Kẻ đốt quán cà phê sẽ phải đối mặt với bao nhiêu tội danh?
Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Cao Văn Hùng (SN 1973) trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội, về hành vi giết người. Tại cơ quan công an, Hùng khai nhận do có mâu thuẫn từ trước với một nhóm khách tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nên đã mua xăng rồi thuê taxi chở đến quán cà phê, sau đó Hùng hắt xăng vào quán và châm lửa đốt.
Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an thành phố, Công an quận Bắc Từ Liêm khẩn trương điều tra làm rõ và xác định đối tượng đổ xăng đốt quán cà phê là Cao Văn Hùng.
Phân tích khía canh pháp lý, Luật sư Hoàng Văn Hướng, giảng viên Học viện Tư pháp, Trưởng Văn phòng luật Hoàng Hưng cho rằng, Cơ quan CSĐT khởi tố bị can với đối tượng Cao Văn Hùng tội danh giết người là áp dụng theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn…”.
Hiện trường vụ cháy tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: GT)
Luật sư Hướng nói: “Chỉ vì mâu thuẫn với một nhóm khách ở trong quán cà phê nên Hùng đã có hành động mua xăng rồi quay trở lại quán và thực hiện hành vi trả thù. Cho dù lời khai của Hùng tại cơ quan công an là đốt cho bõ tức nhưng Hùng thừa hiểu rằng hành vi đốt nhà, đốt quán không bao giờ đơn giản vì liên quan đến tính mạng con người và tài sản. Trước khi có hành vi phạm tội, Hùng từng ngồi uống bia trong quán và biết rất rõ quán có nhiều khách và nhân viên. Nói cách khác, Hùng bất chấp hậu quả để đạt được mục đích cá nhân”.
Cũng theo luật sư Hướng, ngoài hành vi giết người đã bị Cơ quan CSĐT khởi tố, tới đây nhiều khả năng Hùng sẽ phải đối mặt với tội danh hủy hoại tài sản của người khác được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với tội danh này, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hành chính về tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng; trường hợp đủ yếu tố xác định tội hình sự có thể phải đối diện với mức xử phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam. Cụ thể như sau: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì giá trị tài sản dưới 2 triệu vẫn xử lý, điều đó có nghĩa là không phụ thuộc vào tài sản có giá trị là bao nhiêu chỉ cần xác định được giá trị là xử lý về tội phạm này, cụ thể: Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;…
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại được quy định tại các Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm các chi phí như: Tài sản bị thiệt hại trong vụ cháy; chi phí khám chữa bệnh; chi phí mai táng; chi phí cấp dưỡng cho người phụ thuộc của người chết; tổn thất về tinh thần do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.
Xe máy để tại quán bị cháy có được bảo hiểm bồi thường?
Ngoài quán cà phê bị Cao Văn Hùng đốt cháy thì còn một loạt xe máy của khách và nhân viên để trước cửa quán, rồi xe máy của hộ dân bên cạnh cũng bị bắt lửa cháy. Câu hỏi đặt ra ở đây, ngoài kẻ đốt quán là Hùng phải chịu trách nhiệm trước hành vi phạm tội của mình thì cơ quan bảo hiểm có sẵn sàng chi trả cho thiệt hại này?
Luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, Nghị định 67/2023 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 6/9/2023. Nghị định nêu rõ: Chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Điều 4, Nghị định này quy định: cơ quan, tổ chức và cá nhân… phải mua bảo hiểm bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định pháp luật.
Như vậy, theo luật sư Tuyến, chủ xe cơ giới trong đó có xe máy, ôtô phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023 quy định phạm vi bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
Về mức bảo hiểm, đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn. Còn mức bồi thường thiệt hại tài sản do xe máy gây ra là đến 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn. Do xe ô tô gây ra là đến 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Tuy nhiên, nếu xe máy, ôtô phát nổ khi không tham gia giao thông như để ở hầm gửi xe, trong nhà sẽ không thuộc trường hợp được bảo hiểm.
Phạm vi bảo hiểm công trình, nhà bị cháy nổ được quy định Điều 25 Nghị định 67/2023. Theo đó, nếu chủ quán cà phê đã mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm phát sinh từ rủi ro cháy, nổ.
Khoản 2 Điều 25 cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau: động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên; thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra; tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt; sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ; nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ; máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh; thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ; thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính; thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai…
“Hiện tại, ngoài bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc thì nhiều cơ quan bảo hiểm cũng đưa ra các gói bảo hiểm toàn diện dành cho xe máy bao gồm: Thiệt hại vật chất xe xảy ra do hỏa hoạn, cháy, nổ bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe. Xe sẽ được bồi thường toàn bộ nếu thiệt hại, hư hỏng trên 75% hoặc đến mức không thể sửa chữa, phục hồi đảm bảo lưu hành an toàn; Thiệt hại về thân thế, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe gây ra; Thiệt hại về thân thể đối với người điều khiển xe và người ngồi trên xe bị tai nạn khi đang ở trên xe, lên xuống xe trong quá trình xe tham gia giao thông…”, luật sư Tuyến nói.
Khắc Hạnh