Loạn quy đổi điểm, thí sinh cảm thấy thiếu công bằng

Loạn quy đổi điểm, thí sinh cảm thấy thiếu công bằng
một ngày trướcBài gốc
Mỗi trường một kiểu
Năm nay, Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) yêu cầu tất cả các phương thức tuyển sinh trong một cơ sở giáo dục phải được quy đổi về một thang điểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mỗi kì thi riêng lại có một thang điểm khác nhau.
Như kỳ thi đánh giá tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội) sử dụng thang điểm 100/100, đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia Hà Nội) sử dụng thang điểm 150/150, đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TPHCM) sử dụng thang điểm 1.200/1.200, tổ hợp xét tuyển theo kì thi tốt nghiệp THPT thang điểm 30/30.
Thí sinh tìm hiểu thông tin đăng kí nguyện vọng tuyển sinh ĐH năm 2025. Ảnh: NHƯ Ý
Do có nhiều thang điểm khác nhau giữa các phương thức, để đảm bảo công bằng cho thí sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về 1 thang điểm. Như vậy cơ sở đào tạo ĐH tự chủ theo phương án tuyển sinh, từ đó, mới xuất hiện khái niệm bách phân vị (một kiểu xếp hạng điểm) mỗi trường một kiểu để thực hiện quy đổi.
Bộ GD&ĐT vừa công bố bảng bách phân vị các môn thi xét. Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội đều có bảng bách phân vị riêng cho kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Từ các bảng này, trường ĐH lại đưa ra bảng quy đổi cho riêng mình. Và cùng một giá trị của kì thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy, kết quả quy đổi ở mỗi trường lại có mức điểm khác nhau khiến phụ huynh, thí sinh không hiểu vì sao có sự khác nhau đó.
Điển hình như sử dụng mức quy đổi tương đương đối với tổ hợp A00 ở tất cả các phương thức của ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Kinh tế Quốc dân đang sử dụng kết quả đánh giá tư duy và kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ở mức điểm 121 thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia Hà Nội quy đổi tương đương 29,52/30 điểm thi tốt nghiệp THPT trong khi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội quy đổi thành tương đương 27,25/30 điểm. Còn ĐH Kinh tế Quốc dân quy đổi từ 114 - 128 điểm đánh giá năng lực thành mức tương đương 28 - 30/30 điểm.
ĐH Bách khoa Hà Nội quy đổi mức điểm 69,88 - 76,23 thành tương đương 27,55 - 28,46/30 điểm; ĐH Kinh tế Quốc dân quy đổi 70,10 - 80,23 kết quả thi đánh giá năng lực thành tương đương 26 - 28/30 điểm. ĐH Công nghiệp Hà Nội thì quy đổi từ mức điểm 69-76,99 tương đương 27,50-28,75/30 điểm.
Như vậy cùng một mức điểm thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội quy đổi thấp hơn 2,27/30 điểm đối với mức của ĐH Quốc gia Hà Nội và thấp hơn khoảng trên 1 điểm đối với ĐH Kinh tế Quốc dân.
Như vậy, nếu thí sinh đạt được mức điểm 121 thi đánh giá năng lực khi xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ có lợi hơn Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Tương tự, cùng có một khoảng điểm tương đương, ĐH Bách khoa Hà Nội lại quy đổi cao hơn ĐH Kinh tế quốc dân từ 0,46-1,55/30 điểm trong khi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lại quy đổi tương đương mức điểm của ĐH Bách khoa Hà Nội. Như vậy, nếu dùng kết quả thi đánh giá tư duy, thí sinh xét tuyển vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội có lợi hơn.
Bộ GD&ĐT cũng vừa công bố bách phân vị điểm thi và so sánh điểm 7 tổ hợp chính để các trường tham khảo.
Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết, các trường sẽ chủ động xây dựng và công bố quy đổi. Vì không có công thức tính chung nên hiện dẫn đến tình huống mỗi trường quy đổi một kiểu. Cùng một mức điểm đánh giá năng lực nhưng điểm quy đổi ở mỗi trường mỗi khác.
Bách phân vị: Con dao hai lưỡi
Anh Nguyễn Văn Cường, phường Định Công, Hà Nội cho biết, dựa trên các dữ liệu đạt được từ kì thi tốt nghiệp THPT và quy đổi chứng chỉ IELTS, quy đổi điểm thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia Hà Nội) theo công thức ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra, con anh Cường được tổng cộng 25,75/30 điểm. Nhưng khi tra dữ liệu trên cổng thông tin của trường, cả nhà bất ngờ khi có phương thức tính điểm của con đạt cao nhất tới 26,68 điểm.
“Nếu không tra cứu lại, gia đình và con chỉ dựa vào mức điểm tự tính toán, rất có thể con mất cơ hội học ngành yêu thích vì nghĩ điểm không đủ để đăng kí”, anh Cường nói.
TS Sái Công Hồng, Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, bách phân vị phản ánh vị trí tương đối của thí sinh trong phân bố điểm.
Lần đầu thực hiện quy đổi tương đương giữa các phương thức xét tuyển, các trường ĐH cũng đang rất lúng túng.
Nếu cơ sở đào tạo dùng dữ liệu từ hai nhóm thí sinh khác nhau, thì việc so sánh bách phân vị không còn ý nghĩa do mỗi nhóm có thể có trình độ, định hướng học tập, và năng lực khác nhau; phân bố điểm giữa hai nhóm độc lập không phản ánh mối liên hệ thực sự giữa hai môn hay hai tổ hợp. Do vậy, chỉ khi cùng một người thi cả hai khối, mới có thể thiết lập mối tương quan giữa hai phân bố điểm.
Ông Hồng lưu ý, chỉ nên sử dụng dữ liệu của những thí sinh thi cả hai khối để xây dựng bảng quy đổi bách phân vị. Tuyệt đối không dùng phân bố của toàn bộ thí sinh mỗi khối một cách riêng rẽ. Việc đó dễ dẫn đến sai lệch nghiêm trọng trong quy đổi điểm và gây mất công bằng trong tuyển sinh.
Nghiêm Huê
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/loan-quy-doi-diem-thi-sinh-cam-thay-thieu-cong-bang-post1763373.tpo