Lợi dụng tiền ảo, lừa đảo tiền thật

Lợi dụng tiền ảo, lừa đảo tiền thật
8 giờ trướcBài gốc
Một đối tượng trong đường dây lừa đảo đầu tư tiền ảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia bị Công an tỉnh Nghệ An triệt xóa cuối tháng 10/2024.
Ngày 2/4, Công an TP Hà Nội thông tin, một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lên đến gần 9 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Nạn nhân là chị T. (sinh năm 1981, trú tại Hà Đông, Hà Nội). Qua mạng xã hội, chị T. kết bạn và trò chuyện với một người đàn ông. Sau một thời gian nói chuyện, cả hai phát sinh tình cảm, đối tượng đã hướng dẫn chị T. tham gia đầu tư tiền ảo.
Ban đầu, chị T. đầu tư số tiền nhỏ đã nhận được tiền lãi và rút tiền dễ dàng, nhanh chóng. Từ đó, chị T. tham gia đầu tư nhiều tiền hơn để mua bán tiền ảo. Đến ngày 25/3, số tiền lãi trên hệ thống đã lên đến khoảng 19 tỷ đồng, chị T. muốn rút tiền về tài khoản ngân hàng nhưng không rút được. Sau đó, hệ thống yêu cầu chị phải nộp tiếp 5% tổng số tiền hiện có, tương ứng với khoảng 1 tỷ đồng thì mới rút được tiền về. Lúc này, chị T. phát hiện bản thân đã bị đối tượng lừa đảo. Đến thời điểm này, tổng số tiền chị T. đã bị lừa khoảng gần 9 tỷ đồng.
Hoặc trường hợp của chị Tạ Thị H. (sinh năm 1995, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) cũng bị mất 1,8 tỷ đồng do tin lời rủ rê của một đối tượng tên Cao Trang cùng đầu tư tiền ảo. Hình thức đầu tư là chị H. gom tiền và rủ thêm nhiều người tham gia rồi chuyển qua ví điện tử cho Trang để lên sàn mua Bitcoin. Thời gian đầu chị H. nhận được tiền lãi khoảng 10 - 20% so với số tiền bỏ ra, các giao dịch đều thực hiện suôn sẻ. Đến khi chị H. chuyển vào ví điện tử của Trang 1,8 tỷ đồng thì đối tượng này đã cắt mọi liên lạc với chị H.
Thời gian qua, các vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo đã gia tăng rõ rệt. Tội phạm lợi dụng tiền mã hóa để huy động vốn bất hợp pháp, xây dựng các dự án đầu tư giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Theo báo cáo của Chainalysis - Công ty Phân tích blockchain, từ năm 2019 - 2024, khoảng 100 tỷ USD tiền mã hóa bất hợp pháp đã được rửa qua các dịch vụ chuyển đổi. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát và quản lý nhằm ngăn chặn các hành vi rửa tiền, lừa đảo và tội phạm xuyên biên giới.
Ngày 2/4, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo việc xuất hiện nhiều sàn giao dịch tiền ảo, thu hút nhiều người tham gia đầu tư tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Các sàn được giới thiệu là dự án với lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận cho người chơi, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo lên kế hoạch “giăng bẫy con mồi”. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online và lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ qua mạng xã hội; không nên tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung” được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, Thượng tá Dương Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) đã đề xuất cần có chính sách xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện có liên quan đến hoạt động rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố; công khai danh sách các sàn giao dịch không phép để cảnh báo người dân; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn truy cập vào các nền tảng này; tăng cường phối hợp liên ngành, giữa lực lượng Công an với các cơ quan quản lý tài chính và các sàn giao dịch. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ giám sát tiên tiến để theo dõi và truy vết giao dịch tiền mã hóa theo thời gian thực nhằm phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường, từ đó giúp cơ quan điều tra xử lý nhanh chóng các hành vi phạm pháp.
Còn theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), tại Việt Nam nhiều người dùng cho biết họ đã bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền vào các nền tảng giao dịch không rõ ràng. Bên cạnh đó, có nhiều sàn giao dịch thường xuyên quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội dù chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nhắm vào nhóm đối tượng dễ bị lôi kéo như sinh viên và giới trẻ. Do đó, cần có các chương trình đào tạo và phổ cập kiến thức về blockchain, tiền ảo cũng như các rủi ro liên quan cho mọi tầng lớp, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị lợi dụng như người lớn tuổi, sinh viên và giới trẻ; trang bị kiến thức chuyên sâu về công nghệ blockchain và các công cụ giám sát hiện đại cho lực lượng điều tra để truy vết các giao dịch bất hợp pháp một cách hiệu quả; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị lừa đảo và mất mát tài sản do tiền ảo.
THÁI NHUNG
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/loi-dung-tien-ao-lua-dao-tien-that-10303033.html