Loạt mặt bằng thương mại trên 'đất vàng' tại Hà Nội ế ẩm

Loạt mặt bằng thương mại trên 'đất vàng' tại Hà Nội ế ẩm
một ngày trướcBài gốc
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế và Đô thị, nhiều mặt bằng tại các trung tâm thương mại lớn, nằm tại vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội như: dự án Artemis (quận Thanh Xuân), Discovery Complex (quận Cầu Giấy)...đang trong tình trạng ế ẩm, bỏ trống hàng loạt. Đơn cử, nằm trên đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), dự án The Artemis gồm một tòa tháp cao 27 tầng với 2 tầng thương mại, 6 tầng văn phòng và 19 tầng căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2017, nhưng đến nay nhiều mặt bằng thương mại vẫn đang trong tình trạng vắng vẻ, khách thuê èo uột.
Tại mặt bằng sảnh tầng 1, hàng loạt mặt bằng cũng bị bỏ trống dù có mặt tiền giáp ba tuyến đường Trường Chinh, Tôn Thất Tùng và Lê Trọng Tấn. Anh Văn Đạt (35 tuổi, cư dân tại tòa nhà Artemis) cho biết, các gian hàng tại tầng 1 đã đóng cửa và để trống mặt bằng trong khoảng thời gian dài, dù liên tục có nhân viên vệ sinh lau dọn nhưng tỉ lệ lấp đầy tại đây khá thấp. “Trước đây, còn có một số ngân hàng và các trung tâm ngoại ngữ thuê nhưng cũng đều đã dọn đi. Vì bị bỏ trống, trong khi diện tích lại khá rộng nên khu vực này trở thành nơi vui chơi và tập thể dục của cư dân trong tòa nhà” - anh Đạt chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ là trung tâm thương mại Discovery Complex (quận Cầu Giấy) với 8 tầng thương mại, nằm trong tổ hợp chung cư, văn phòng, thương mại dịch vụ. Dù được khởi công xây dựng từ năm 2012 và hoạt động từ năm 2018, nhưng trung tâm thương mại nằm ở vị trí đắc địa trên mặt đường Cầu Giấy này vẫn không thoát khỏi tình trạng ế ẩm.
Mỗi tầng tại dự án Discovery Complex có khoảng 20 gian hàng cho thuê kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại có tới hơn 80% diện tích mặt bằng bị bỏ trống. Các gian hàng ở tầng hầm đã đóng cửa nhiều tháng kể từ khi siêu thị Lotte Mart trả mặt bằng.
Hệ thống thang máy, thang cuốn, dịch vụ điện tại các tầng không có khách thuê đều không hoạt động. Một bảo vệ tại đây cho biết, tình trạng vắng khách thuê tại trung tâm thương mại này diễn ra phổ biến trong vài năm qua, thang máy lên một số tầng đã bị khóa, khách vào tòa nhà chỉ có thể đi thang máy lên tầng 7 và tầng 8, nơi có cửa hàng hải sản và phòng gym còn hoạt động.
Dù đã được phân khu từng tầng cho các hoạt động dịch vụ khác nhau nhưng chỉ có tầng trệt và tầng 2 lác đác có một số đơn vị thuê, còn lại đều trong tình trạng bỏ trống. Tầng 5 là khu ẩm thực nhưng các thương hiệu cũng đã trả mặt bằng, nhiều gian hàng vẫn chưa thu dọn hết đồ đạc, ngổn ngang bàn ghế.
Tương tự, tình trạng khách thuê rời mặt bằng cũng diễn ra tại trung tâm thương mại Mipec Tower (quận Đống Đa). Dù nằm trên đường Tây Sơn nối với Ngã Tư Sở và hoạt động được hơn chục năm nhưng một số mặt bằng tại đây cũng đang trong tình trạng treo biển cho thuê ngày đêm.
Báo cáo mới đây của Savills cho thấy, lĩnh vực bán lẻ tại Hà Nội tiếp tục được mở rộng, với nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án phức hợp. Mặc dù giá thuê tăng, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, hiệu suất lấp đầy lại giảm do có thêm nhiều không gian mới.
“Hiện nay, các trung tâm thương mại cũ cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại mới có thiết kế, quy hoạch ngành hàng và trải nghiệm ưu việt hơn. Do đó, chìa khóa để tăng thu hút, giữ chân thương hiệu và khách hàng nằm ở sự am hiểu về đối tượng khách hàng mục tiêu của mỗi trung tâm thương mại. Tuy nhiên, cần có được chiến lược định vị phù hợp, thiết kế không gian mua sắm tối ưu trải nghiệm khách cũng như các hoạt động marketing linh hoạt, phù hợp với khách hàng mục tiêu”- Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội Nguyễn Hoài An khuyến cáo.
Lê Tâm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/loat-mat-bang-thuong-mai-tren-dat-vang-tai-ha-noi-e-am.662880.html