Cuốn sách mới được phát hành tại Việt Nam. (Nguồn: Nhã Nam)
Được xem là một trong những công trình cuối cùng trước khi tác giả Daniel Cohen, nhà kinh tế học người Pháp, qua đời vào năm 2021, Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số phản ánh lăng kính của một nhà tư tưởng kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh tế học, triết học và lịch sử.
Theo Daniel Cohen, con người trong thời đại kỹ thuật số không giống với một Homo Sapiens (người tinh khôn) truyền thống nữa, mà đã trở thành một Homo Numericus: Một sinh vật mới vận hành theo quy luật của các thuật toán.
Ông cho rằng, bước ngoặt lớn của thời đại không chỉ nằm ở sự đổi thay về công cụ, mà là ở sự thay đổi sâu sắc trong cách con người sống, tư duy và tương tác. Con người ngày nay không còn là cá thể độc lập ra quyết định theo lý trí mà đang dần trở thành “sản phẩm” của thuật toán, dữ liệu và hành vi số hóa.
Từ Amazon, Google, Facebook đến Tinder, các nền tảng này không chỉ phản ánh thói quen, sở thích của người dùng, mà còn định hình và thao túng những thói quen ấy để tối ưu hóa lợi nhuận. Những gã khổng lồ công nghệ không đơn thuần cung cấp dịch vụ, mà thực chất là đang sở hữu những kho dữ liệu khổng lồ, qua đó kiểm soát hành vi, nhu cầu và thậm chí cả cảm xúc của hàng tỷ người.
Một trong những câu hỏi xuyên suốt cuốn sách là: Công nghệ đang phục vụ con người, hay con người đang bị công nghệ kiểm soát?
Daniel Cohen không phủ nhận những lợi ích vượt trội của công nghệ số như sự tiện lợi, tốc độ, khả năng làm việc từ xa, học trực tuyến, kết nối xuyên biên giới. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, đằng sau lớp vỏ hào nhoáng ấy là những nghịch lý sâu sắc.
Con người khao khát tự do, nhưng lại chấp nhận bị theo dõi và phân tích từng hành vi. Con người mong muốn được lựa chọn, nhưng các thuật toán lại âm thầm hướng dẫn và giới hạn sự lựa chọn đó. Trong một thế giới như vậy, quyền riêng tư và sự độc lập cá nhân đang đứng trước những thách thức chưa từng có.
Dù mang nhiều sắc thái cảnh báo, cuốn sách không phải là một bản luận văn bi quan. Tác giả tin rằng công nghệ không nhất thiết trở thành xiềng xích, nếu con người hiểu rõ bản chất và biết cách kiểm soát. Vấn đề này, theo ông, không phải ở bản thân công nghệ, mà là ở cách xã hội lựa chọn sử dụng công nghệ.
Theo hình dung của tác giả, một xã hội lý tưởng là nơi công nghệ được sử dụng để nâng cao năng lực con người, giúp mọi người tiếp cận tri thức, kết nối trong đa dạng và khác biệt, trao quyền cho cá nhân chứ không phải tước quyền. Tuy vậy, để đạt được điều đó, cần có một hệ thống quản trị minh bạch, trách nhiệm và không để quyền lực công nghệ tập trung vào tay một số ít.
Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số là cuốn sách đặc biệt, không chỉ vì những luận điểm sắc sảo, mà còn bởi cách tác giả đặt câu hỏi đúng vào thời điểm thế giới đang quay cuồng trong vòng xoáy chuyển đổi số. Thông điệp từ cuốn sách giống như lời cảnh tỉnh con người cùng suy ngẫm về quyền tự do, nhân tính và tương lai của chính mình trong thế giới số hóa.
Daniel Cohen (1953-2021) là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp, được biết đến với những nghiên cứu sâu sắc về toàn cầu hóa, kinh tế số và tác động của công nghệ đến xã hội. Ông là giáo sư tại Trường Kinh tế Paris và từng là cố vấn cho nhiều tổ chức kinh tế lớn.
Ông xuất bản nhiều công trình có tầm ảnh hưởng lớn, giúp định hình tư duy về kinh tế và công nghệ trong thế kỷ XXI. Các tác phẩm nổi bật nhất của Daniel Cohen phản ánh sâu sắc những biến đổi kinh tế và xã hội trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ số.
PHƯƠNG LINH