Hoang mang trước "ma trận" tổ hợp xét tuyển
Theo ghi nhận, nhiều trường đại học đã mạnh dạn đưa ra các tổ hợp xét tuyển không truyền thống cho các ngành đặc thù. Đơn cử, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh ngành Sư phạm Vật lý với 4 tổ hợp, nhưng chỉ duy nhất C01 (Văn, Toán, Vật lý) có môn Vật lý. Ba tổ hợp còn lại là D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), C02 (Văn, Toán, Hóa) và C04 (Văn, Toán, Địa) hoàn toàn vắng bóng môn học cốt lõi này.
Tương tự, ngành Sư phạm Lịch sử của trường cũng chỉ có một tổ hợp duy nhất C03 (Văn, Toán, Sử) có môn Lịch sử trong số bốn tổ hợp xét tuyển.
Không riêng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tình trạng này còn diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục khác. Trường Đại học Hải Dương xét tuyển ngành Sư phạm Địa lý bằng tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), bỏ qua môn Địa lý.
Trường Đại học Khánh Hòa tuyển ngành Sư phạm Vật lý bằng các tổ hợp D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh) và B00 (Toán, Hóa, Sinh), bên cạnh hai tổ hợp truyền thống có môn Vật lý.
Trường Đại học Hòa Bình thông báo tuyển sinh 4 ngành Sức khỏe (Dược học, Điều dưỡng, Y học cổ truyền và Y khoa) bằng tới 5 tổ hợp, trong đó có cả A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh) - những tổ hợp thiếu vắng các môn khoa học tự nhiên mang tính đặc thù của khối ngành Y Ddược.
Trường Đại học Đồng Tháp cũng tuyển ngành Sư phạm Vật lý và Hóa học bằng khối D01, cùng một số tổ hợp khác mà không có môn Lý hoặc Hóa.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THTP 2024.
Sự đa dạng bất thường này đã khiến không ít học sinh lớp 12 cảm thấy hoang mang, lo lắng về việc lựa chọn môn học và tổ hợp ôn tập cho kỳ thi sắp tới. Nhiều em bày tỏ sự lo ngại về tính công bằng khi những thí sinh không học chuyên sâu các môn học cốt lõi của ngành lại có cơ hội trúng tuyển ngang bằng, thậm chí cao hơn những em có nền tảng kiến thức vững chắc.
Bộ GD&ĐT lên tiếng
Trước những bất cập này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã khẳng định rằng, các trường đại học dường như chưa hiểu rõ sự khác biệt giữa mùa tuyển sinh năm nay và các năm trước.
Ông Sơn lý giải, ở chương trình giáo dục phổ thông cũ (2006), học sinh bắt buộc phải học tất cả các môn, do đó, ngay cả khi một trường tuyển sinh ngành Sức khỏe mà không sử dụng tổ hợp có môn Sinh học, thí sinh vẫn có một lượng kiến thức nền tảng nhất định về môn này.
Tuy nhiên, năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh theo chương trình GDPT 2018 tốt nghiệp. Chương trình mới chỉ quy định 4 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ, còn lại là các môn học tự chọn. Do đó, nếu một trường tuyển sinh ngành Y mà không sử dụng môn Sinh học trong tổ hợp xét tuyển, hoàn toàn có khả năng một thí sinh chưa từng học môn này ở bậc phổ thông lại trúng tuyển.
"Nếu một phương thức, một tổ hợp mà không đánh giá được kiến thức, năng lực cốt lõi của người học cho ngành đó thì cần phải xem xét lại," Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, các trường đại học không bị giới hạn về số lượng tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, các ngành và tổ hợp tuyển sinh phải đảm bảo độ tin cậy, có khả năng đánh giá được yêu cầu đầu vào và phân loại được trình độ của thí sinh.
Nhận thấy những bất cập trong việc tuyển sinh bằng các tổ hợp "lạ", Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tất cả các trường đại học đang sử dụng các tổ hợp không có môn học chính trong xét tuyển các ngành đặc thù như Y khoa và Sư phạm phải tiến hành rà soát lại toàn bộ hoạt động tuyển sinh của trường.
"Các trường có thể bổ sung các tiêu chí phụ cho ngưỡng đầu vào. Ví dụ, nếu một trường xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp Toán, Hóa, Anh (A01) thì nên bổ sung yêu cầu bắt buộc thí sinh đã học môn Sinh học ở bậc phổ thông, đồng thời đưa ra ngưỡng điểm sàn học bạ đối với môn học này. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng thí sinh trúng tuyển có một nền tảng kiến thức cơ bản về Sinh học, đáp ứng được yêu cầu của ngành học", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu giải pháp.
Động thái "tuýt còi" kịp thời của Bộ GD&ĐT được kỳ vọng sẽ giúp các trường đại học điều chỉnh lại phương án tuyển sinh cho phù hợp với đặc thù của từng ngành học, đảm bảo chất lượng đầu vào và mang lại sự công bằng cho tất cả các thí sinh trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025. Các trường cần nhanh chóng rà soát, đánh giá lại các tổ hợp xét tuyển hiện tại và có những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo mục tiêu tuyển chọn được những sinh viên có đủ năng lực và đam mê với ngành học đã lựa chọn.
Đỗ Vi