Loạt trường đại học phía Bắc chốt phương án tuyển sinh với nhiều điểm mới

Loạt trường đại học phía Bắc chốt phương án tuyển sinh với nhiều điểm mới
8 giờ trướcBài gốc
Trường Đại học Ngoại thương công bố 4 phương thức tuyển sinh
Theo bà Phạm Thanh Hà - Phó trưởng phòng, Phụ trách phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, năm 2025, Trường ĐH Ngoại thương về cơ bản giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm ngoái. Nhà trường chỉ điều chỉnh một số chi tiết nhỏ để đảm bảo thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD&ĐT. "Trong trường hợp Quy chế tuyển sinh có những điều chỉnh dẫn đến sự ảnh hưởng tới các phương thức tuyển sinh của nhà trường, Trường ĐH Ngoại thương sẽ có điều chỉnh kịp thời để phù hợp với Quy chế và đảm bảo quyền lợi thí sinh".
Về phương thức xét tuyển, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức. Cụ thể như sau: Xét học bạ áp dụng cho ba nhóm thí sinh, gồm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên. Học sinh có thể sử dụng tổng điểm trung bình trong 6 học kỳ của ba môn trong tổ hợp; hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Khi xét kết hợp, điểm của chứng chỉ sẽ được quy đổi, thay thế môn tiếng Anh. Điều kiện cụ thể với từng nhóm thí sinh khác nhau, song một số yêu cầu chung là IELTS tối thiểu 6.5 (nếu xét kết hợp), tổng ba môn thi tốt nghiệp từ 24 trở lên...
Phương thức thứ hai là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Thí sinh có thể dùng riêng điểm thi, hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều kiện về điểm IELTS và các chứng chỉ khác tương đương xét học bạ.
Tiếp theo, trường xét bằng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế. Trường ĐH Ngoại thương dùng kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. HCM tổ chức. Điểm sàn lần lượt từ 100/150 và 850/1200, bằng năm ngoái. Với chứng chỉ quốc tế, trường vẫn dùng SAT, ACT và A-Level. Điều kiện với nhóm dùng A-Level không đổi, còn SAT từ 1380/1600 và ACT từ 30/36 trở lên. Năm ngoái, điều kiện với hai chứng chỉ này lần lượt là 1260 và 27.
Phương thức cuối cùng là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở 5 ngành mới
Năm 2025, Trường ĐH Hà Nội sẽ tuyển sinh với 3 phương thức và mở thêm 5 ngành đào tạo mới gồm: Công nghệ sinh học, Vật lí học (Vật lí bán dẫn và Kĩ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2024, gồm:
Điều kiện xét tuyển chung đối với tất cả phương thức tuyển sinh gồm: Kết quả học tập (học lực) trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên, trừ các ngành đặc thù. Kết quả học tập (học lực) trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mĩ thuật.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực, trong đó có 5 ngành mới: Công nghệ sinh học, Vật lí học (Vật lí bán dẫn và Kĩ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xét tuyển 3.000 chỉ tiêu (tăng 700 chỉ tiêu so với năm ngoái). 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế; chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025; kết quả thi đánh giá năng lực,... Dự kiến trường sẽ mở mới ngành: Truyền thông Đa Phương tiện và Quản trị nhân lực.
Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh so với năm trước, gồm: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên nhà trường dự kiến sẽ điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, phương án tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến mở thêm 2 ngành mới gồm Công tác xã hội và Kỹ thuật hình ảnh y học.
ĐH Bách Khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh trong năm 2025, gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%). Kỳ thi đánh giá tư duy của trường vừa tổ chức xong đợt thi đầu tiên vào ngày 18/1 vừa qua. Như vậy, nhà trường còn 2 đợt thi, mỗi đợt sẽ có 3-4 kíp tại 30 điểm. Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi đã được thực hiện theo đúng thiết kế và giữ ổn định trong nhiều năm tới.
ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%). Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, ĐH Kinh tế quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm ngoái.
