Sau khi VietNamNet đăng tải 2 bài viết: Một tháng, 6 cuộc thi hoa hậu: Bội thực đến phát ngán! và Không thể để hoa hậu tràn lan mỗi tuần một cuộc thi, cần tinh gọn, nhiều độc giả đã bày tỏ sự đồng tình sâu sắc. Họ cho rằng việc tổ chức dày đặc các cuộc thi sắc đẹp đang làm giảm giá trị danh xưng hoa hậu, khiến công chúng mệt mỏi và mất niềm tin.
Những cảnh báo đáng suy ngẫm
Độc giả Minh Hoang chia sẻ: "Cảm ơn bài báo đã phản ánh đúng nỗi lòng của số đông. Ai cũng thích cái đẹp, nhưng cái gì cũng cần vừa phải. Bây giờ, nhắc đến hoa hậu, người ta chỉ hỏi: Hoa hậu gì vậy? Sao nhiều hoa hậu thế? Thật nhàm chán. Các cơ quan chức năng nên xem xét lại việc cấp phép tràn lan như hiện nay".
Quan điểm này được khán giả Thuan Nguyen Van đồng tình: "Đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hành động hữu hiệu để chấm dứt tình trạng thi hoa hậu tràn lan, gây phát ngán cho công chúng và làm giảm giá trị danh hiệu hoa hậu Việt Nam".
Phương Anh đăng quang Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2025.
Còn bạn Nguyễn thẳng thắn: "Thật đúng! Nhiều hoa hậu nhạt và vô vị đến mức thậm chí 10 người thì đến 11 người chẳng nhớ cô này tên gì, đăng quang ở cuộc thi nào".
Nhiều ý kiến không chỉ bày tỏ sự nhàm chán mà còn cảnh báo hậu quả xã hội từ trào lưu sính hoa hậu. Độc giả Trương Tuấn Anh kể lại: "Gần nhà tôi có cô gái 18 tuổi muốn thi hoa hậu nhưng bị bố mẹ mắng vì bỏ học, chỉ muốn kiếm chồng đại gia. Bây giờ nhắc đến danh xưng hoa hậu, nhiều người chỉ cười khẩy chứ không còn trân trọng như 10 năm trước nữa".
Độc giả Nguyễn Xuân Mạnh lo ngại: "Sau đăng quang là đủ scandal ngoài đời thực như lâu nay chúng ta vẫn thấy. Nên dẹp loạn hoa hậu này đi!".
Từ góc độ văn hóa, độc giả Quang Trung đặt vấn đề: "Việc này phản ánh đúng chiều cao của nền dân trí nước ta. Người Việt quá thèm khát nhan sắc. Cuộc thi nào cũng phải thi bikini vì nếu không có màn khoe cơ thể thì người xem sẽ không hứng thú. Với phụ nữ trẻ, thi hoa hậu là con đường ngắn để đổi đời, lọt top 10 là có thể lấy chồng giàu, còn đoạt danh hiệu chắc chắn là đại gia".
Câu hỏi lớn dành cho cơ quan quản lý
Một số độc giả cho rằng, bản chất của nhiều cuộc thi hiện nay không còn là tìm kiếm nhan sắc xứng đáng mà chỉ là hình thức kinh doanh giải trí.
Độc giả Vu Pham ví von: "Đây là dạng gameshow, kiểu như hội chợ, bách hóa. Khi các đại gia đặt hàng lại có cuộc thi tổ chức ra".
Ý kiến của Hùng cũng tương tự: "Tuyển theo đơn đặt hàng mà. Gameshow hái ra tiền nên thi càng nhiều ban tổ chức càng kiếm được".
Sự bức xúc trước tình trạng "bội thực" các cuộc thi sắc đẹp không chỉ thể hiện ở việc giảm sút chất lượng mà còn ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Độc giả Sỹ Long bày tỏ sự hoài nghi: "Tôi không thấy hoa hậu có đóng góp gì rõ ràng cho đất nước. Nếu chỉ đeo dải băng, đội vương miện rồi đi làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi thì ai cũng làm được. Cái đó có cần tài năng đâu?".
Trong khi đó, độc giả Hoàng Vũ đề xuất một hướng đi khác: "Không biết trên thế giới có nước nào tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu như Việt Nam không? Nên dành thời gian và nguồn lực để tôn vinh các nhà khoa học, học sinh giỏi vượt khó, chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc. Có như thế mới phát triển đất nước bền vững".
Một số ý kiến chất vấn về vai trò của cơ quan cấp phép. Độc giả Trần Hướng đặt vấn đề: "Những chương trình này là do cơ quan nào tổ chức, ai cấp phép? Năm nào báo chí cũng phản ánh mà không thấy thay đổi gì. Sao không ban hành quy định thống nhất để chấn chỉnh?".
Từ góc nhìn của độc giả gửi về VietNamNet, có thể thấy một sự đồng thuận rõ ràng đã đến lúc phải tinh gọn các cuộc thi hoa hậu, trả lại ý nghĩa thật sự cho danh hiệu cao quý này. Nếu không, vương miện sẽ chỉ còn là một món đạo cụ trong sân chơi giải trí nhạt nhòa và nhàm chán.
Tình Lê