Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai hay Bình Dương từ lâu đã được mệnh danh là “miền đất hứa” đối với công nhân và người lao động từ khắp mọi miền đất nước. Các khu công nghiệp (KCN) đã tạo ra vô số cơ hội việc làm cho người lao động, từ phổ thông đến có tay nghề, chuyên môn cao. Nhiều người vốn là công nhân ngày nào đã trở thành những doanh nhân thành đạt, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Sự tập trung của người lao động nhập cư cũng tạo ra một “hệ sinh thái” quanh các KCN với thị trường dịch vụ phát triển, từ nhà trọ, quán ăn, cửa hàng tiện lợi...
Đồng Nai là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn của cả nước. Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Hố Nai.
Khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các KCN, khu chế xuất, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, trong đó có Đồng Nai. Sự tập trung của người lao động nhập cư cũng tạo ra một thị trường dịch vụ phát triển, từ nhà trọ, quán ăn, cửa hàng tiện lợi... quanh các KCN.
Nằm nép mình giữa những con đường nhựa nối vào các KCN đang ngày đêm chuyển mình ở huyện Nhơn Trạch, dãy trọ của bà Lê Thị Bảy (ngụ khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước) đã trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh nơi đây. Những căn phòng trọ san sát là nơi nương náu của nhiều công nhân, lao động làm việc tại các KCN ở Nhơn Trạch.
Bà Bảy cho biết, cách đây hơn 20 năm, cơ ngơi của gia đình bà chỉ là một mảnh đất rộng với vườn cây ăn trái cằn cỗi do nhiễm phèn. Chồng bà, một người thợ xây, quanh năm vất vả với những công trình nhỏ lẻ. Cuộc sống của cả gia đình cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, chẳng mấy dư dả. Bước ngoặt đến khi các KCN bắt đầu mọc lên như “nấm sau mưa”, kéo theo dòng người lao động từ khắp nơi đổ về đây. Vợ chồng bà quyết định xây 2 dãy phòng trọ hơn 100 phòng trên mảnh đất vườn ngày nào.
“Nhờ sự quản lý chặt chẽ, giá cả ổn định và môi trường sống tốt, khu trọ của tôi luôn trong tình trạng “cháy phòng”. Số tiền thu được từ việc cho thuê trọ ngày càng nhiều, giúp gia đình không chỉ thoát khỏi cảnh nghèo khó mà còn có một cuộc sống sung túc” - bà Bảy tâm sự.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hwaseung Chemical Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Thanh Hải
Là một người con của miền Trung nắng gió, nơi mà đất đai cằn cỗi và cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn, anh Nguyễn Văn Nhất (quê tỉnh Nghệ An, ngụ tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) đã quen với cảnh cha mẹ vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn đủ mặc. Ước mơ về một cuộc sống no đủ, ổn định luôn thôi thúc anh.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh quyết định rời xa quê hương, mang theo hành trang là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng đổi đời, tìm đến Đồng Nai - vùng đất hứa với những KCN sầm uất. Để trang trải cuộc sống và thực hiện ước mơ, anh nộp đơn xin vào làm công nhân tại một xưởng gỗ gần khu trọ. Công việc ban đầu khá vất vả và nhàm chán, chủ yếu là bốc vác gỗ và phụ giúp các công đoạn khác.
“Tôi luôn cố gắng làm việc chăm chỉ và cẩn thận, không ngại khó khăn, sẵn sàng tăng ca khi có yêu cầu. Tôi hiểu rằng chỉ có sự nỗ lực và kiên trì mới có thể giúp mình tiến bộ và có được một tương lai tốt đẹp hơn” - anh Nhất bộc bạch.
Sau một thời gian làm việc, sự chăm chỉ và tinh thần cầu tiến, anh trở thành một công nhân lành nghề, có tay nghề vững vàng và được đồng nghiệp tin tưởng, quý mến. Mức lương cũng tăng lên đáng kể, giúp anh cải thiện cuộc sống. Anh được giao những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về vận hành máy móc và kỹ năng chế biến gỗ. Đến nay, sau gần 25 năm gắn bó với công ty, anh Nhất đã được giao nhiệm vụ quản lý xưởng.
