Loay hoay tìm tài xế xe buýt

Loay hoay tìm tài xế xe buýt
8 giờ trướcBài gốc
Hơn 2 tháng nay, ông Nguyễn Văn Khanh - 60 tuổi, chủ xe buýt tuyến số 74 kiêm tài xế - chuyển sang làm tiếp viên do không đủ yêu cầu bằng lái theo quy định.
Tạm nghỉ để chờ
Ông Khanh cho biết ông lái xe buýt từ những năm 1990, bằng lái nâng lần lượt từ hạng B lên D rồi E. Cách đây 5 năm, bằng lái của ông bị hạ từ hạng E xuống D do quá tuổi lái xe lớn. Nay thêm quy định mới nên ông không lái xe nữa mà thuê tài xế, tốn thêm tiền mỗi tháng.
Với ông Trần Tấn Lực - 45 tuổi, tài xế xe buýt của Công ty CP Xe khách Sài Gòn (SaigonBus), khi vào công ty làm, ông đã có bằng lái hạng D. Vừa rồi áp dụng quy định mới, tài xế muốn lái xe phải nâng hạng nên ông phải tạm dừng công việc.
"Chúng tôi tạm nghỉ làm vài tháng chờ nâng hạng và mong sớm trở lại công việc" - ông Lực nói và cho biết công ty tạo điều kiện, hỗ trợ chi phí để ông và nhiều đồng nghiệp đi thi nâng hạng.
Nhiều tài xế khác cũng gặp vấn đề trên do Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, quy định giấy phép lái xe (GPLX) hạng D cấp cho tài xế ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi. Còn với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX hạng D cấp cho người lái ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi.
Đối chiếu luật mới, những tài xế có GPLX hạng D cũ không đủ điều kiện điều khiển phương tiện trên 30 chỗ ngồi. Muốn tiếp tục hành nghề, họ phải nâng hạng GPLX.
Cùng với sự an toàn, thân thiện, việc tài xế bảo đảm tiêu chuẩn giúp kích thích nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng
Điều chuyển tài xế
Ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải buýt thuộc SaigonBus, xác nhận khối xe buýt của doanh nghiệp đang thiếu khoảng 50 tài xế do phải nâng hạng theo quy định mới. Xí nghiệp đã tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ chi phí để tài xế đào tạo nâng hạng. Ngoài số tài xế chờ nâng hạng thì khó khăn hiện nay là nhiều người lớn tuổi, thiếu bằng cấp về học vấn nên không đủ điều kiện nâng hạng.
Thời gian tài xế được đào tạo để nâng hạng mất chừng 2 tháng. Trong lúc chờ đợi, đơn vị xoay xở, bố trí, điều chuyển tài xế đủ điều kiện lái xe buýt trên 30 chỗ từ các tuyến thưa khách sang bổ trợ tuyến đông khách, điều tài xế xe du lịch sang lái xe buýt.
"Chúng tôi cố gắng bảo đảm 100% công suất tuyến đông khách, riêng tuyến vắng khách sẽ điều chỉnh biểu đồ giờ hoạt động 85% công suất" - ông Khánh cho hay.
Đại diện HTX 19-5 cho biết đơn vị cũng thiếu khoảng 70 tài xế do chờ đào tạo nâng hạng hoặc không đủ bằng cấp về học vấn. Trong thời gian chờ tuyển dụng tài xế mới cũng như chờ tài xế cũ thi nâng hạng, HTX điều chuyển tài xế từ các tuyến khác sang choàng gánh, bảo đảm biểu đồ chạy và ít ảnh hưởng nhất đến việc phục vụ hành khách.
Xe buýt phục vụ hành khách tại TP HCM
Cấp tập bổ sung
Ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, cho biết khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành, trung tâm chủ động làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt trên địa bàn, thống kê số lượng tài xế bị tác động, đồng thời báo cáo đề xuất cơ quan liên quan hàng loạt giải pháp hỗ trợ.
Ngay từ năm 2024, Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Giao thông Công chánh) và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã tổ chức các cuộc họp để triển khai đến đơn vị kinh doanh vận tải quy định mới của luật, trong đó có quy định về hạng GPLX.
Sau khi thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, số lượng tài xế đăng ký thi nâng hạng GPLX và tuyển mới đã có hơn 350 người. Tuy nhiên, đến nay còn thiếu khoảng 250 tài xế tại 6 đơn vị. Việc này ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của xe buýt.
Về giải pháp, trung tâm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị bố trí, sắp xếp tài xế phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng Sở Giao thông Công chánh hỗ trợ đơn vị xe buýt tổ chức lớp đào tạo nâng hạng GPLX trong thời gian sớm nhất, nhanh chóng bù đắp số tài xế thiếu hụt hiện nay.
Việc thiếu tài xế xe buýt tại TP HCM khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn trong sắp xếp biểu đồ giờ, trong khi việc tuyển dụng tài xế có GPLX theo quy định mới cũng không dễ. Với người dân, trong bối cảnh nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng tăng khi tuyến Metro số 1 cùng nhiều dự án kết nối đã và đang đi vào hoạt động thì điều này tác động đáng kể.
"Phương tiện tốt, tài xế đủ và giỏi là 2 trong số những lý do kích thích nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng của người dân, góp phần tạo bộ mặt đô thị thông thoáng, văn minh. Vì thế, tôi mong tình trạng thiếu tài xế này nhanh chóng kết thúc" - chị Lan Phương (ở TP Thủ Đức, TP HCM) bày tỏ.
Phục vụ 300.000 lượt khách
Sở Giao thông Công chánh thông tin trên địa bàn TP HCM có hơn 2.220 xe buýt hoạt động trên 138 tuyến, gồm cả trợ giá và không trợ giá. Trong đó, nhóm xe 41 - 60 chỗ (đứng, ngồi) khoảng 853 chiếc, chiếm 39%. Bình quân, toàn mạng lưới xe buýt phục vụ khoảng 300.000 lượt khách/ngày với hơn 14.000 chuyến hoạt động.
Năm 2024, TP HCM có hơn 600 tài xế có GPLX hạng D hoạt động trên các tuyến mà xe buýt có sức chứa từ 30 đến 47 chỗ (20 - 26 chỗ ngồi và 14 - 21 chỗ đứng).
Từ giữa năm 2024, Sở Giao thông Công chánh đã dự báo tình hình và chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng làm việc với các đơn vị vận tải để chủ động trong việc tuyển dụng, bố trí tài xế phù hợp.
Bài và ảnh: THU HỒNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/loay-hoay-tim-tai-xe-xe-buyt-19625022320484385.htm