Nhiều quốc gia đang chạy đua để đạt được thỏa thuận thuế đối ứng với Mỹ khi thời điểm kết thúc thời gian tạm dừng áp thuế của Mỹ với hàng chục nước (ngày 9-7) đang tới gần. Nếu không chốt được thỏa thuận với Mỹ vào hạn chót ngày 9-7, các mức thuế đối ứng cao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2-4, từ trên 10% đến gần 50% đối với từng quốc gia cụ thể, sẽ được áp lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Gần đây, ông Trump đã khẳng định rằng ông không có kế hoạch gia hạn lệnh hoãn áp thuế đối ứng và cho biết sẽ thông báo cho các nước về mức thuế và các yêu cầu của Mỹ. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói rằng Mỹ sẽ ưu tiên chốt 10 thỏa thuận quan trọng trước và sau đó sẽ tiếp tục đàm phán với các quốc gia khác sau.
Không giống như các hiệp định thương mại tự do toàn diện truyền thống bao gồm điều khoản cụ thể về nhiều ngành công nghiệp dài hàng trăm hoặc hàng nghìn trang, các thỏa thuận thương mại về thuế đối ứng mà chính quyền ông Trump hiện đang ký với các đối tác được “rút gọn” rất nhiều. Các chuyên gia thương mại gọi đây là các thỏa thuận khung, nêu rõ một số thay đổi cụ thể, như giảm một số mức thuế nhất định, còn các vấn đề khác và chi tiết sẽ được đàm phán trong thời gian tới.
3 nước đạt được thỏa thuận với Mỹ
Hiện tại, lần lượt ba nước là Anh, Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác đạt được những thỏa thuận thương mại với Mỹ, theo tạp chí Times.
Mỹ và Anh đã ký thỏa thuận thương mại vào ngày 16-6 và đã có hiệu lực vào ngày 30-6. Theo đó, Mỹ sẽ giảm thuế đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Anh, đáng chú ý là ô tô (giảm thuế từ 27,5% xuống 10%) và ngành hàng không vũ trụ (mức thuế 10% đối với các mặt hàng như động cơ và phụ tùng máy bay được dỡ bỏ và cam kết duy trì ở mức 0%).
Đổi lại, Mỹ được tiếp cận thị trường Anh nhiều hơn, đặc biệt hàng xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, thỏa thuận để “khoảng trống” thuế quan đối với thép và nhôm. Hiện mức thuế này vẫn đang được đàm phán và nếu không chốt được thỏa thuận thì sẽ có thể tăng lên 50% vào thời hạn 9-7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ với Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Kananaskis (Canada) vào ngày 16-6. Ảnh: STEFAN ROUSSEAU/POOL
Trung Quốc và Mỹ đã ký thỏa thuận khung vào ngày 26-6, trong đó Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu nam châm và đất hiếm, vốn là những khoáng chất quan trọng cho sản xuất vi mạch. Đổi lại, Mỹ dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trong bối cảnh Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang nước này.
Chi tiết của thỏa thuận này vẫn chưa được công bố. Dù vậy, có thể thấy các vấn đề quan trọng, chẳng hạn thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và cáo buộc về các hoạt động thương mại không công bằng, vẫn chưa được giải quyết.
Hồi tháng 5, sau khi đại diện Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Geneva, hai nước đã nhất trí tạm thời giảm mức thuế “trên trời” mà hai bên áp lên hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày để tiếp tục đàm phán. Theo đó, Mỹ giảm thuế từ 145% xuống còn 30% còn Trung Quốc giảm từ 125% xuống còn 10%.
Ngày 2-7, Tổng thống Trump cho biết đã đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Việt Nam. Theo đó, thay vì đánh thuế đối ứng tới 46% lên hàng Việt Nam như ông Trump công bố hồi tháng 2, Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ và áp thuế 40% đối với các hàng hóa trung chuyển.
Theo ông Trump, Việt Nam sẽ cho phép Mỹ tiếp cận toàn diện vào thị trường, có nghĩa là hàng Mỹ vào Việt Nam sẽ chịu mức thuế bằng không (0%). Tuy nhiên, hiện chưa rõ những mặt hàng nào chịu mức thuế cụ thể ra sao.
Loạt nước chạy đua đàm phán với Mỹ
Nhiều đối tác thương mại của Mỹ như Nhật, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Thái Lan,...vẫn đang nỗ lực đạt thỏa thuận.
Nhật là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ sau khi lệnh tạm dừng áp thuế đối ứng được công bố nhưng hiện vẫn khúc mắc ở hai vấn đề cốt lõi, theo tờ The New York Times.
