Ông Donald Trump tại lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 tại Điện Capitol vào ngày 20/1. (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, những cam kết này đã được thực hiện đến đâu, và điều gì vẫn còn nằm trên danh sách việc cần làm của vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ?
Những lời hứa trọng tâm của ngày đầu nhậm chức
Chỉ trong 24 giờ đầu, Tổng thống Donald Trump đã ký hàng loạt các sắc lệnh hành pháp liên quan đến các vấn đề đối nội của nước Mỹ, đồng thời, hủy bỏ 78 văn bản chính sách của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden, coi đây là bước đi đầu tiên để “sửa chữa” thể chế và kinh tế Mỹ.
Đúng như lời hứa tranh cử, vấn đề người nhập cư và an ninh biên giới đứng đầu trong danh sách ưu tiên. Xác định dòng người nhập cư là “sự xâm lược”, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía Nam, và điều động quân đội tham gia ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tại đây. Ông cũng đã yêu cầu tiến hành trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, siết chặt cơ chế cấp thị thực, thậm chí tuyên bố loại bỏ Tu chính án thứ 14 về việc cấp quốc tịch Mỹ cho những người sinh ra trên lãnh thổ Mỹ.
Về năng lượng và môi trường, lần đầu tiên trong lịch sử, "Tổng thống Donald Trump 2.0" đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia” và thúc đẩy sản xuất năng lượng trong nước. Hàng loạt các văn bản khác về năng lượng và môi trường cũng được thông qua để nới lỏng các quy định về môi trường đối với các hoạt động khai thác và sản xuất, đồng thời, xem xét lại tất cả các chính sách liên bang mà ông cho rằng đang gây áp lực lên việc phát triển và đa dạng hóa nhiều nguồn năng lượng khác nhau, đơn cử như việc hủy bỏ ưu đãi cho xe điện[1].
Một trong những động thái bất ngờ và đáng chú ý khác là triển khai hàng loạt cam kết về các vấn đề giá trị xã hội của nước Mỹ. Ông Trump đã thông qua văn bản về bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân, yêu cầu chấm dứt mọi chương trình đảm bảo sự đa dạng và bao trùm trong chính phủ. Bên cạnh đó, ông cũng hủy bỏ những cơ chế liên quan đến bảo vệ cộng đồng LGBTQ+ khi tuyên bố nước Mỹ chỉ công nhận hai giới tính sinh học là nam và nữ, hay dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ tù nhân chuyển giới.
Bỏ ngỏ về cắt giảm thuế và chính sách giáo dục
Nhiều vấn đề đối nội là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã không được nhắc đến. Trong đó, đáng chú ý là đã không có sắc lệnh hành pháp nào về việc cắt giảm thuế cho người dân Mỹ được thông qua. Ngoài ra, ông cũng đã không đề cập đến các chính sách về giáo dục, y tế hay quyền phá thai - đều là những vấn đề sát sườn với lợi ích của người dân Mỹ. Việc không đề cập đến những chủ đề phức tạp này có thể là dấu hiệu cho thấy chính quyền mới vẫn phải giải quyết sự khác biệt trong lợi ích và quan điểm của những người cố vấn chính sách trong nội các.
Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ một sắc lệnh đã ký trong buổi tuyên thệ nhậm chức bên trong Điện Capital, Washington D.C. ngày 20/1. (Nguồn: Reuters)
Nước Mỹ trên hết, rút khỏi một số cơ chế đa phương
Ông Trump tiếp tục chiến lược “Nước Mỹ trên hết” được khẳng định trong nhiệm kỳ đầu tiên và xuyên suốt chiến dịch tranh cử của nhiệm kỳ thứ hai. Theo đó chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ bảo vệ các lợi ích cốt lõi của nước Mỹ và luôn đặt nước Mỹ cùng công dân Mỹ lên hàng đầu. Những sắc lệnh hành pháp đầu tiên củng cố tinh thần trên là “Đặt nước Mỹ lên trên hết trong các hiệp định về môi trường”, rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đã ký sắc lệnh rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Nhằm đảm bảo các nguồn viện trợ của Mỹ đem lại hiệu quả cho nước Mỹ, ông Trump cũng quyết định tạm dừng cấp viện trợ cho nước ngoài trong 90 ngày để đánh giá tính hiệu quả của các nguồn đầu tư và điều chỉnh phù hợp với chính sách đối ngoại Mỹ.
Đặc biệt, ông Trump đã ký sắc lệnh đổi tên Vịnh Mexico thành “Vịnh Hoa Kỳ” ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, thực hiện đúng tuyên bố ông đưa ra trước đó vài ngày. Không chỉ mang tính biểu tượng trong việc củng cố chủ quyền, đây còn là cách để ông Trump gửi thông điệp đến các nước láng giềng rằng Mỹ coi Vịnh này là một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế và địa chính trị của mình, nhất là trong quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho nước Mỹ.
