ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM TÌM RA LỜI GIẢI
Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ở loạt trận FIFA day trong tháng 3, trong đó, huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik và các học trò đã giành chiến thắng trước đội tuyển Campuchia (2-1) ở trận giao hữu quốc tế và đội tuyển Lào (5-0) thuộc khuôn khổ Vòng loại ASIAN Cup 2027. Hai chiến thắng giúp cho Đội tuyển Việt Nam cải thiện đến 5 bậc trên bảng xếp hạng FIFA.
Văn Vĩ ghi 3 trong tổng số 7 bàn thắng của Đội tuyển Việt Nam sau 2 trận đấu. Ảnh: Vietnamnet.vn
Bên cạnh đó, HLV Kim Sang-sik cũng bắt đầu cho thấy những giải pháp của ông nhằm giảm sự lệ thuộc vào tiền đạo mục tiêu, vốn luôn là điểm yếu của Đội tuyển Việt Nam trong thời gian dài (trừ giai đoạn có sự góp mặt của Xuân Son).
Các tiền đạo mục tiêu của Đội tuyển Việt Nam trong hai trận đấu vừa qua cũng không cho thấy vai trò nổi bật của mình. Ngoài Hai Long với sự năng nổ di chuyển liên tục ở hai cánh đã tạo nên những sự đột biến cho Đội tuyển Việt Nam. Trong đó, Hai Long có ít nhất hai tình huống trực tiếp dẫn đến bàn thắng.
Còn lại các tiền đạo mục tiêu của Đội tuyển Việt Nam được ra sân như Tuấn Hải, Tiến Linh đều không để lại quá nhiều dấu ấn. Trong đó, Quả bóng vàng Tiến Linh có 2 trận đấu có thể nói là đáng thất vọng khi không ghi được bàn thắng nào.
Sức ảnh hưởng của tiền đạo đang chơi cho Bình Dương cũng không nhiều. Đây cũng là hình ảnh thường xuyên của Tiến Linh trong màu áo đội tuyển dù anh chơi tốt ở cấp câu lạc bộ và cũng như có nhiều bàn thắng cho Đội tuyển Quốc gia. Một phong độ khó hiểu mà Tiến Linh đã thể hiện trong suốt thời gian qua.
Nhưng HLV Kim Sang-sik cũng đã có những giải pháp của mình để giúp cho các tiền đạo được giảm tải. Việc cho hai cánh tấn công mạnh hơn giúp cho các cầu thủ Việt Nam có thêm không gian tổ chức tấn công. Với những cầu thủ leo biên tốt như: Văn Vĩ, Văn Thanh…
Đội tuyển Việt Nam đã có thể ghi được đến 7 bàn thắng với phần lớn nhờ công của các cầu thủ chạy cánh và các tiền vệ. Trong đó, Văn Vĩ có riêng cho mình tới 3 bàn thắng sau 2 lượt trận. Một con số ấn tượng đối với một cầu thủ chạy cánh trong sơ đồ 3-4-3.
Việc sử dụng hai cầu thủ chạy cánh kết hợp với các tiền vệ ở trung lộ để điều phối bóng khi tấn công giúp cho HLV Kim Sang-sik tìm được lời giải khi các tiền đạo mục tiêu thi đấu không hiệu quả. Đặc biệt, Đội tuyển Việt Nam sở hữu các tiền vệ có khả năng giữ và kéo bóng rất tốt như Hoàng Đức, Quang Hải giúp cách chơi này thêm phần tối ưu. Qua đó, Đội tuyển Việt Nam tìm được giải pháp hiệu quả để tính bài toán về sự thiếu hiệu quả của các tiền đạo mục tiêu.
U22 VIỆT NAM CHƠI TỰ TIN
Bên cạnh sự thành công của Đội tuyển các cầu thủ U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV tạm quyền Đinh Hồng Vinh chơi khá tự tin ở giải giao hữu CFA Team China 2025 diễn ra tại Trung Quốc. Dù không được đánh giá cao như các đối thủ: Hàn Quốc, Trung Quốc và Uzbekistan, nhưng các cầu thủ trẻ của U22 Việt Nam đã tạo nên bất ngờ ngay trận đấu đầu tiên khi hòa Hàn Quốc 1-1 trong bối cảnh bị đối thủ dẫn trước. Ở lượt trận thứ 2, U22 Việt Nam có trận hòa 0-0 với U22 Uzbekistan.
Trận đấu này, U22 Việt Nam đã chơi phòng thủ rất chắc chắn trước sức tấn công của đội bạn. Ở trận đấu cuối cùng, U22 Việt Nam dẫn trước nhờ bàn thắng của Quốc Việt ở phút 31. Tuy nhiên, đội chủ nhà U22 Trung Quốc gỡ hòa 1-1 từ quả phạt đền ở phút 71. Dù chơi hơn người từ phút 73 khi cầu thủ Zhang Yixuan của Trung Quốc nhận thẻ đỏ, U22 Việt Nam không thể ghi thêm bàn thắng và chấp nhận kết quả hòa.
Với 3 điểm sau 3 trận hòa, U22 Việt Nam xếp hạng 3 tại giải đấu. U22 Trung Quốc vô địch với 5 điểm, U22 Hàn Quốc á quân với 4 điểm, và U22 Uzbekistan đứng cuối với 2 điểm. Dù không có giải cao nhất, nhưng U22 Việt Nam có thủ môn Cao Văn Bình được vinh danh là thủ môn xuất sắc nhất giải, ghi nhận những đóng góp quan trọng trong suốt hành trình của đội.
Bên cạnh Cao Văn Bình, U22 Việt Nam cũng ghi nhận nhiều cái tên nổi bật mới như Nguyễn Quốc Việt khi tiền đạo này ghi bàn mở tỷ số trong trận hòa 1-1 với U22 Trung Quốc, cho thấy khả năng dứt điểm sắc bén.
Cầu thủ Việt kiều Viktor Lê đóng góp quan trọng với pha kiến tạo cho Quốc Việt ghi bàn trước U22 Trung Quốc, thể hiện kỹ thuật cá nhân và khả năng phối hợp tốt với đồng đội. Trong hai trận đấu còn lại, Viktor Lê đóng vai trò lớn trong lối chơi của U22 Việt Nam và là cái tên được tin tưởng trong sơ đồ ra sân của U22 Việt Nam ở cả 3 trận đấu.
Một trường hợp đáng tiếc là tiền vệ Việt kiều Andrej Nguyễn An Khánh. Tiền vệ đang chơi ở Cộng hòa Czech này được kỳ vọng sẽ tạo nên những làn gió mới trên mặt trận tấn công, nhưng cầu thủ Việt kiều không có phút ra sân nào trong lượt trận giao hữu vừa qua. Đây cũng là lần thứ 2, An Khánh được triệu tập nhưng không được ra sân ở một trận đấu chính thức cho U22 Việt Nam.
Điều này cho thấy An Khánh sẽ còn phải cải thiện rất nhiều khả năng thích nghi với các đồng đội tại Việt Nam. Trong đó, Viktor Lê là một ví dụ điển hình, nhưng Viktor Lê đã có thời gian thi đấu ở V-League nên việc hòa nhập sẽ có nhiều lợi thế hơn An Khánh.
Nhìn chung, U22 Việt Nam đã thể hiện một bộ mặt tự tin và tạo nên sự an tâm nơi người hâm mộ. Kết quả ở loạt trận giao hữu vừa qua tạo bước đà tốt cho các cầu thủ U22 hướng tới các mục tiêu sắp tới nhất là SEA Games 33 diễn ra vào cuối năm.
GIAI NGHI