Mối tình đẹp
Một ngày giữa tháng 7, từng dòng người về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn ở xã Bạch Hà, tỉnh Nghệ An. Truông Bồn nay đã khoác lên mình một màu xanh của cỏ cây, hoa lá mướt mát đầy sức sống. “Túi bom” ngày nào đã thực sự hồi sinh. Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, kể cho chúng tôi về chiếc ba lô của liệt sĩ Nguyễn Thị Hoài (quê xã Yên Trung, tỉnh Nghệ An, hy sinh khi mới 17 tuổi trên tọa độ lửa Truông Bồn) trong lễ truy điệu tại đơn vị.
Chiếc ba lô gây nên một sự hiểu nhầm với gia đình của một thanh niên xung phong (TNXP) khác. Và cũng chính từ chiếc ba lô ấy, đã hé lộ một câu chuyện tình yêu thầm lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng của hai người lính TNXP trên tuyến lửa ác liệt này.
Cựu TNXP Nguyễn Hữu Võ
Theo chân ông Lộc, chúng tôi đến thăm cựu TNXP Nguyễn Hữu Võ (SN 1949). Ngôi nhà nhỏ của ông Võ nằm trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo ở xã Bạch Hà. Người đàn ông tóc đã bạc trắng, bồi hồi khi nhớ về những ngày tháng chiến đấu ở “tọa độ lửa” Truông Bồn và mối tình đầu thầm lặng của mình.
Năm 1967, khi mới 18 tuổi, cùng lớp lớp TNXP tỉnh Nghệ An, chàng trai Nguyễn Hữu Võ tình nguyện lên đường phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước. “Tôi được biên chế vào Tiểu đội 6, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An, tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch đường 15A, đoạn qua Đô Lương. Ngày ấy, địch đánh phá tuyến đường 15A ác liệt lắm. Không ngày nào là không có bom nổ, người hy sinh…”, ông Võ kể.
Chính nơi đạn bom ác liệt này, ông Võ gặp cô TNXP Nguyễn Thị Hoài. Lúc này, chị Hoài mới tròn 17 tuổi, trẻ nhất Tiểu đội 2. Trong tâm trí ông vẫn nguyên vẹn hình ảnh cô gái nhỏ, khuôn mặt bầu bĩnh và vô cùng duyên dáng. Tình yêu của họ đến thật tự nhiên nhưng chiến trường ác liệt, họ chỉ dám giữ thương nhớ cho riêng mình.
Liệt sĩ Nguyễn Thị Hoài, thời điểm hy sinh mới 17 tuổi.
“Hoài xinh xắn và rất hay cười. Tôi say lòng Hoài ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trong thời gian yêu nhau, tôi chỉ kể chuyện hai đứa cho chị Nguyệt, người chị cùng Đại đội thân thiết, xem tôi như em trai ruột. Tôi nói với Hoài: “Bao giờ xuất ngũ anh sẽ cưới em”, cô ấy chỉ cười bẽn lẽn”, ông Võ bồi hồi nhớ về mối tình đầu.
Nhớ thương đồng đội
Cuối tháng 10/1968, chị Hoài được đơn vị cho về phép để làm công tác tư tưởng do gia đình nhận được tin cô hy sinh khi đi nhận lương thực cho đơn vị. Ông Võ đưa cho Hoài chiếc ba lô của mình, để cô đựng mấy món đồ khi về thăm nhà. Ngày 29/10, trong khi làm nhiệm vụ, ông Võ bị thương, được chuyển lên bệnh viện dã chiến đóng ở huyện Thanh Chương (cũ) điều trị. Một ngày sau, chị Hoài trả phép, về đơn vị, không gặp được người yêu nên chiếc ba lô vẫn được để lại lán của Tiểu đội 2. Rạng sáng 31/10, nhiều đơn vị được huy động làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến đường huyết mạch 15A. Và chị Hoài đã không về nữa...
Ông Võ cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sửu
Đơn vị làm lễ truy điệu những người hy sinh. Chiếc ba lô đựng mấy món đồ của chị Hoài cũng được đưa lên tập kết tại địa điểm làm lễ. Nghe tin ở Truông Bồn bom vùi chết nhiều người, bố và em gái ông Võ tức tốc đến. Nhìn thấy chiếc ba lô mang tên Nguyễn Hữu Võ được đặt ngay ngắn trên bàn thờ, họ run rẩy bước tới, tưởng ông Võ đã hy sinh. Sau khi nghe kể ông Võ đang nằm viện, mọi người mới nhẹ lòng. “Nằm ở viện, nghe tin Hoài cùng đồng đội hy sinh, cảm giác như trái tim ứa máu. Không ngờ, lần trao chiếc ba lô cho Hoài lại là lần cuối chúng tôi được gặp nhau”, ông Võ xúc động.
Ông Nguyễn Hữu Võ sau đó cùng đơn vị được chuyển đến các trọng điểm giao thông khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục làm nhiệm vụ. Năm 1969, theo mai mối của gia đình, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Sửu, sống cùng làng. Ông không giấu vợ chuyện tình cảm trước kia. Bà Sửu cũng chẳng vì thế mà hờn giận, bởi ông là một người chồng, người cha trách nhiệm, yêu thương vợ con. Lúc còn khỏe, ông Võ thường đạp xe lên Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn để thắp hương cho các đồng đội. Những năm gần đây, sức khỏe giảm sút nên con cháu thay nhau đưa ông sang Truông Bồn.
Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn ngày nay
“Có lần, đứa cháu nội đưa ông sang Khu Di tích Truông Bồn, về nhà có thì thầm, nói thấy ông cứ ôm ngôi mộ chung, hai hàng nước mắt dàn dụa. Tôi hiểu, ông khóc vì ai. Ông ấy vẫn hay nói đùa với tôi rằng “nếu Hoài còn sống chắc tôi với bà đã không lấy nhau”, lúc đó hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười”, bà Sửu thổ lộ.
Chiến tranh đã lùi xa, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã ngã xuống vì nền độc lập của đất nước. Những đồng đội năm xưa của ông Võ giờ người còn, người mất. Người ông mong muốn được gặp lại nhất là chị Nguyệt – người chị kết nghĩa năm xưa. “Càng nhớ, càng thương đồng đội bao nhiêu, tôi lại càng răn mình phải sống tốt để làm gương cho con cháu. Tôi luôn dạy con cháu phải sống tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”, cựu TNXP Nguyễn Hữu Võ bộc bạch.
“9 tháng 20 ngày tham gia lực lượngTNXP, chị tôi có mặt trên tọa độ lửa Truông Bồn, chỉ về thăm nhà đúng một lần. Ngày đơn vị đến nhà thông báo và tổ chức lễ truy điệu chị, mẹ tôi khóc ngất. Xương thịt chị tôi, cùng nhiều đồng đội khác đã tan vào đất... Tôi cảm ơn tình cảm của anh Võ dành cho chị Hoài. Hơn 50 năm rồi, anh ấy vẫn giữ đoạn tình cảm đẹp với chị tôi”, ông Nguyễn Doãn Sáu (SN 1962, trú xã Yên Trung, tỉnh Nghệ An, em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Hoài) chia sẻ.
Thu Hiền