Anh Nhất chia sẻ, trình độ học vấn bản thân không cao nhưng nhờ cần cù làm việc đã giúp anh có thu nhập ổn định. Cuối cùng, anh chọn ở lại Đồng Nai lập nghiệp và gắn bó. Hiện tại cả hai vợ chồng anh tuy làm công nhân nhưng cùng tiết kiệm và đã mua được nhà. So với ngày trước ở quê, cuộc sống hiện tại tươi sáng và đủ đầy hơn. Con cái sinh ra được ăn học đàng hoàng, tương lai rộng mở ở phía trước.
Sản xuất tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Lộc - Vương Thế
Tại Đồng Nai, có những doanh nghiệp Việt Nam cũng đã khẳng định được vị thế trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Họ đã tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Những người công nhân giày gia, may mặc ngày nào đã trở thành các doanh nhân thành đạt, tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Họ là những tấm gương sáng về tinh thần khởi nghiệp, ý chí làm giàu và khát vọng vươn lên của người Việt.
Ông Trần Văn Tắc đã khẳng định được vị thế trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế với sản phẩm "made in Viet Nam". Ảnh: Bích Nhàn
Từ người lính xuất ngũ với 2 bàn tay trắng, ông Trần Văn Tắc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (KCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) đã thành lập doanh nghiệp sản xuất giày xuất khẩu ra khoảng 50 nước trên thế giới.
Năm 1980, sau khi xuất ngũ, ông Tắc làm việc tại công ty về thuộc da, phụ trách khâu thu mua da động vật. Có lẽ từ đây, duyên nợ với ngành giày da đã bắt đầu. Sau nhiều lần trăn trở, ông cùng bạn lập nhà máy sản xuất đế giày, cung cấp cho một số công ty giày trong nước. Nhưng bước ngoặt lớn, mang tính quyết định là vào năm 2002 ông Tắc xây dựng công ty tại huyện Nhơn Trạch - trung tâm công nghiệp mới nổi của Đồng Nai. Và 4 năm sau, thay vì chỉ sản xuất đế thì công ty đã hợp tác với hãng giày Superga của Ý để sản xuất những đôi giày hoàn chỉnh. Từ đây, giày Tuấn Việt đã đi ra thế giới.
“Họ đưa cho mình sản phẩm trên giấy, về mình thiết kế gửi lại cho họ. 2 bên chỉnh sửa, thống nhất và đặt hàng. Lúc đầu đặt ít thấy mình làm được thì sau này họ xuống đơn hàng liên tục. Mỗi năm tăng dần từ 500 ngàn rồi đến 1 triệu đôi, cao điểm là 2,5 triệu đôi và xuất đi 50 nước” - ông Tắc hồ hởi nói.
Ông Trần Văn Tắc trao đổi với đồng nghiệp. Ảnh: Bích Nhàn
Nói về hành trình gầy dựng thương hiệu “made in Việt Nam” ông Tắc kể bản thân đã trải qua nhiều gập ghềnh, trắc trở. Khi mới khởi nghiệp, chưa có kinh nghiệp nên làm là lỗ, không nản chí, ông tiếp tục vay mượn để làm giày và tìm hướng phát triển. Công ty từng bước xây dựng thành công trung tâm phát triển mẫu và từ đó, tất cả các mẫu giày sản xuất được tạo ra từ đây.
Ông Tắc chia sẻ thêm: “Nhà thiết kế của công ty và đối tác đã thống nhất về mẫu mã, chất liệu và đội ngũ kỹ thuật làm ra sản phẩm mẫu. Sau đó, các phân xưởng sẽ may đồng loạt. Tất cả giày ở đây có tới 80% thành phần là cao su, phần còn lại vải và vật liệu khác”.
Theo ông Tắc, ban đầu công ty chỉ mới xây được 1 nhà xưởng với 300 công nhân, tăng dần cho đến nay có 6 nhà xưởng. Lúc cao điểm, công ty có gần 2 ngàn công nhân làm việc. Doanh thu của công ty dao động từ 500-700 tỷ đồng. Ngoài hoàn thành nghĩa vụ thuế, các khoản bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp cho người lao động cũng được đóng đầy đủ. Công ty còn có khu nhà trọ cho công nhân ở miễn phí.
Hiện tại, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt còn cho thêm trấu để tạo độ cứng xốp cho giày. Doanh nghiệp này đang nghiên cứu sử dụng sản phẩm tái chế như vải, hay sản phẩm cao su tái chế. Điều này vừa giảm giá thành, vừa biến phế liệu thành chính phẩm nhằm giảm rác thải rắn ra môi trường. Nhờ vậy, giày Tuấn Việt đã được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam bình chọn là một trong 100 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất của cả nước năm 2022.