Tối 29/3, ViruSs và Ngọc Kem đều lên tiếng xin lỗi, khép lại mọi ồn ào gây xôn xao mạng xã hội.
Ở mỗi buổi chất vấn và giải thích của ViruSs, con số 1-2 triệu lượt xem được cho là bình thường. Tổng lượt xem livestream Pháo chất vấn ViruSs (cũng ở livestream của ViruSs) lên đến 4,8 triệu lượt, đỉnh điểm là 1,6 triệu người xem cùng lúc.
Xong việc, "ai về nhà nấy". Ngọc Kem vẫn là TikToker với những video triệu view, ViruSs tiếp tục kiếm tiền thông qua donate của nghề livestream. Người chưng hửng còn lại là khán giả - nhất là những người mạnh tay mua gói bình luận tháng chỉ để hóng drama.
Khi bị chửi cũng là cơ hội tạo ra tiền
Hiểu theo cách truyền thống, khi người nổi tiếng nói chung (nghệ sĩ, KOLs...) đang vướng lùm xùm, bị dư luận quay lưng, phần đông chọn lùi về sau, chờ mọi thứ lắng xuống và đưa ra lời xin lỗi.
ViruSs đang chứng minh điều ngược lại. Nam streamer sẵn sàng xuất hiện công khai, đối chất trực tiếp trong bão dư luận. Đỉnh điểm là buổi đáp trả trực tiếp rapper Pháo - người tung bản rap diss "kể tội" anh bằng những điều tiêu cực.
Tại sao ViruSs vẫn lên sóng, để khán giả tham gia công kích trực tiếp?
Chia sẻ với Tiền Phong, một chuyên gia truyền thông đang làm việc ở TikTok (yêu cầu giấu tên) cho biết công thức của ViruSs đơn giản nhưng hiệu quả: Sự phẫn nộ tạo tương tác, tương tác tạo ra tiền.
"Trong không gian mạng, đặc biệt là TikTok, số lượt xem, lượt bình luận, mức độ tranh cãi càng cao, livestream càng được đẩy lên top đề xuất. ViruSs hiểu rõ điều đó. Mỗi bình luận tức giận, mỗi màn tranh luận gay gắt giữa các phe fan và anti-fan góp phần khiến buổi livestream nóng hơn, lan rộng và thu hút nhiều người hơn muốn tham gia cuộc tranh luận", người này nói.
Người xem tham gia vì tò mò, tức giận, có người còn nhân danh phụ nữ bị lừa gạt để lên án kẻ xấu. Nhưng chính họ vô tình "nuôi" thuật toán đề xuất. Để "có quyền" bình luận công kích, chính khán giả phải đăng ký trả phí 135.000 đồng/tháng. Chính điều đó quy ra tiền tươi thóc thật chảy vào ví vào chính người họ đang thấy phẫn nộ.
ViruSs liên tục nhận quà donate (quy ra tiền thật) từ người xem livestream. Người này còn bật tính năng phải bỏ tiền để được bình luận, hóng drama.
ViruSs không chỉ tận dụng lòng trung thành của fan, còn dắt mũi cả những người ghét mình. Nam streamer biến mọi thái cực cảm xúc thành dòng tiền không phân biệt nguồn gốc.
"Dư luận tưởng đang dằn mặt ViruSs, thực chất đang đẩy người này lên cao hơn trong bảng xếp hạng livestream, giúp anh lọt đề xuất TikTok, mở rộng tệp khán giả và tăng lợi nhuận. Quá rõ ViruSs có đòn phản truyền thông khôn ngoan. Trong thế giới số, sự quan tâm có giá trị hơn cả uy tín, hình ảnh", chuyên gia nói.
Đó là đòn “phản truyền thông” cực kỳ khôn ngoan: dùng chính búa rìu dư luận để rèn nên áo giáp doanh thu. Anh không cần bảo vệ hình ảnh, chỉ cần giữ được sự chú ý – bởi trong thế giới số, sự quan tâm có giá trị hơn cả uy tín.
Nhìn sâu vào con số đạt được sau livestream: tổng cộng 4,8 triệu lượt xem, đỉnh điểm 1,6 triệu người xem cùng lúc. Theo ghi nhận của Tiền Phong, ViruSs nhận được một lượng lớn quà tặng ảo từ người xem, bao gồm các biểu tượng có giá trị cao như sư tử, cá heo và TikTok Universe. Mỗi món quà khi quy ra tiền trị giá từ vài triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng.
"Trong livestream đó, có khoảng 636 người đăng ký mới để được bình luận, mức phí 130.000 đồng/tháng, giúp nhà sáng tạo này thu về 82,68 triệu đồng. Sau khi trả phí 50% cho TikTok (thông tin được công khai trên TikTok), tiền về túi streamer này là 41,34 triệu đồng/tháng. Đây là chưa tính tiền quà tặng ảo", chuyên gia nói với Tiền Phong.