Thứ nhất, ông Trump cho rằng không công bằng khi Mỹ nhập ô tô do Nhật sản xuất với số lượng lớn (năm 2024 khoảng 1,3 triệu chiếc) nhưng chỉ có vài nghìn xe Mỹ được bán tại Nhật mỗi năm mà ông Trump cho rằng đó là do những chính sách đối xử không công bằng của Nhật với xe Mỹ, như về tiêu chuẩn an toàn.
Thứ hai, ông Trump cũng phàn nàn về việc Nhật nhập khẩu quá ít gạo của Mỹ, dù Nhật đang trong tình trạng thiếu gạo. Hiện Nhật có chính sách bảo vệ sản xuất gạo trong nước, bằng mức thuế khoảng 2,38 USD/kg đối với hàng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch miễn thuế khoảng 770.000 tấn.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick (trái) gặp Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc để đàm phán về thương mại song phương hồi tháng 4. Ảnh: VGP
Đầu tuần này, ông Trump cho biết các cuộc đàm phán với Nhật đã trở nên tồi tệ và ông sẽ buộc Nhật chấp nhận mức thuế quan cao hơn mức 24% mà ông từng công bố. Theo ông, đó có thể là “30%, 35% hoặc bất kỳ con số nào mà Mỹ ấn định".
Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba nói rằng ông phản đối việc ký bất kỳ thỏa thuận nào mà Mỹ không hủy bỏ thuế ô tô. Còn Thư ký nội các chính phủ Nhật khẳng định nước này sẽ không xem xét các động thái hy sinh ngành nông nghiệp của mình để đổi lấy một thỏa thuận như việc dỡ bỏ các hạn chế về nhập khẩu gạo mà Mỹ yêu cầu.
Với Ấn Độ, ngày 1-7, ông Trump cho biết Mỹ Mỹ và Ấn Độ đang tiến rất gần tới một thỏa thuận thương mại và Ấn Độ đã sẵn sàng hạ thấp rào cản đối với các công ty Mỹ. Điều này có thể mở đường cho một thỏa thuận với mức thuế quan thấp hơn nhiều so với mức 26% mà ông Trump hồi tháng 2 tuyên bố áp lên hàng hóa quốc gia Nam Á này.
Tuy nhiên, các nguồn tin biết rõ về cuộc đàm phán nói với hãng tin Reuters rằng dù hai bên đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trước hạn 9-7 nhưng những bất đồng về ngành sữa và nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Vì ngành sữa và nông nghiệp là những ngành chủ lực, ảnh hưởng đến kinh tế, ổn định chính trị của Ấn Độ nên nước này vẫn khó chấp nhận “thả cửa” cho hàng Mỹ tiếp cận thị trường để đổi lấy một thỏa thuận.
Trong khi đó, EU đã ra tín hiệu rằng khối sẵn sàng chấp nhận mức thuế cơ bản 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của mình nhưng đang nỗ lực đàm phán miễn thuế đối với dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại như một phần của thỏa thuận thương mại với Mỹ. Nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ, EU sẽ phải chịu mức thuế 50% đối với thép và nhôm, 25% đối với ô tô và 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Giá cổ phiếu Mỹ "bùng nổ" sau thỏa thuận thương mại Việt-Mỹ
Giá cổ phiếu Mỹ bật tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ và Việt Nam đã đạt thỏa thuận thương mại.
Hai trong ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ, là S&P 500 và Nasdaq Composite, tăng điểm, lập kỷ lục mới khi chốt phiên giao dịch ngày 2-7.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 29,41 điểm, tương đương 0,47% và đóng cửa ở mức 6.227,42. Chỉ số này đã đạt mức cao kỷ lục mới trong ngày và đóng cửa ở mức kỷ lục.
Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ tăng 190,24 điểm, tương đương 0,94% và đạt mức đóng cửa kỷ lục là 20.393,13.
Còn chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 10,52 điểm, tương ứng 0,02%, và đóng cửa ở mức 44.484,42.
Cổ phiếu của một số doanh nghiệp Mỹ có chuỗi cung ứng lớn tại Việt Nam cũng đã tăng giá sau thông báo của ông Trump. Chốt phiên giao dịch, cổ phiếu Nike tăng 4%, Lululemon tăng 0,5%, Columbia Sportswear tăng thêm 1,5% còn VF Corporation, sở hữu The North Face và Vans, tăng gần 2%.
ĐỨC HIỀN