Chính sách thương mại nước Mỹ trên hết
Sang nhiệm kỳ thứ 2, thực hiện phương châm an ninh kinh tế sẽ đem lai an ninh chính trị, ông Trump đã cụ thể hóa chính sách đối ngoại nước Mỹ trên hết trong lĩnh vực thương mại. Ngày đầu tiên nhậm chức, ông tuyên bố tập trung xử lý hai vấn đề chính, cũng là hai cam kết lớn của ông trong quá trình tranh cử: thương mại không công bằng và quan hệ thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên chủ yếu dừng lại ở bước “đánh giá” và “rà soát”, chưa có các biện pháp cụ thể.
Nhiều nội dung trong định hướng chính sách thương mại này đặt ra hàm ý cho nhiều nước trên thế giới. Đơn cử, ông Trump đưa ra yêu cầu điều tra nguyên nhân thâm hụt thương mại với một số quốc gia và các hành vi thương mại không công bằng quan hệ thương mại với các nước có thâm hụt; rà soát hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, tìm cách nâng cao lợi thế công nghệ và tìm lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện nay.
Đồng thời Mỹ cũng rút khỏi Thỏa thuận Thuế toàn cầu, tạo nên thách thức lớn cho các doanh nghiệp tại Mỹ. Ông Trump yêu cầu đặc biệt đánh giá chuỗi cung ứng công nghiệp của Trung Quốc và hành vi né tránh thuế quan của Mỹ qua các quốc gia thứ ba, cũng như các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc. Cùng với đó, đánh giá vấn đề nhập cư bất hợp pháp và mua bán fentanyl từ Canada, Mexico, Trung Quốc và đề xuất biện pháp thương mại và an ninh phù hợp.
Lời hứa chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24h?
Một trong những lời hứa táo bạo nhất của ông Trump là chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức - hoặc thậm chí sớm hơn. Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn khi ông bước vào Phòng Bầu dục và chưa có tuyên bố hoặc sắc lệnh hành pháp nào được thông qua trong ngày đầu tiên. Ông Trump cho rằng không phù hợp để tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước ngày nhậm chức. Dù cam kết kết thúc xung đột vẫn nằm trong kế hoạch của ông, thời điểm và phương pháp thực hiện vẫn chưa rõ ràng. Trump cho biết ông sẽ sớm liên lạc với Putin, nhưng các chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ.
Dư luận dậy sóng vì ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký tới gần 200 văn kiện hành pháp, cả về đối nội và đối ngoại. (Nguồn: Nhà Trắng)
Lộ trình áp thuế lên hàng hóa Canada, Mexico và Trung Quốc?
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada, và đây sẽ là một trong những sắc lệnh đầu tiên của ông. Tuy nhiên, ông chưa ký sắc lệnh nào liên quan và chỉ cho biết kế hoạch sẽ được thực hiện vào ngày 1/2/2025. Đồng thời, cũng chưa có sắc lệnh nào đề cập đến lệnh áp thuế toàn diện 10%-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ hoặc lệnh thuế quan nhắm trực tiếp vào Trung Quốc như ông đã cam kết trước đó với mục tiêu “thu thuế của nước ngoài để làm giàu cho nước Mỹ”.
Một số chuyên gia cho rằng việc chưa công bố quy định áp thuế toàn diện vì đây là quyết định rất phức tạp, cần tính toán đến phạm vi và quy mô mà mức thuế mới tác động đến Mỹ và các đối tác. Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới đang có sự chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm kỳ "Trump 2.0", vì vậy không loại trừ Mỹ sẽ đối mặt với các biện pháp trả đũa thuế quan từ các nước khác, ví dụ Canada. Trong bối cảnh bộ máy nhân sự chưa kiện toàn, việc này cần sự xem xét và tham vấn kỹ lưỡng.
Ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện quyết tâm tái định hình chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, với danh sách các cam kết tham vọng và phức tạp, liệu ông có thể thực hiện được tất cả những lời hứa của mình? Những ngày tới sẽ là phép thử lớn cho khả năng lãnh đạo và sự hiệu quả của chính quyền Trump 2.0.
[1] Việc công bố tình trạng khẩn cấp đối với cả vấn đề nhập cư và năng lượng cho phép ông Trump đơn phương sử dụng nguồn tài trợ liên bang để thực hiện hóa các chính sách của mình, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Vũ Thị Hoài, Hoàng Hiền Thương