Về buổi live "chấn động" tối 28/3 đạt 4,8 triệu người xem, ViruSs đứng top 6 trong danh sách Nhà sáng tạo LIVE hàng đầu, thu về khoảng 300.000 kim cương (tương đương 3.000 USD).
"Con số 3.000 USD trên bảng xếp hạng chỉ dựa trên một chỉ số, thường tổng số tiền thu về phải gấp ba lần (tính thêm donate ngoài luồng, quà tặng không hiển thị). Buổi live tối 28/3 đạt khoảng 10.000 USD, ViruSs bỏ túi thêm 5.000 USD (khoảng 128 triệu đồng) sau khi 50% cho nền tảng", chuyên gia nói thêm.
Điều đáng nói, ViruSs không bán sản phẩm trong buổi livestream hay quảng bá thương hiệu nào. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc đối chất, phản hồi, phân trần, nhưng chính yếu tố kịch tính, mâu thuẫn, “bóc phốt” tạo ra hiệu ứng lôi kéo người xem.
Sao phải tự nguyện để người khác dẫn dắt
Chiến lược của ViruSs chỉ là phần nổi, ngày càng phản ánh mạnh mẽ xu hướng "điều hướng cảm xúc". Khán giả không chỉ là người xem, mà còn là "nhà tài trợ" drama, đôi khi dưới danh nghĩa rất muốn tìm hiểu sự thật, đòi công bằng cho những người yếu thế.
Nổi bật gần đây là trường hợp của Viện Garosero (Garo Sero Research Institute) - nhóm YouTuber từng tự nhận là những người “vạch trần mặt tối của giới giải trí và chính trị”. Nhóm này đã thành công câu dẫn khán giả, lấp lửng trong buổi livestream chấn động nhắm thẳng vào Kim Soo Hyun, cho rằng nam diễn viên trực tiếp gây ra cái chết cho Kim Sae Ron.
Dễ dàng lợi dụng drama, đánh vào tâm lý đòi công bằng của khán giả để "khều donate", kiếm tiền.
GaroSero công bố nhiều hình ảnh riêng tư được cho là liên quan đến mối quan hệ giữa Kim Sae Ron và Kim Soo Hyun, khẳng định cả hai đã từng hẹn hò từ khi nữ diễn viên còn là vị thành niên. Nhóm này liên tục đưa ra cáo buộc, dẫn dắt dư luận.
Điều đáng nói là giữa lúc khơi dậy làn sóng phẫn nộ từ công chúng, Garosero không quên kêu gọi quyên góp. Họ phát thông tin tài khoản ngân hàng, khuyến khích người xem “chung tay giúp đỡ gia đình Kim Sae Ron” để “duy trì hành trình tìm kiếm công lý”. Tuyên bố đạo lý và đường link tài khoản nhận tiền tồn tại song song trong buổi phát sóng nhưng khán giả vẫn cố tình để nhóm này dẫn dắt.
Sau nhiều lần kêu gọi donate, nhóm YouTuber bị truyền thông Hàn Quốc công kích, cho rằng đây là hành vi lợi dụng nỗi đau cá nhân để trục lợi. Bằng cách phát tán thông tin riêng tư, dẫn dắt dư luận tấn công một cá nhân chưa có kết luận điều tra chính thức, tranh thủ kêu gọi, "khều donate", Garosero bước qua ranh giới đạo đức của truyền thông lành mạnh.
Sự việc trở thành ví dụ điển hình cho một dạng thao túng cảm xúc: biến công lý thành công cụ, biến sự tức giận thành dòng tiền. Khán giả, trong tâm thế ủng hộ “cuộc chiến vì sự thật” tự nguyện đóng góp tài chính, tương tác và chia sẻ, đôi khi không kịp nhận ra mình đang góp phần thúc đẩy một mô hình truyền thông.
Trở lại trường hợp của ViruSs, trong thời đại nội dung tiêu cực, chiêu trò câu drama nhan nhản trên mạng xã hội, phải chăng streamer này đang quá hiểu vấn đề rằng: Họ không cần đúng, chỉ cần khiến khán giả không thể rời mắt, bỏ qua.
Trong khi khán giả chưa đủ tỉnh táo, ViruSs đã kịp lấy về tiền tươi thóc thật. Sự phức tạp nằm ở chỗ: người xem không hề bị ép buộc, họ tự nguyện bị dẫn dắt, bởi tin rằng mình đang làm điều đúng.
Sau cùng, khán giả phải tự trả lời câu hỏi, khán giả đang thực sự ủng hộ công lý hay trở thành một phần nằm trong mô hình kinh doanh của những người đang khai thác cảm xúc của khán giả?
"Càng xem, càng bàn tán càng giúp họ nổi tiếng, thậm chí phải bỏ tiền để 'được chửi' họ. Điều đó có đáng không? Mấy ai tỉnh táo được? Không xem, không chia sẻ là điều đúng đắn nhất", Tiền Phong dẫn lại bình luận đáng chú ý của khán giả.
Trạch Dương