Loạt đại học mở ngành mới, gia nhập 'đường đua' bán dẫn

Loạt đại học mở ngành mới, gia nhập 'đường đua' bán dẫn
4 giờ trướcBài gốc
Năm 2025, nhiều trường đại học tiếp tục mở ngành mới liên quan tới bán dẫn. Ảnh: Bloomberg.
Tháng 1/2024,Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo mở 5 ngành mới, trong đó có Vật lý học (chương trình Vật lý bán dẫn và kỹ thuật), dự kiến tuyển 120 chỉ tiêu.
Nhà trường cho biết việc đào tạo cử nhân ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực và phát triển bền vững ngành công nghệ cao. Bởi Vật lý là cơ sở cho các ngành như bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, và cảm biến quang học.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử và các ngành công nghiệp liên quan; làm nghiên cứu viên Vật lý, công nghệ; trở thành giảng viên, giáo viên...
Một số trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông báo mở ngành liên quan đến bán dẫn.
Cụ thể, Đại học Công nghệ cho biết trong 3/4 ngành dự kiến mở năm nay là Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch; Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử); Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu).
Đại học Việt Nhật cũng đang nghiên cứu mở chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, dự kiến tuyển 100 sinh viên cho năm 2025. Trên thực tế, trường đã có nền tảng và kinh nghiệm đào tạo nhiều chuyên gia kỹ thuật chất lượng cao với hai chương trình thạc sĩ Công nghệ Nano và thạc sĩ Kỹ thuật Xây dựng.
Từ 2025, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến đào tạo cử nhân ngành Công nghệ bán dẫn theo hình thức đào tạo liên kết 2+2, gồm 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở Đài Loan. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung cấp bằng cử nhân và có cơ hội được các tập đoàn TSMC, Micron… tuyển dụng.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường). Bốn tổ hợp dùng để xét tuyển gồm Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Anh; Toán - Lý - Tin; Toán - Lý - Sinh.
Năm 2025, Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu tuyển sinh đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn trên nền tảng của ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông.
Tháng 9/2024, Chính phủ phê duyệt chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Năm ngoái, hàng loạt trường đại học đã mở chuyên ngành liên quan đến bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Bách khoa TP.HCM...
Ngọc Bích
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/loat-dai-hoc-mo-nganh-moi-gia-nhap-duong-dua-ban-dan-post1529003.html