Loãng xương và thoái hóa khớp diễn tiến âm thầm nhưng để lại nhiều hệ lụy

Loãng xương và thoái hóa khớp diễn tiến âm thầm nhưng để lại nhiều hệ lụy
6 giờ trướcBài gốc
Không chỉ gây đau đớn, giảm hoặc mất khả năng vận động, những bệnh lý này còn kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe phức tạp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như đái tháo đường, tăng huyết áp hay bệnh tim mạch…
Xương khớp yếu, bệnh tật kéo đến
Sáu tháng trước, bà Đào Thị Thu Cúc (65 tuổi, ngụ Quận 10, TP.HCM) bắt đầu cảm thấy đầu gối đau khi lên xuống cầu thang, khớp hơi cứng mỗi sáng ngủ dậy. Cơn đau ngày một tăng, khiến bà ngại vận động, bỏ luôn thói quen đi bộ thể dục. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị thoái hóa khớp gối độ II - một dạng thoái hóa tiến triển, thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Đáng nói hơn, kết quả đo mật độ xương (DEXA) cũng cho thấy bà đã bị loãng xương.
Chỉ vài tháng sau, bà Cúc tăng gần 4 kg vì ít vận động, xét nghiệm máu ghi nhận chỉ số đường huyết (HbA1c) tăng lên 6,7%, đánh dấu giai đoạn đầu của đái tháo đường type 2. Từ chỗ là người chăm sóc cả nhà, bà bắt đầu phụ thuộc vào con cái, không dám ra chợ vì sợ trượt ngã. "Có cảm giác như mình đang già đi rất nhanh, không phải vì tuổi tác, mà vì xương khớp không còn chống đỡ nổi cho cơ thể mình nữa", bà Cúc lo lắng.
Không ít câu chuyện "đổ gãy dây chuyền" ở những bệnh nhân loãng xương, thoái hóa khớp trong thực tế. Theo PGS.TS. BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, trên toàn thế giới, loãng xương đã ảnh hưởng tới khoảng 500 triệu người, gây gần 9 triệu ca gãy xương mỗi năm với bình quân 70 ca gãy xương mỗi phút. Còn thoái hóa khớp gối và háng khiến gần 300 triệu người bị đau đớn và hạn chế vận động.
PGS.TS. BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam chia sẻ về thực trạng và gánh nặng của các bệnh lý xương khớp.
Bác sĩ Thư cảnh báo: thoái hóa khớp và loãng xương không chỉ là vấn đề về xương khớp đơn thuần, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng sống của người bệnh. Các bệnh này gây đau đớn kéo dài, làm giảm khả năng vận động, khiến người bệnh dần thu hẹp không gian sinh hoạt và hạn chế tham gia các hoạt động xã hội (nói cách khác, bị cách ly khỏi đời sống xã hội). Đáng lo ngại, thoái hóa khớp còn ảnh hưởng đến khả năng tự chủ, tương tự như các bệnh mạn tính quan trọng khác như đái tháo đường hay tăng huyết áp. Thống kê cho thấy, có đến 1/3 số người bị thoái hóa khớp mắc đồng thời từ 5 bệnh mạn tính trở lên. Thoái hóa khớp cũng làm tăng 50% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Dự báo, đến năm 2050 trên toàn cầu sẽ có tới 21,3 triệu ca gãy xương vùng hông mỗi năm, trong đó có tới 80-90% bệnh nhân bị gãy xương do không được điều trị. Đây là hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy dài hạn nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. "Tình trạng này tác động rất lớn đến cộng đồng, đến ngân sách y tế, làm giảm GDP ở một số quốc gia, là gánh nặng cho các chuyên gia y tế và các thành viên gia đình về việc chăm sóc sức khỏe ngắn hạn và dài hạn", PGS Lê Anh Thư nhấn mạnh.
