Dự án Khu dân cư Nhơn Đức đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhiều dự án được gỡ vướng
Sau nhiều năm nằm bất động do kẹt vốn, dự án Khu công viên trung tâm công cộng và dân cư 13A (tên thương mại là Khu dân cư Hồng Quang) chuẩn bị được tái khởi động khi chủ đầu tư là Công ty Địa ốc Hồng Quang bắt tay với Công ty cổ phần Bất động sản Đông Dương (thành viên Tập đoàn Hoàng Quân) cùng triển khai.
Dự án có quy mô 37 ha, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, được triển khai từ năm 2000 với gần 2.000 căn hộ chung cư, nhà phố, đất nền và biệt thự, tọa lạc ở vị trí khá đắc địa khi nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, thuộc huyện Bình Chánh và một phần đất thuộc địa bàn quận 8.
Hiện tại, dự án chỉ mới xây dựng một vài căn nhà thấp tầng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn sơ sài, một số trục đường chính vẫn đang là đường đất hoặc chỉ rải đá.
Giai đoạn đầu sau tái khởi động, Công ty Đông Dương sẽ cung cấp 1.750 tỷ đồng để triển khai phân khu cao tầng trên khu đất hơn 26.500 m2, gồm 5 block căn hộ thương mại, quy mô khoảng 600 sản phẩm.
Chủ đầu tư cho biết, dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và đang chuẩn bị thủ tục để khởi công xây dựng vào đầu năm 2025.
Tương tự, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Khu dân cư Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) kỳ vọng sớm được triển khai khi Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của công ty con là Công ty cổ phần Bất động sản Nhà Bè (chủ đầu tư dự án Khu dân cư Nhơn Đức) cho đối tác. Danh tính bên mua chưa được tiết lộ.
Khu dân cư Nhơn Đức có quy mô 9,33 ha, được quy hoạch làm khu dân cư và 2 trường đại học. Trong đó, khu dân cư được quy hoạch thành 2 loại hình nhà ở: Nhà liên kế điển hình 1 có tổng diện tích từ 95-167,5 m2/căn, diện tích xây dựng từ 70- 87,5 m2 với 3 tầng (1 trệt, 2 lầu, 1 mái); nhà liên kế điển hình 2 có tổng diện tích từ 140-373 m2/căn, diện tích xây dựng từ 98-191 m2 với 5 tầng (1 trệt, 4 lầu, 1 mái).
Một dự án khác là Khu căn hộ cao tầng NBB Garden III (quận 8), sau 16 năm theo đuổi, cuối cùng Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng chính thức được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án NBB Garden III được quy hoạch trên khu đất có tổng diện tích 81.550 m2, trong đó diện tích đất xây dựng 19.087 m2; diện tích đất cây xanh, giao thông 52.036 m2; diện tích đất công trình công cộng 10.426 m2. Tổng vốn đầu tư dự án là 2.706 tỷ đồng.
Công ty Năm Bảy Bảy bắt đầu lập chủ trương đầu tư dự án NBB Garden III từ tháng 12/2007. Tuy nhiên, do các vướng mắc liên quan đến đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là không có đất ở, nên không đáp ứng cơ sở pháp lý để được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chủ đầu tư này cho biết, để có được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án NBB Garden III có tới không dưới 200 con dấu từ cơ quan chính quyền.
Kỳ vọng danh sách được gỡ khó dày thêm
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, kể từ khi được kiện toàn vào tháng 5/2023, đến nay, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản của Thành phố đã tổ chức 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết vướng mắc pháp lý cho 30 dự án.
Kết quả, có 8 dự án được gỡ vướng hoàn toàn, còn 22 dự án khác vẫn đang được các sở, ngành và TP. Thủ Đức tiếp tục xử lý theo quy định.
Các dự án được giải quyết dứt điểm thời gian qua gồm: Khu phức hợp Sóng Việt; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Khu chung cư và thương mại Metro Star; Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng; khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại Hóc Môn; Khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long, quận 7 và Khu giáo dục quận Bình Thạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã ghi nhận 12 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó có 1 dự án nhà ở xã hội).
Ngoài ra, có 2 dự án được cấp phép xây dựng, hơn 31.000 căn hộ thương mại đang xây dựng; hơn 1.600 căn hộ hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn và có 3 dự án nhà ở xã hội xây dựng hoàn thành với 2.122 căn hộ.
Đại diện Tập đoàn CT Group cho biết, sau nhiều năm theo đuổi, dự án Metro Star đã được UBND TP. Thủ Đức phê duyệt Quyết định chấp thuận cập nhật chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận đầu tư vào quý II/2024. Theo quyết định này, dự án Metro Star tọa lạc tại số 360 Đại lộ Võ Nguyên Giáp có chiều cao tối đa 30 tầng và 3.453 cư dân.
“Đây là tin vui rất lớn không chỉ đối với chủ đầu tư dự án, mà còn cả các nhà thầu, đại lý phân phối... sau thời gian 3 năm chờ hồ sơ di chuyển qua các sở, ngành, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán, UBND Thành phố cho đến khi được giao về UBND TP. Thủ Đức ký theo phân cấp”, đại diện CT Group chia sẻ.
Ngoài những dự án trên, thị trường đang chờ đợi một loạt dự án khác sẽ được khởi động lại sau khi gỡ vướng tiền sử dụng đất trong quý IV này. Trong đó, dự án Khu phức hợp thông minh Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) với nghĩa vụ tài chính dự kiến lên đến 16.000 tỷ đồng.
Dự án Eco Smart City có tổng vốn đầu tư dự kiến 20.100 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất có tổng diện tích khoảng 7,45 ha. Trong đó, diện tích đất phát triển dự án là hơn 5 ha để xây dựng các công trình thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng. Dự án được động thổ xây dựng vào tháng 9/2022.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong các cuộc họp gần đây đã liên tục nhắc đến việc ưu tiên tháo gỡ dự án này. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM chỉ đạo phải tháo gỡ vướng mắc về nghĩa vụ tài chính để dự án sớm được triển khai, qua đó có thể thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng, kéo theo công ăn việc làm cho người dân.
“Những dự án lớn cần được ưu tiên gỡ vướng để thúc đẩy tiến độ, nhanh chóng hoàn thành và đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này vừa giúp thu được nguồn ngân sách lớn, vừa có đầu tư mới, từ đó kéo theo công ăn việc làm và thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển”, ông Mãi nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, việc lãnh đạo TP.HCM tích cực chỉ đạo gỡ vướng cho các dự án là điều hết sức vui mừng, góp phần tăng nguồn cung sản phẩm mới cho thị trường bất động sản. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều dự án chưa được tháo gỡ, nên kỳ vọng lãnh đạo Thành phố cùng các sở, ngành tiếp tục đẩy nhanh quá trình gỡ khó.
“Nếu mỗi dự án đang gặp vướng có 1.000 căn hộ thì Thành phố sẽ có thêm ít nhất 148.000 sản phẩm khi 148 dự án đang vướng mắc pháp lý được tháo gỡ khó khăn. Những dự án này không chỉ giúp tăng nguồn cung nhà ở, mà còn khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp”, ông Châu nói, đồng thời cho biết thêm, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị gỡ vướng chi tiết cho các doanh nghiệp, dự án trong thời gian qua. Với hành lang pháp lý mới, kỳ vọng các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ nhanh chóng, góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản.
Trọng Tín