Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam được xếp hạng ở lĩnh vực Khoa học giáo dục. Ảnh: VNU.
Ngày 22/1, tạp chí giáo dục Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2025 (World University Rankings by Subject 2025).
Đại học ở Việt Nam lần lượt lọt top
Trong số 11 lĩnh vực được xếp hạng, Việt Nam được gọi tên trong 8 lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế, Khoa học máy tính, Khoa học giáo dục, Kỹ thuật, Khoa học sự sống, Y tế và Sức khỏe, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. 3 lĩnh vực không có đại diện lọt top là Nghệ thuật và Nhân văn, Luật, Tâm lý học.
Trong 8 lĩnh vực được xếp hạng, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp từ hạng 301-1.001+.
Ví dụ, ở lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế, trường xếp hạng cao nhất là Đại học Kinh tế TP.HCM (hạng 301-400), theo sau đó là Đại học Duy Tân (hạng 601-800), Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 601-800), Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 601-800), Đại học Mở TP.HCM (hạng 801+), Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 801+).
Hay ở lĩnh vực Y tế và Sức khỏe, thứ hạng của các trường đại học Việt Nam lần lượt là: Đại học Duy Tân (hạng 401-500), Đại học Y Hà Nội (hạng 501-600), Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 501-600), Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 501-600), Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 601-800), Đại học Huế (hạng 1.001+).
Đáng chú ý, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam được xếp hạng trong lĩnh vực Khoa học giáo dục với vị trí 401-500.
Bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực của Times Higher Education là phiên bản tinh chỉnh của bảng xếp hạng đại học thế giới nói chung. Xếp hạng này cũng sử dụng 18 chỉ số và chia thành 5 nhóm chính là Giảng dạy, Môi trường nghiên cứu, Chất lượng nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Triển vọng quốc tế.
Trong số 11 bảng xếp hạng cho 11 lĩnh vực năm nay, Đại học Stanford dẫn đầu thế giới về Khoa học giáo dục, Luật và Tâm lý học. Trong khi đó, Đại học Harvard đứng đầu trong bảng xếp hạng lĩnh vực Kỹ thuật và Khoa học đời sống, Viện Công nghệ California (Caltech) đứng đầu về Khoa học tự nhiên. Hai lĩnh vực còn lại là Khoa học máy tính, Y tế và Sức khỏe do Đại học Oxford dẫn đầu.
11 đại học Mỹ dẫn đầu 11 lĩnh vực được xếp hạng.
Châu Á leo hạng, nhưng còn nhiều thách thức
Châu Á không có đại diện đứng đầu, nhưng các tổ chức giáo dục đại học ở châu lục này đều góp mặt với thứ hạng khá cao. Ví dụ, Singapore và Trung Quốc đều có đại diện lọt top 50 ở tất cả lĩnh vực, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản cũng có đại diện hạng cao ở 8-9 lĩnh vực.
Thành tích tốt nhất của châu Á thuộc về lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế, trong đó Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc đều vươn lên vị trí thứ 4 và thứ 6.
Cùng với Đại học Hong Kong, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh cũng lọt vào top 10 về Khoa học giáo dục.
Trong khi đó, Đại học Quốc gia Singapore một lần nữa đứng thứ 9 về Kỹ thuật và lọt vào top 10 về Khoa học tự nhiên. Đây là tổ chức đầu tiên ở châu Á đạt được thành tích này.
"Thành tích của châu Á trong bảng xếp hạng phản ánh 'thế giới giáo dục đại học đa cực' ngày nay, trong đó năng lực học thuật quốc gia được phân bổ rộng rãi hơn", giáo sư Simon Marginson tại Đại học Oxford, nói với THE.
Giáo sư nói thêm rằng các hệ thống giáo dục đại học ở Đông Á và Đông Nam Á đã tăng lên trong hai thập kỷ qua do số lượng sinh viên tăng lên, nguồn tài trợ của chính phủ cũng tăng theo. Ngoài ra, công tác tổ chức và quản lý tập trung hơn vào hiệu suất và các chính sách quốc tế hóa có chọn lọc.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là các cơ sở giáo dục đại học châu Á đã có những bước tiến đáng kể trong đào tạo Khoa học xã hội, nhưng công tác đào tạo Nghệ thuật và Nhân văn vẫn tụt hậu do một số yếu tố khách quan.
Ông Futao Huang, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) cho rằng các chính phủ châu Á vẫn gạt nghệ thuật và nhân văn sang một bên để ưu tiên các ngành mang tính thực hành và ứng dụng nhiều hơn.
“Các chương trình nghệ thuật và nhân văn không phải là điều kiện tiên quyết để một trường đại học được coi là đẳng cấp thế giới, nhưng chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, giải quyết các thách thức của xã hội và làm phong phú thêm sự đa dạng về văn hóa và trí tuệ”, ông Huang nhận định.
Thái An