Loạt dự án nông nghiệp gặp vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo tháo gỡ

Loạt dự án nông nghiệp gặp vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo tháo gỡ
một ngày trướcBài gốc
Vùng trồng khoai lang của Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Chư Sê của Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc. Ảnh: Công ty Việt Phúc.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai còn rất nhiều tiềm năng; nếu được tổ chức lại một cách bài bản, định hướng đúng và đầu tư hiệu quả, thì hoàn toàn có khả năng tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Đây là lĩnh vực có vai trò quan trọng, không chỉ đối với phát triển kinh tế nông thôn, mà còn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình thực hiện các dự án nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũ lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước thực tế này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chủ trì cuộc họp và có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ.
Theo đó, đối với Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê (Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc) và Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TRE - Đak Đoa, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, 2 dự án này thuộc danh mục quy hoạch của tỉnh và đề án đã được phê duyệt là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do quy mô đầu tư vượt quá nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng của địa phương và vùng lân cận, dẫn đến hiệu quả thấp.
Do vậy, Chủ tịch tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính rà soát quá trình đã triển khai và làm việc với các đơn vị có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo việc triển khai các dự án.
Dự án Trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi bò do Công ty TNHH Chăn nuôi Bò Trung Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao hướng dẫn Công ty TNHH Chăn nuôi Bò Trung Nguyên thực hiện quy trình thủ tục thu hồi toàn bộ diện tích đất trồng cao su trước đây và cho Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên (đơn vị nhận chuyển nhượng tài sản là cây cao su trong thời gian 24 ttháng) thuê đối với thời hạn còn lại để sử dụng đúng mục đích đã xác định ban đầu.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũ có 11 dự án chăn nuôi vướng mắc liên quan đến phần diện tích đất Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý hiện dân đang canh tác sản xuất. Về vướng mắc này, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao rà soát, hoàn chỉnh các nội dung, báo cáo lại Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Gia Lai xem xét.
Đối với 76 dự án chăn nuôi đang triển khai chưa đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tối đa tiến độ thực hiện, tổ chức thi công liên tục, làm ngày không đủ thì làm đêm, với tinh thần thần tốc – quyết liệt – hiệu quả, nhằm sớm hoàn thành, đưa các dự án vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.
“Các dự án chậm không triển khai Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh thu hồi chủ trương hoặc chấm dứt hoạt động dự án để giao cho nhà đầu tư khác đủ năng lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án”, Chủ tịch tỉnh Gia Lai yêu cầu.
Cùng với đó, Sở Tài chính có thông báo cho từng chủ đầu tư phải lập bảng cam kết về tiến độ cho từng công việc cụ thể từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai các thủ tục đất đai, tổ chức thi công đến khi hoàn thành dự án đưa vào hoạt động.
Với nội dung này, người đứng đầu chính quyền tỉnh Gia Lai yêu cầu trong 15 ngày, Sở Tài chính tổng hợp về tiến độ đăng ký của các nhà đầu tư để báo cáo UBND tỉnh cùng các ngành đánh giá cụ thể. Trong trrường hợp cần thiết, ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh sẽ làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư dự án đang triển khai.
Trước đó tại tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII vào ngày 22/7/2025, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai đã báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau các đợt giám sát chuyên đề.
Theo báo cáo, một số dự án kêu gọi đầu tư đã có quyết định phê duyệt chủ trương trong giai đoạn trước đã quá thời hạn, không đề nghị gia hạn, đề nghị thu hồi.
Cụ thể, Dự án Trồng, chế biến xuất khẩu rau củ quả trứng ứng dụng công nghệ cao (100 tỷ đồng, diện tích 55 ha) và Dự án Trung tâm sản xuất hạt giống và rau sạch ứng dụng công nghệ cao (50 tỷ đồng, diện tích đất là 40 ha) hiện tỉnh đã ban hành quyết định hủy kết quả sơ tuyển và đề xuất lộ trình triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư. Được biết, 2 dự án này đã có nhà đầu tư đăng ký khảo sát, song chậm triển khai các bước tiếp theo.
Trong khi đó, tỉnh cũng triển khai thủ tục thu hồi đất đối với Dự án Khu sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của Công ty TNHH Biophap tại xã Ia Khươl.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 15/7/2025, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũ có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO; 240 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.92 ha và 38 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.550 - 1.700 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, trang trại khi toàn tỉnh hiện có 103 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 2.867,6 ha, tổng vốn đăng ký 16.558,04 tỷ đồng (49 dự án đã đưa vào hoạt động); có 5 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi với 180 trại; 14 hợp tác xã liên kết với các hộ sản xuất theo chuỗi; 11 cơ sở sản xuất sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP, 1 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Nguyễn Toàn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/loat-du-an-nong-nghiep-gap-vuong-mac-lanh-dao-tinh-gia-lai-chi-dao-thao-go-d340273.html