Một nghiên cứu gần đây với gần 100.000 người Việt Nam được tầm soát từ nhãn hàng Anlene của tập đoàn Fonterra (chương trình Move Check) cho thấy, 50% phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ loãng xương, 27% đã loãng xương; riêng phụ nữ trên 50 tuổi, tỷ lệ lên tới 33%. "Mặc dù, chúng ta đã có những cách tiếp cận an toàn, hiệu quả trong phòng ngừa, chẩn đoán phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh hiệu quả, quản lý người bệnh dể giảm tỷ lệ tái gãy xương... Nhưng rất tiếc, những việc này chưa được thực hiện tốt tại nhiều nơi", Chủ tịch Hội Loãng xương TP. HCM trăn trở.
Dinh dưỡng sớm - giải pháp căn cơ
Một trong những nguyên nhân chính được ghi nhận là việc thiếu hụt canxi, vitamin D và protein trong khẩu phần ăn hằng ngày. PGS.TS. BS Lê Anh Thư nêu thực trạng, hầu hết các quốc gia châu Á đều có mức tiêu thụ canxi thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của FAO/WHO là từ 1000 đến 1300 mg/ngày. Tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 534,5 mg mỗi ngày, chưa đạt một nửa nhu cầu. Thiếu hụt kéo dài khiến mật độ chất khoáng trong xương giảm, vỏ xương mỏng, giòn, dễ gãy, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ về chế độ dinh dưỡng đối với sức khỏe xương khớp.
Cũng theo PGS.TS. BS Lê Anh Thư, để giảm gánh nặng bệnh tật từ loãng xương và thoái hóa khớp, cần bắt đầu từ can thiệp dinh dưỡng sớm - trước khi có các triệu chứng báo hiệu hay gãy xương đầu tiên. Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố nền tảng giúp duy trì phát triền khối xương, bảo vệ sụn khớp và giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa.
Trong đó, sữa và các chế phẩm từ sữa được khuyến nghị là nguồn cung cấp canxi chủ yếu cho con người, canxi từ sữa dễ hấp thu và thích hợp để bổ sung cho sự thiếu hụt canxi trong khẩu phần ăn hiện nay. "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp vân động hợp lý cùng với việc sử dụng sữa giàu canxi, bổ sung thêm collagen và màng cầu chất béo sữa (MFGM) hàng ngày, giúp cải thiện chức năng vận động mang lại lợi ích rõ rệt cho sức khỏe cơ xương khớp ngay từ sau 4 tuần", Chủ tịch Hội Loãng xương TP. HCM nêu.
Hội nghị khoa học thường niên của Hội Loãng xương TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cơ xương khớp.
Mới đây, tại Hội nghị Khoa học thường niên năm 2025 của Hội Loãng xương TP.HCM, PGS.TS. BS Lê Anh Thư cho biết, trong hội thảo vệ tinh, các báo cáo viên đã nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng trong phòng bệnh, hỗ trợ điều trị và góp phần làm giảm tình trạng lão hóa hệ Cơ Xương Khớp. Các báo cáo viên đưa ra những khuyến cáo trong việc chuyển đổi cách ăn, chế độ ăn, tạo thói quen ăn uống đúng, tránh các sai lầm hiện nay trong dinh dưỡng để tận dụng các vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất xơ... từ thiên nhiên như rau xanh, trái cây, củ quả, các sản phẩm sữa... Đây cũng là các giải pháp bổ sung cần thiết, góp phần cải thiện vấn đề thiếu hụt calcium và các vi chất dinh dưỡng, vốn đang còn rất phổ biến trong cộng đồng và là các yếu tố nguy cơ quan trọng mà con người có thể can thiệp.
"Các chuyên gia nhấn mạnh một xu hướng đang được toàn thế giới quan tâm là tăng cường khoáng chất, vitamin và các yếu tố vi lượng thiết yếu để bảo vệ và nâng cao sức khỏe hệ cơ xương khớp, tăng cường hệ miễn dịch và chuyển hóa thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp", Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM cho hay.
Doanh nghiệp tự giới thiệu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/loang-xuong-va-thoai-hoa-khop-dien-tien-am-tham-nhung-de-lai-nhieu-he-luy-169250524151526896.htm