Ảnh: Business Insider
Thế hệ Z, những người sinh sau năm 1995, đang bước vào độ tuổi 30 với một tư duy khác biệt về công việc: họ chủ động né tránh các vị trí quản lý, tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe tinh thần và duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.
Đây không phải là dấu hiệu của sự thiếu trách nhiệm mà là một quan niệm mới về thành công và giá trị nghề nghiệp.
Cảnh báo cho các doanh nghiệp là rõ ràng: nếu không thay đổi phương thức đào tạo và trao quyền, họ có thể đánh mất một thế hệ lãnh đạo tiềm năng.
Thế hệ Z và sự lựa chọn không làm sếp
Khác với các thế hệ trước, vốn đề cao hệ thống cấp bậc và sự gắn bó lâu dài với công ty, thế hệ Z đang đi theo một hướng hoàn toàn khác.
Họ không chỉ miễn cưỡng chấp nhận các vai trò lãnh đạo mà chủ động tránh xa chúng, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và phúc lợi cá nhân.
Theo nghiên cứu từ công ty tư vấn Development Dimensions International, thế hệ Z có xu hướng né tránh các vị trí lãnh đạo gấp 1,7 lần so với các thế hệ trước.
“Họ đang đặt ra những câu hỏi rất đáng để suy ngẫm, những điều mà nhiều người trong chúng ta đã âm thầm tự hỏi suốt nhiều năm qua,” Megan Dalla-Camina, nhà sáng lập kiêm CEO của chương trình phát triển lãnh đạo Women Rising, chia sẻ với Business Insider.
Theo bà, thế hệ Z không chỉ tìm kiếm ý nghĩa trong công việc mà còn tìm cách định nghĩa lại mô hình quyền lực, luôn ưu tiên sức khỏe tinh thần thay vì chạy đua với chức danh.
Còn bà Julie Lee, nhà tâm lý học lâm sàng tại Boston chuyên làm việc với các chuyên gia thuộc thế hệ Z, cho biết: “Họ đang chủ động lùi lại một bước để xem xét cách xây dựng sự nghiệp lâu dài và phát triển chuyên môn bền vững. Tình trạng kiệt sức hiện nay quá phổ biến và nghiêm trọng.”
Tính tự chủ và tìm kiếm ý nghĩa công việc
Thế hệ Z ưu tiên tính tự chủ và linh hoạt trong công việc. Bà Kathryn Landis, chuyên gia đào tạo điều hành tại Đại học New York, cho rằng họ đặt giá trị cao vào sự minh bạch, làm việc nhóm và trách nhiệm xã hội hơn là chỉ tập trung vào thăng tiến hay mức thu nhập cao.
“Ngay cả những công việc lương cao cũng không đủ hấp dẫn với Gen Z nếu thiếu tính ý nghĩa,” Landis nói. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định rằng điều này không có nghĩa là thế hệ Z thiếu trách nhiệm.
“Họ vẫn làm việc chăm chỉ, nhưng nếu có thể hoàn thành công việc trong năm giờ thì họ sẽ không ở lại tám giờ chỉ để "làm màu" – và cũng không kỳ vọng đồng nghiệp làm vậy,” bà giải thích thêm. Thế hệ Z tin rằng công việc phải mang lại sự cân bằng chứ không phải tạo ra áp lực vô tận.
Doanh nghiệp cần tìm cách giữ chân thế hệ lãnh đạo mới
Dự báo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy thế hệ Z sẽ chiếm 30% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2030. Nếu các doanh nghiệp không tạo ra cơ hội cho họ đảm nhận vai trò lãnh đạo, sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự quan trọng cho sự phát triển của tổ chức.
Ông Tony Davis, chuyên gia đào tạo lãnh đạo tại Crestcom International, cảnh báo: “Đây là thời điểm quyết định. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần học cách thích nghi, nếu không, họ sẽ bị bỏ lại phía sau.”
Theo ông, sự khác biệt giữa các công ty phát triển và bảo thủ nằm ở việc hiểu và nuôi dưỡng phong cách làm việc của thế hệ Z để tạo ra một lực lượng lãnh đạo tương lai. Các công ty cần phát triển những lộ trình thăng tiến rõ ràng và môi trường làm việc linh hoạt, hỗ trợ các mục tiêu dài hạn của nhân viên.
Thích nghi hoặc bị bỏ lại phía sau
Dù việc thích nghi với phong cách làm việc tự do hơn của Gen Z có thể là một thử thách lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh triết lý làm việc “càng nhiều càng tốt” của thế hệ X vẫn còn phổ biến, các chuyên gia khẳng định rằng sự thay đổi là không thể tránh khỏi.
“Đây là một lời kêu gọi mạnh mẽ để thay đổi – cả trong cách làm việc lẫn cách lãnh đạo,” bà Dalla-Camina nhận định.
Các tổ chức và nhà lãnh đạo dám đổi mới sẽ phát triển mạnh mẽ, trong khi những ai kiên trì với cách làm cũ sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân Gen Z, cũng như các thế hệ lao động khác đang khao khát môi trường làm việc công bằng và nhân văn hơn.
NGHIÊM THANH