Loay hoay tìm công việc phù hợp với bản thân

Loay hoay tìm công việc phù hợp với bản thân
một ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa
25 tuổi, ra trường 3 năm nhưng Huỳnh Ngọc Minh (trú tại quận Bình Tân, TPHCM) vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Loay hoay hết việc nọ đến việc kia, mỗi công việc chỉ kéo dài vài tháng khiến Ngọc Minh cảm thấy chán nản.
"Em học ngành Quản trị nhà hàng và khách sạn. Thú thực, em đến với ngành này không phải vì yêu thích hay có tìm hiểu từ trước. Như nhiều bạn ở lứa tuổi của em, chúng em không được tư vấn về nghề nghiệp, chọn ngành dựa vào điểm số chứ thực sự không biết mình phù hợp, có khả năng với ngành nghề gì.
Em chọn học ngành Quản trị nhà hàng và khách sạn với suy nghĩ đơn giản là em sẽ được làm bánh để xả stress trong những lúc căng thẳng, mệt mỏi. Thế nhưng, càng học, em càng thấy bản thân và ngành nghề này "không có điểm chung".
Thế nên, khi thực tập, em đã chọn thực tập ở vị trí văn phòng. Khi đó, công việc em được giao là làm sổ sách và công việc bàn giấy. Công việc tẻ nhạt khiến em thu mình. Em xin chuyển về bộ phận nhân sự để có sự giao tiếp với các ứng viên. Tuy nhiên, sau đó, vì một số lý do, em đã xin nghỉ công việc này", Ngọc Minh trải lòng.
Không nản lòng, Ngọc Minh tiếp tục thử sức mình ở công việc mới. Cậu xin làm bán thời gian ở một spa. Công việc của Ngọc Minh lúc đó chuyên về massage, trị liệu. Dù môi trường làm việc tốt và lành mạnh nhưng không gian quá yên tĩnh, cộng với tay nghề chưa cao nên cậu lại xin nghỉ làm.
Và hành trình đi xin việc của Ngọc Minh vẫn chưa dừng. Cậu nghỉ làm công việc pha chế sau hơn 1 tháng và cũng không thể tiếp tục công việc phục vụ quán cà phê khi người chủ và nhân viên thiếu sự hợp tác.
Hiện tại, Ngọc Minh cảm thấy bản thân bị mắc kẹt. Cậu không biết đến bao giờ mới tìm được công việc phù hợp với bản thân, công việc khiến mình yêu thích.
Ngọc Minh không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều người ở tuổi của Ngọc Minh vẫn đang trên hành trình đi tìm công việc khiến bản thân hạnh phúc. Trần Đăng Khánh (26 tuổi, quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định) cũng ở trong trường hợp như vậy.
Những năm học cấp 3, thấy người chú làm kinh doanh và kiếm được nhiều tiền, Khánh cũng có mong muốn thi vào ngành kinh tế. Thế nhưng, người thân khuyên Khánh thi vào ĐH Bách Khoa để có nhiều cơ hội việc làm.
Học ở Khoa điện tử viễn thông, nhưng thấy ngành công nghệ thông tin đang "hot", Khánh tự mày mò học lập trình. Ra trường, cậu dễ dàng xin được công việc lập trình viên. Tuy nhiên, làm được 2 năm, Khánh không cảm thấy yêu thích công việc này.
Cậu liền xin nghỉ và đi học lấy chứng chỉ về marketing. Nhận chứng chỉ, tưởng rằng cậu sẽ tìm được và gắn bó với công việc mình yêu thích, thế nhưng Khánh lại quyết định đi theo con đường khác.
Thấy ngành công nghệ bán dẫn rất có tiềm năng trong những năm tới, Khánh quyết định học cao học Khoa điện tử viễn thông để nắm bắt cơ hội. Chỉ có điều, đến giờ, cậu vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời "công việc yêu thích thực sự của mình là gì".
Nga Thanh
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/loay-hoay-tim-cong-viec-phu-hop-voi-ban-than-20241203153352516.htm