Cá voi răng thuổng, thuộc họ cá voi mõm dài, được đặt tên dựa trên hình dạng răng giống với lưỡi dao mổ truyền thống từng được sử dụng để bóc mỡ cá voi. Kể từ thế kỷ 19 đến nay, chỉ có 7 mẫu vật của loài này được ghi nhận, trong đó 6 mẫu tại New Zealand và chưa bao giờ có ai nhìn thấy chúng còn sống ngoài tự nhiên.
Vào tháng 7/2024, một con cá voi đực dài 5m đã dạt vào bờ biển Otago, phía nam đảo Nam, New Zealand. Sự kiện này khiến các chuyên gia nghiên cứu cá voi vô cùng phấn khích bởi trước đây toàn bộ thông tin về loài này chỉ dựa trên các mảnh xương và mô được phát hiện cách nhau hàng thập kỷ.
Xác cá voi răng thuổng được cẩu mang đi khỏi bãi biển New Zealand. Ảnh: gingerapple
Xác con cá voi được bảo quản đông lạnh trước khi được đưa đến trung tâm nghiên cứu gần thành phố Dunedin để giải phẫu.
Đến đầu tháng 12, các nhà khoa học quốc tế và địa phương đã tập trung tại Trung tâm Nghiên cứu Agresearch Invermay ở Mosgiel, gần thành phố Dunedin, cùng với người Māori địa phương, bắt đầu cuộc giải phẫu. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học và chuyên gia văn hóa tiến hành giải phẫu một mẫu vật gần như hoàn hảo của loài này, đánh dấu bước ngoặt trong việc giải mã những bí ẩn kéo dài hàng thập kỷ.
Cuộc giải phẫu tập trung vào việc mô tả chi tiết loài cá voi này và tìm hiểu cách chúng sống. Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu cấu trúc dạ dày, cách chúng phát ra âm thanh, số lượng đốt sống, khối lượng mỡ, cấu trúc cổ họng và các đặc điểm khác. Kết quả nghiên cứu có thể giúp đề ra các biện pháp giảm thiểu mối đe dọa từ con người đối với loài này.
Anton van Helden - cố vấn khoa học tại Bộ Bảo tồn và chuyên gia hàng đầu về cá voi răng thuổng - cho biết: "Cá voi mõm dài là nhóm động vật có vú lớn bí ẩn nhất trên hành tinh, là những thợ lặn sâu hiếm khi được nhìn thấy. Còn cá voi răng thuổng chính là "hiếm trong những loài hiếm". Đây là mẫu vật thứ bảy được biết đến trên thế giới và là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội giải phẫu chi tiết như thế này".
Lần nghiên cứu này cũng thu hút sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế, như Joy Reidenberg, một nhà giải phẫu so sánh từ Trường Y khoa Icahn tại New York (Mỹ). Bà nhận định: "Chúng tôi không chỉ quan tâm đến cách chúng chết, mà còn muốn biết chúng đã sống như thế nào. Những phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu thêm và áp dụng cho con người".
Sau khi quá trình nghiên cứu hoàn tất, bộ xương cá voi sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Otago, nhưng hàm dưới sẽ được địa phương giữ lại cho mục đích văn hóa.
Loài cá voi răng thuổng được cho là sinh sống ở vùng Nam Thái Bình Dương, nơi có những rãnh đại dương sâu nhất thế giới. Các loài cá voi có mỏ thường là những thợ lặn sâu bậc thầy để kiếm ăn, và có thể vì lý do này mà chúng hiếm khi xuất hiện trên mặt nước, làm tăng thêm sự bí ẩn.
Lần đầu tiên cá voi răng thuổng được ghi nhận là vào năm 1874, khi một hàm dưới và hai chiếc răng được tìm thấy tại quần đảo Chatham, ngoài khơi bờ biển phía đông đảo Nam New Zealand.
Sau đó, ADN lấy từ mẫu mô của hai cá thể mẹ và con được chôn vùi vào năm 2010 đã giúp các nhà khoa học mô tả hình dáng loài. Vào năm 2017, một mẫu vật khác dạt vào bờ ở Waipiro Bay, phía bắc Gisborne, cũng được xử lý theo cách tương tự.
Minh Hoa (t/h)