Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Duy Hiệu.
Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025, chiếm 40-50% tổng chỉ tiêu. Học sinh phải dự thi ít nhất hai môn, trong đó một môn chính (tùy tổ hợp). Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai, cộng môn còn lại.
Bên cạnh đó, trường sẽ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu) và ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh chuyên (10-20% chỉ tiêu).
Trường vẫn đảm bảo duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024 trong các phương thức có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT phù hợp với các môn thi từ năm 2025.
Đồng thời trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp, như loại bỏ các tổ hợp có môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội…, thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trường cũng bổ sung kỳ thi năng khiếu dành riêng cho ngành Giáo dục quốc phòng - An ninh. Phương thức xét tuyển bao gồm một môn văn hóa (từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc kỳ thi tốt nghiệp THPT) và hai môn thi năng khiếu.
Bên cạnh đó, học sinh thuộc các lớp của các trường trung học trực thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ được bổ sung vào diện ưu tiên xét tuyển và xét tuyển dành cho học sinh lớp chuyên.
Năm 2025, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến dùng 2 phương thức tuyển sinh chính gồm:
Xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia TP.HCM;
Xét tuyển kết hợp (học lực gồm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT; năng lực khác gồm chứng chỉ, giải thưởng; hoạt động xã hội).
Khoảng 70-90% chỉ tiêu dành để xét tuyển kết hợp. Nếu không dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, thí sinh được quy đổi bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức gồm xét tuyển tài năng, xét kết quả thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp từ 50% xuống còn 40% vào năm tới, đồng thời bổ sung một số tổ hợp để tuyển sinh cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm nay, trường tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy. Đợt thi sớm nhất vào tháng 1/2025, kết thúc vào cuối tháng 4/2025. Mỗi đợt sẽ có 3-4 kíp thi tại 30 điểm thi. Trường mở thêm điểm thi mới tại tỉnh Lào Cai để hỗ trợ học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc.
Đại học Khánh Hòa thông báo 4 phương thức tuyển sinh năm 2025 gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; dựa vào kết quả học tập cấp THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2025; xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 của trường dự kiến là 1.170 sinh viên cho 17 ngành đào tạo.
Năm 2025, Đại học Thái Bình Dương dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển, bao gồm:
Xét kết quả học tập bậc THPT: Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình học lực lớp 10, lớp 11 và học kì 1 lớp 12 (gồm 5 học kỳ); hoặc tổng điểm trung bình 3 năm học (6 học kỳ); hoặc điểm trung bình tổ hợp môn theo từng ngành xét tuyển.
Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo tổ hợp môn tương ứng với ngành xét tuyển
Dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến hơn 1.200 sinh viên cho 16 ngành đào tạo. Trường sẽ công bố đề án tuyển sinh chính thức vào tháng 1/2025.
Thông tin tuyển sinh của một số trường đại học khác như sau (Click vào tên trường để xem):
Ngọc Bích