Năm nay, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT từ 18% xuống còn 15% và không xét tuyển các tổ hợp B00, C03, C04, D09, D10. Phần chỉ tiêu 3% này được nhà trường đưa vào phương thức xét tuyển riêng theo đề án của trường từ 80% năm 2024 lên 83% năm 2025.
Học viện Kỹ thuật quân sự dự kiến tuyển sinh hệ dân sự sau 6 năm tạm dừng. Theo đó, năm 2025, Học viện Kỹ thuật quân sự (MTA) dự kiến mở lại các chương trình đào tạo hệ kỹ sư dân sự với 8 ngành đào tạo gồm: Công nghệ thông tin; Khoa học máy tính; An toàn thông tin; Kỹ thuật Điện tử - viễn thông; Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật xây dựng.
Trường ĐH Luật Hà Nội dự kiến tuyển 2.650 sinh viên, tăng 150 so với năm ngoái, đồng thời mở hai chương trình mới. Về phương thức tuyển sinh, tại trụ sở chính, nhà trường dự kiến xét tuyển theo bốn phương thức, giữ ổn định so với năm ngoái. Năm nay, trường vẫn tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả học tập của bậc THPT theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành (có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế).
Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội mở 4 ngành và chương trình đào tạo mới, gồm: Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu), Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng Thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử) và Công nghệ sinh học (chương trình Công nghệ kỹ thuật sinh học). Ngoài ra, trường tăng chỉ tiêu ở một số ngành thế mạnh như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính.
Về tổ hợp xét tuyển, trường mở rộng để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình GDPT 2018. Ngoài 4 tổ hợp truyền thống là A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), trường xét tuyển bằng 2 tổ hợp có môn tin là Toán, Anh, Tin và Toán, Lí, Tin.
Trường Đại học Hà Nội cho biết, trong 10 năm trở lại đây, nhà trường luôn duy trì ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Quan điểm của nhà trường sẽ cố gắng duy trì 3 phương thức này, nếu có thay đổi chăng nữa, trong mỗi phương thức sẽ có thêm, bớt các tiêu chí.
Trường ĐH Thương mại dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Năm 2025, trường tuyển sinh 5.020 chỉ tiêu cho 45 chương trình đào tạo bao gồm: 27 chương trình chuẩn; 2 chương trình Song bằng Quốc tế; 15 chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp Quốc tế (IPOP) và 1 chương trình tiên tiến.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.990 chỉ tiêu cho 62 ngành/chương trình đào tạo theo 5 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng không giới hạn chỉ tiêu, xét tuyển theo điểm chứng chỉ quốc tế/giải học sinh giỏi kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả ba năm THPT của 3 môn theo tổ hợp, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội/ĐH Bách khoa Hà Nội kết hợp học bạ.
Như vậy năm 2025, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã bỏ xét độc lập điểm học bạ, thay vào đó là kết hợp học bạ với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.
Về tổ hợp xét tuyển, trường dự kiến bổ sung một số tổ hợp mới gồm A0C (Toán, Lí, Công nghệ), A0T (Toán, Lí, Tin học), B0C (Toán, Hóa, Công nghệ), D0C (Toán, tiếng Anh, Công nghệ), D0G (Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thông báo các phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy năm 2025 như sau: Xét tuyển thẳng; xét tuyển học bạ THPT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội; ĐHQG TP.HCM, Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TP.HCM; xét tuyển sử dụng kết quả thi tuyển sinh riêng của Trường ĐHSP Hà Nội 2.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên tuyển sinh theo các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên (V-SAT-TNU), xét học sinh dự bị đại học, dùng kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao. So với năm ngoái, trường bỏ hai phương thức là xét tuyển học bạ và kết hợp học bạ với điểm thi năng khiếu (ngành Giáo dục mầm non).
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/loat-truong-dai-hoc-phia-bac-chot-phuong-an-tuyen-sinh-voi-nhieu-diem-moi-169250122225703523.htm