Một "thế lực" tí hon đang lặng lẽ tiến quân về phía bắc nước Đức, và dù chỉ dài vài milimet, chúng có thể gây hậu quả không hề nhỏ. Đó là loài kiến Tapinoma magnum, được mệnh danh là "siêu kiến" nhờ khả năng sinh sôi và lan rộng với tốc độ chóng mặt. Những đàn kiến khổng lồ đang khiến giới khoa học Đức đau đầu và buộc chính quyền phải vào cuộc.
Xuất thân từ vùng Địa Trung Hải nắng nóng, Tapinoma magnum đã vượt qua biên giới, xâm nhập vào nhiều vùng của Đức, trong đó có các thành phố lớn như Cologne và Hanover. Theo chuyên gia về côn trùng học Manfred Verhaagh từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Karlsruhe, điểm đáng sợ nhất ở loài kiến này là chúng không hoạt động riêng lẻ mà hình thành "siêu đàn" - có thể chứa hàng triệu cá thể, lớn hơn gấp nhiều lần các đàn kiến thông thường.
"Chúng có thể sống dưới đất, bò vào nhà, tấn công thiết bị điện tử, làm tổ trong các hốc tường, hộp điện… Không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm gián đoạn hạ tầng kỹ thuật", ông Verhaagh cảnh báo.
Mối đe dọa không còn là lý thuyết. Tại thị trấn Kehl, sự xuất hiện của Tapinoma magnum đã khiến hệ thống điện và internet bị gián đoạn, khiến nhiều hộ dân và doanh nghiệp lao đao. Đây không còn là vấn đề sinh thái đơn thuần, mà đã trở thành mối nguy cho đời sống hiện đại phụ thuộc vào công nghệ.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Đức. Tapinoma magnum cũng đã được ghi nhận tại nhiều khu vực ở Pháp và Thụy Sĩ, cho thấy nguy cơ lan rộng ra toàn châu Âu nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Tuy nhiên, do chưa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên, loài kiến này vẫn chưa được phân loại chính thức là loài xâm lấn. Dù vậy, Bộ trưởng Môi trường bang Baden-Württemberg là ông Andre Baumann đã thẳng thắn gọi Tapinoma magnum là "loài gây hại", và nhấn mạnh cần hành động trước khi quá muộn.
Trước tình hình cấp bách này, lần đầu tiên các nhà khoa học và chính quyền địa phương Đức đang phối hợp trong một dự án nghiên cứu và kiểm soát sự lây lan của Tapinoma magnum. Dự án không chỉ nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, mà còn là phép thử cho khả năng phản ứng trước các mối đe dọa sinh học trong tương lai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho nhiều loài ngoại lai bùng phát mạnh mẽ, Tapinoma magnum có thể chỉ là một trong nhiều "quả bom sinh học" đang chực chờ. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đã sẵn sàng ứng phó với những sinh vật bé nhỏ nhưng đầy uy lực này chưa?
Bình Nguyên