Loạt sân bay mới sắp lộ diện trên cả nước

Loạt sân bay mới sắp lộ diện trên cả nước
8 giờ trướcBài gốc
Sân bay Long Thành - 336.630 tỷ đồng
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, là dự án sân bay có quy mô và công suất lớn nhất Việt Nam.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 khởi công từ đầu năm 2021 và dự kiến khai thác vào năm 2026. Giai đoạn này sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Công trường xây dựng nhà ga sân bay Long Thành.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thông tin, dự kiến đường cất hạ cánh (đường băng) thứ 2 của sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ khởi công xây dựng trong tháng 5 này.
Theo tiến độ, đường băng thứ 2 thi công trong 12 tháng, do đó sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ với đường băng số 1 trong nửa đầu năm 2026.
Hiện tại, đường băng số 1 đã hoàn thành các hạng mục điện, ánh sáng, sẵn sàng phục vụ bay hiệu chuẩn, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.
Sân bay Gia Bình - 31.000 tỷ đồng
Ngày 10/12/2024, dự án sân bay Gia Bình được khởi công xây dựng tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có diện tích khoảng 125 ha, cách sân bay Nội Bài khoảng 40km.
Đây là sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân Công an Nhân dân Việt Nam. Sau đó, Chính phủ thống nhất nâng cấp sân bay Gia Bình trở thành cảng hàng không bậc nhất phía Bắc và chia sẻ một phần hành khách, hàng hóa cho sân bay Nội Bài.
Phối cảnh sân bay Gia Bình.
Trong thời kỳ 2021 - 2030, sân bay Gia Bình có cấp 4E với công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Sân bay này sẽ khai thác loại tàu bay B777, B787, A350, A321 và các tàu bay chuyên cơ, chuyên dùng khác.
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Gia Bình giữ nguyên cấp 4E nhưng công suất tăng lên 15 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm; vẫn khai thác tàu bay B777, B787, A350, A321 và các tàu bay chuyên cơ, chuyên dùng khác.
Tổng mức đầu tư dự án sân bay Gia Bình ước khoảng 31.300 tỷ đồng.
Nâng cấp sân bay Phú Quốc - hơn 50.000 tỷ đồng
Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang mới đây công bố quy hoạch sân bay quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, với tổng diện tích khoảng 1.050 ha, tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là hơn 26.500 tỷ đồng và thêm gần 25.800 tỷ đồng cho giai đoạn sau năm 2030.
Phối cảnh sân bay Phú Quốc sau nâng cấp.
Theo thuyết trình dự án của công ty tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC, sân bay Phú Quốc sẽ được mở rộng với mục tiêu đạt công suất 18 triệu hành khách/năm, gấp 4,5 lần so với hiện trạng (4 triệu khách/năm). Mục tiêu tới năm 2050, sân bay được nâng cấp với công suất 50 triệu khách/năm.
Quy hoạch mở rộng bao gồm việc xây dựng thêm một đường cất hạ cánh dài 3.300 m bên cạnh đường băng hiện hữu dài 3.500 m; mở rộng sân đỗ lên 70-80 vị trí, đảm bảo khai thác máy bay thân rộng như B747, B787, A350... và các chuyến bay dài từ châu Âu, Mỹ.
Điểm nhấn của dự án là nhà ga hành khách mới, lấy cảm hứng từ hình ảnh chim phượng hoàng, do công ty tư vấn CPG (Singapore) thiết kế. Nhà ga được trang bị công nghệ hiện đại như nhận diện sinh trắc học, check-in từ xa, phân loại hành lý tự động…giúp giảm thời gian làm thủ tục xuống còn 15-30 giây/người.
Ngoài ra, một nhà ga VVIP sẽ được xây dựng để đón tiếp nguyên thủ quốc gia, lấy ý tưởng thiết kế từ cá đại bàng biển, do kiến trúc sư người Ý Marco Casamonti thực hiện.
Dự án cũng bao gồm mở rộng nhà ga hàng hóa, hệ thống radar và các công trình phụ trợ khác.
Việc nâng cấp sân bay Phú Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để phát triển nơi đây thành trung tâm hàng không hiện đại của khu vực.
Nhiêu sân bay lên kế hoạch khởi công
Ngoài các sân bay trọng điểm kể trên, hàng loạt dự án sân bay tại các địa phương khác cũng được lên kế hoạch đầu tư xây dựng. Trong đó có thể kể đến như các dự án sân bay Măng Đen (Kon Tum), Vân Phong (Khánh Hòa), Quảng Trị, Sapa...
Cụ thể, Sân bay Măng Đen được quy hoạch ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 45 km về phía đông bắc, cách các sân bay Pleiku 73 km, Phù Cát (Bình Định) 105 km về phía tây bắc, cách Chu Lai (Quảng Nam) 93 km về phía tây nam.
Khu vực quy hoạch sân bay không nằm trên đồi núi, diện tích dự kiến 350 ha. Công suất quy hoạch đến năm 2030 khoảng một triệu hành khách/năm, cấp sân bay 4C có thể đón các máy bay như A320/321.
Dự án sân bay Vân Phong được quy hoạch tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách TP Nha Trang khoảng 65 km về phía bắc, cách các sân bay Cam Ranh 108 km về phía nam, cách Tuy Hòa (Phú Yên) 48 km về phía bắc.
Sân bay này nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, diện tích dự kiến khoảng 497 ha. Công suất quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1,5 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 2,5 triệu hành khách/năm; cấp sân bay 4E có thể đón máy bay lớn như A350/B787.
Dự án sân bay Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Mai, huyện Gio Linh. Quy mô của dự án trên 265 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.833,9 tỷ đồng.
Dự kiến sân bay được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế-ICAO), có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Dự án Cảng hàng không Sa Pa đặt tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai được Thủ tướng phê duyệt chủ trương theo Quyết định điều chỉnh cuối năm 2024, với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư PPP; trong đó, phần vốn nhà nước chiếm khoảng 49,16%.
Thành Lâm
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/loat-san-bay-moi-sap-lo-dien-tren-ca-nuoc-ar942828.html