Lãnh đạo các nước BRICS chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Lời cảnh báo của ông Trump được đưa ra vào tối 6/7 (theo giờ Mỹ), đăng trên mạng xã hội Truth Social. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ được cho là đang chuẩn bị hoàn tất hàng chục thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia trước hạn chót ngày 9/7 - thời điểm mà ông Trump từng cho biết là sẽ áp đặt lại các mức thuế đối ứng cao "ngất ngưởng".
“Thuế quan không nên được sử dụng như một công cụ để cưỡng ép và gây áp lực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu tại Bắc Kinh. Bà nói thêm, BRICS ủng hộ “hợp tác cùng có lợi” và “không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”.
Bà Mao Ninh nhấn mạnh: “Liên quan đến việc áp thuế, Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh lập trường của mình rằng các cuộc chiến thương mại và thuế quan không có bên thắng cuộc; chủ nghĩa bảo hộ không phải là con đường đúng đắn".
Nam Phi, quốc gia bị chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế quan đối ứng 30% trước khi tạm hoãn để chờ đàm phán thương mại, khẳng định nước này “không chống Mỹ”, theo phát biểu của người phát ngôn Bộ Thương mại Kaamil Alli. Quan chức này cho biết, các cuộc đối thoại với chính phủ Mỹ “vẫn mang tính xây dựng và đạt kết quả tích cực”.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Phi, ông Chrispin Phiri, tuyên bố BRICS chỉ nên được nhìn nhận là nỗ lực thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương cải cách, không hơn không kém”. Ông Phiri nhấn mạnh: “Mục tiêu của BRICS chủ yếu là xây dựng một trật tự toàn cầu cân bằng, toàn diện hơn, phản ánh đúng thực tế kinh tế và chính trị của thế kỷ XXI".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định nhóm BRICS chưa bao giờ hoạt động nhằm chống phá các quốc gia khác.
Khi được hỏi về bình luận của ông Trump, ông Peskov nêu rõ: “Chúng tôi thực sự đã nắm được những tuyên bố như vậy của Tổng thống Trump, nhưng điều rất quan trọng cần lưu ý là điểm đặc biệt của một nhóm như BRICS. Đây là tập hợp các quốc gia chia sẻ những cách tiếp cận chung và tầm nhìn chung về cách thức hợp tác dựa trên lợi ích của họ... Và sự hợp tác trong BRICS chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nhằm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào".
Trong khi đó, Ấn Độ và Brazil - nước chủ nhà của hội nghị BRICS năm nay – vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức đối với phát biểu của ông Trump.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói với báo giới rằng ông sẽ chỉ bình luận sau khi kết thúc hội nghị. Trong phát biểu khai mạc trước các nhà lãnh đạo BRICS tại Rio de Janeiro hôm 7/7, ông Lula tập trung vào các vấn đề môi trường và y tế công cộng theo chương trình nghị sự chính thức của hội nghị.
Một nhà ngoại giao giấu tên của Brazil cho biết rằng lời đe dọa của ông Trump càng cho thấy tầm quan trọng của BRICS trong việc giúp các quốc gia đang phát triển có một diễn đàn thúc đẩy các quy tắc toàn cầu công bằng, hiệu quả về thương mại.
Theo Reuters, nhiều thành viên BRICS và các quốc gia đối tác của khối này vẫn có sự phụ thuộc lớn vào thương mại với Mỹ.
Indonesia, thành viên mới của BRICS, đã cử Bộ trưởng Kinh tế cấp cao Airlangga Hartarto tới Brazil tham dự hội nghị. Quan chức này cũng dự kiến sẽ sang Mỹ ngay trong ngày 7/7 để theo sát các cuộc đàm phán về thuế quan với chính quyền Tổng thống Trump.
Malaysia, tham dự hội nghị với tư cách quốc gia đối tác và từng bị Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng 24% trước khi tạm hoãn, khẳng định nước này duy trì chính sách kinh tế độc lập và không đặt trọng tâm vào việc liên kết về mặt ý thức hệ.
Ngoại giao đa phương được thúc đẩy
Trong bối cảnh các diễn đàn như G7, G20 bị chia rẽ và cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đang gây ra không ít sự xáo trộn, BRICS đang tự định vị là một không gian cho hoạt động ngoại giao đa phương – nhất là giữa lúc xung đột và chiến tranh thương mại leo thang.
Trong tuyên bố chung công bố chiều 6/7, các nhà lãnh đạo tại hội nghị BRICS lên án vụ không kích gần đây nhằm vào quốc gia thành viên Iran, đồng thời cảnh báo việc tăng thuế quan đang đe dọa tới thương mại toàn cầu.
Khối BRICS ban đầu chỉ gồm 4 quốc gia thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và sau đó kết nạp thêm Nam Phi. Trong năm ngoái, khối này đã có sự mở rộng đáng kể khi kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Saudi Arabi vẫn chưa chính thức trở thành thành viên đầy đủ của BRICS, nhưng vẫn đang tham gia với tư cách quốc gia đối tác.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc