Lợi dụng lòng tin để trục lợi

Lợi dụng lòng tin để trục lợi
9 giờ trướcBài gốc
Lợi dụng niềm tin của dư luận xã hội vào những cá nhân nổi tiếng, nhiều đối tượng đã tuồn thuốc giả, sữa giả ra thị trường, gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Những sự việc này không chỉ là bài học đắt giá cho sự cả tin, mà còn gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý còn nhiều bất cập, thậm chí còn có nghi vấn về dấu hiệu tiếp tay cho cái giả lộng hành.
Lợi dụng hình ảnh của những cá nhân có sức ảnh hưởng, nhiều đối tượng đã ung dung đưa thuốc giả, sữa giả ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng lâu nay. Những sự việc đau lòng này không chỉ phơi bày sự nhẹ dạ cả tin, mà còn làm lộ rõ những khoảng trống chết người trong công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng. Một câu hỏi không thể né tránh: Vì sao những đường dây sản xuất, phân phối sản phẩm giả lại có thể hoạt động công khai, kéo dài suốt nhiều năm, thâm nhập sâu rộng vào thị trường mà không bị phát hiện? Vì sao những mặt hàng có thể gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người dân lại qua mặt được hệ thống kiểm soát của ngành chức năng? Nếu không có sự buông lỏng, thậm chí là tiếp tay, liệu những hành vi gian dối có thể dễ dàng hoành hành?
Tranh minh họa: LÊ TUẤN
Không thể lấy lý do "khó kiểm soát" để biện minh cho sự thờ ơ. Ở nhiều quốc gia, việc quản lý thực phẩm, dược phẩm giả luôn được coi là vấn đề an ninh quốc gia, với các chế tài nặng, cơ chế giám sát gắt gao và trách nhiệm cá nhân rất rõ ràng. Trong khi đó, ở nước ta, mỗi khi vụ việc bùng phát, câu chuyện lại chìm xuống sau vài bản báo cáo tổng kết, vài cuộc họp rút kinh nghiệm, rồi… mọi việc lại như cũ.
Càng nguy hiểm hơn khi những sản phẩm giả mạo ấy được "bảo chứng" bởi người nổi tiếng, tạo hiệu ứng lan truyền khủng khiếp trên mạng xã hội - một môi trường mà công tác kiểm soát vẫn còn nhiều bất cập. Khi tốc độ quảng bá của các nền tảng số nhanh gấp hàng trăm lần so với tốc độ quản lý, người tiêu dùng trở thành nạn nhân trực tiếp của sự chậm chạp và lúng túng của cơ quan chức năng. Không chỉ vậy, mức xử lý hiện nay đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả còn quá nhẹ. Nhiều trường hợp, mức phạt thấp hơn rất nhiều so với khoản lợi nhuận khổng lồ mà các đối tượng thu về. Chính sự bất cân xứng này đã vô tình tiếp tay cho tội ác, biến những kẻ lừa đảo thành những "doanh nhân bất chấp" và sức khỏe cộng đồng không được coi trọng.
Đã đến lúc phải đặt lên bàn những câu hỏi nghiêm khắc: Vì sao cơ chế hậu kiểm còn chậm chạp, thiếu hiệu quả? Vì sao những cảnh báo về nguy cơ hàng giả lại chỉ xuất hiện sau khi thiệt hại đã phát hiện? Ai chịu trách nhiệm khi người dân mất tiền, mất sức khỏe, mất niềm tin?
Quy trình hành chính cồng kềnh, những cuộc thanh tra, kiểm tra theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" đã và sẽ dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng.
Người dân không cần những lời xin lỗi muộn màng. Họ cần hành động cụ thể: siết chặt kỷ luật quản lý, tăng cường thanh tra độc lập, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tiếp tay cho cái giả - không vùng cấm, không ngoại lệ. Phải coi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng trái phép, đặc biệt là hàng liên quan đến sức khỏe, là hành vi phạm tội nghiêm trọng, cần xử lý hình sự nghiêm khắc.
Thiết nghĩ, ngay lúc này, ngành chức năng phải hành động quyết liệt, bằng cơ chế quản lý thực chất, bằng việc đặt sức khỏe, quyền lợi người dân lên trên hết mọi lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Chỉ khi đó, mới có thể ngăn chặn được những bi kịch từ cái giả, khôi phục được niềm tin đã bị tổn thương sâu sắc trong lòng xã hội.
Lam Khánh
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/loi-dung-long-tin-de-truc-loi-a38534.html