Chính quyền địa phương thông báo ít nhất 143 người đã tử vong liên quan tới căn bệnh này, trong số gần 600 trường hợp mắc, hầu hết là trẻ em dưới 14 tuổi. Mặc dù Bộ Y tế CHDC Congo ngày 17/12 vừa qua thông báo đây thực chất là một dạng sốt rét nghiêm trọng, song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và vẫn đang tiến hành xét nghiệm.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc sốt rét tại bệnh viện ở Goma, CHDC Congo. Ảnh: THX/TTXVN
Cũng theo WHO, tính tới ngày 15/12, châu Phi đã ghi nhận 13.769 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 20 quốc gia, trong đó có 60 ca tử vong. CHDC Congo vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 9.500 ca bệnh.
Đáng chú ý, đợt bùng phát mới nhất ghi nhận sự lây lan của biến thể nguy hiểm Clade 1b (xuất hiện lần đầu tiên tại Congo từ tháng 9/2023) và đã phát hiện những trường hợp nhiễm biến thể Clade 1b tại 8 quốc gia ngoài châu Phi, trong đó có Thụy Điển, Thái Lan... Tỷ lệ tử vong khi mắc biến thể này là khoảng 3,6%, cao hơn các biến thể trước đó. Nam Phi cũng đã cảnh báo về sự gia tăng đáng kể số ca mắc bệnh Rubella trên khắp cả nước, với hơn 10.000 ca được báo cáo trong 11 tháng đầu năm.
Năm nay, số ca mắc bệnh ho gà trên khắp Australia lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 trong một năm kể từ khi căn bệnh xuất hiện tại quốc gia châu Đại Dương này cách đây hơn 30 năm. Tính đến ngày 6/11 vừa qua, Australia xác nhận 41.013 trường hợp mắc căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine này. Các nước châu Âu đã ghi nhận số ca bệnh ho gà gia tăng trong quý I/2024, cao gấp 10 lần so với 2 năm trước.
Dù từ tháng 5/2023, WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với dịch COVID-19, song căn bệnh này vẫn đang cướp đi sinh mạng của khoảng 1.700 người mỗi tuần trên toàn thế giới. Những số liệu đó nhắc nhở thế giới rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm thực sự và hiện hữu với mọi quốc gia. Trong bối cảnh ấy, Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đưa ra thông điệp: “Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai”.
Các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đe dọa làm quá tải các hệ thống y tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tàn phá sinh kế của người dân, bao gồm phụ nữ và trẻ em, cũng như nền kinh tế của các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Các chính phủ đã chia sẻ quan điểm rằng trước mối đe dọa như vậy, sự chuẩn bị sẵn sàng là một khoản đầu tư đúng đắn và thế giới cũng như các quốc gia cần có chiến lược và lộ trình dài hạn để xây dựng một hệ thống ứng phó với những đại dịch tương tự trong tương lai. Nhu cầu cấp thiết là phải có các hệ thống y tế kiên cường và mạnh mẽ, tiếp cận được những người dễ bị tổn thương hoặc trong tình huống dễ bị tổn thương. Nếu không có sự quan tâm thích hợp, các dịch bệnh trong tương lai có thể vượt qua các đợt bùng phát trước đây về cường độ và mức độ nghiêm trọng.
Theo tinh thần trên, WHO đã thúc đẩy Sáng kiến Một sức khỏe (One Health) - phương án tiếp cận tích hợp, thống nhất để đảm bảo tối ưu y tế thông qua việc bảo vệ sức khỏe của cả con người, động vật và môi trường. Trong đó, nội dung đặc biệt quan trọng là phải ngăn ngừa, dự đoán, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu như đại dịch COVID-19. Cách tiếp cận này huy động nhiều lĩnh vực, ngành và cộng đồng ở nhiều cấp độ khác nhau của xã hội cùng làm việc.
Một phần hoạt động triển khai sáng kiến này là việc WHO hợp tác với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) với tư cách là Nhóm Tứ giác Một sức khỏe. Nhóm đang thúc đẩy các phương pháp tiếp cận đa ngành để giảm thiểu các mối đe dọa sức khỏe giữa con người - động vật - hệ sinh thái.
Mới đây nhất, Nhóm Tứ giác đã đồng tổ chức Hội nghị cấp cao G20 về Một sức khỏe vào tháng 10/2024, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản trị mạnh mẽ và phối hợp đa ngành với mục tiêu thúc đẩy cách tiếp cận được cho là chìa khóa để ngăn chặn những đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. WHO cũng thúc đẩy đàm phán Hiệp ước phòng chống đại dịch toàn cầu nhằm giải quyết một số điểm yếu về năng lực và tình trạng thiếu hợp tác quốc tế xảy ra trong quá trình ứng phó toàn cầu với COVID-19. Hiệp ước đang được kỳ vọng có thể thông qua tại Đại hội đồng WHO năm 2025.
Là nước chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, bao gồm thông qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trên cơ sở phối hợp liên ngành và đa lĩnh vực, thể hiện trách nhiệm và cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai trong khuôn khổ sáng kiến toàn cầu của WHO. Các nỗ lực này đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt.
Tình hình dịch bệnh trong năm 2024 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát. Bên cạnh việc tiếp tục kiềm chế ổn định các ca mắc COVID-19, Việt Nam cũng không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như Ebola, MERS-CoV, hay cúm A/H7N9 xâm nhập. Đặc biệt, cơn bão Yagi trong năm đã gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nhờ sự phối hợp đồng bộ và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, Việt Nam đã kiểm soát tốt các bệnh thường xảy ra sau thiên tai.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa nhắc tới hàng triệu sinh mạng đã mất, nền kinh tế đổ vỡ, hệ thống y tế bị đẩy đến bờ vực và cuộc sống hằng ngày bị đảo lộn đối với toàn thể nhân loại khi đại dịch COVID-19 bùng phát, coi đây là lời cảnh tỉnh cho thế giới. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng có thể đã qua, nhưng bài học khắc nghiệt vẫn còn đó: thế giới đang rất thiếu sự chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo", mà một trong những nguyên nhân là các nước vẫn chưa đạt được thống nhất về Hiệp ước phòng chống dịch bệnh toàn cầu để xây dựng nền tảng vững chắc cho việc phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó đại dịch trong tương lai.
Khép lại vòng đàm phán hồi tháng 11 vừa qua, các nước chưa thể thu hẹp được những bất đồng chính, nổi bật là việc chia sẻ công bằng nguồn lực liên quan đại dịch như cách tiếp cận các yếu tố gây bệnh, vaccine, hoạt động xét nghiệm, phương pháp điều trị... Ông Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia ghi nhớ những bài học từ các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong quá khứ để có thể đoàn kết toàn cầu, thúc đẩy Hiệp ước phòng chống dịch bệnh, đảm bảo thế giới cùng nhau hành động tốt hơn nhằm ngăn ngừa và kiềm chế các đại dịch trong tương lai.
Minh Ngọc (TTXVN)