồn: Healthline, NCBI
Châu Anh
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/loai-tra-co-mui-thom-ninh-mui-tot-cho-tam-trang-va-suc-khoe-20241113115448142.htm