Lợi ích của cuộc sống gia đình đa thế hệ ở Anh quốc

Lợi ích của cuộc sống gia đình đa thế hệ ở Anh quốc
3 giờ trướcBài gốc
Bà Kathie Hannam (trái) sống chung với con trai Alex, con dâu Robyn và các cháu
Chuyển đến sống với ông bà hoặc mời ông bà đến sống cùng đang trở thành xu hướng tại nhiều quốc gia. Nghiên cứu cho thấy, Anh có 1,8 triệu hộ gia đình đa thế hệ đang sống chung dưới một mái nhà, tăng 38% trong vòng 10 năm. Tại Mỹ, số gia đình đa thế hệ đã tăng gấp đôi những năm gần đây.
Mặc dù vấn đề tài chính thường là yếu tố thúc đẩy quyết định sống chung nhiều thế hệ nhưng lợi ích về sức khỏe và hạnh phúc cũng đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu cho thấy, cuộc sống gia đình đa thế hệ có thể tác động tích cực đến cả trẻ em và người lớn tuổi.
Trẻ em trong độ tuổi tiểu học có thể học ngôn ngữ, đọc chữ và học các kỹ năng như tha thứ và đồng cảm từ ông bà. Người lớn tuổi tiếp xúc nhiều với các cháu cũng có tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, cuộc sống đa thế hệ giúp gia tăng tuổi thọ và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của các thành viên gi adidnhf.
"Sống cùng con cháu khiến tôi khỏe mạnh"
Kathie Hannam, 62 tuổi, sống một mình ở Manchester (Anh) khi bà bị đột quỵ vào năm 2020. Sau 4 năm, Kathie đã hồi phục và hiện có cuộc sống đầm ấm bên con trai, con dâu và 3 cháu gái ở Cornwall. "Sống cùng con cháu khiến tôi khỏe mạnh và hạnh phúc hơn tôi tưởng", bà cho biết.
Gia đình 3 thế hệ của bà Kathie Hannam
Năm 2019, khi Robyn, con dâu của bà Kathie, được thăng chức và chuyển đến Bệnh viện Royal Cornwall làm việc, Alex đã đề nghị mẹ chuyển đến Cornwall sống cùng gia đình anh. "Mẹ tôi không có đủ tài chính để nghỉ hưu thoải mái. Vì vậy, việc mời bà đến sống cùng chúng tôi ở Cornwall là giải pháp hoàn hảo", Alex nói.
Ban đầu, Kathie sống trong gian nhà phụ liền kề với ngôi nhà bốn phòng ngủ của gia đình Alex. Sau đó, họ mua thêm ngôi nhà nhỏ bên cạnh để bà sống thoải mái hơn. "Tôi đã có cơ hội sống cùng gia đình con trai ở Cornwall. Tôi rất thân với cháu gái Lily và tôi đã rất buồn khi Alex nói gia đình nó đang có kế hoạch chuyển nhà", Kathie chia sẻ.
Tiến sĩ Prabash Edirisingha, nhà nghiên cứu về cuộc sống đa thế hệ, cho biết: "Cuộc sống đa thế hệ thực sự làm tăng cảm giác hạnh phúc trong gia đình. Những đứa trẻ lớn lên có mối quan hệ bền chặt với ông bà sẽ phát triển cảm giác tự tin và khát vọng mạnh mẽ hơn".
Việc thúc đẩy cuộc sống gia đình đa thế hệ ở Anh khó hơn cũng gặp những rào cản do các gia đình ở đây thường theo mô hình gia đình hạt nhân, mọi người không quen sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà.
Người trẻ trưởng thành thường rời khỏi nhà cha mẹ, tìm việc làm và sống tự lập. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của cá nhân. Do đó, việc người trẻ sống với cha mẹ thường được coi là điều cấm kỵ về mặt văn hóa - xã hội.
Ngôi nhà nhỏ của Kathie (phía trước) và ngôi nhà lớn hơn của gia đình con trai bà (phía sau)
Lợi ích của cuộc sống gia đình đa thế hệ
"Khi kể về việc mẹ chồng sống cùng gia đình tôi, tôi thường nhận được cái nhìn cảm thông từ mọi người. Nhưng thành thật mà nói, tôi không biết chúng tôi sẽ vượt qua 4 năm qua như thế nào nếu không có bà", Robyn, người vừa sinh con gái thứ ba Elowyn vào năm ngoái, nói.
Gia đình Robyn và Alex không chỉ cảm thấy vui vẻ hơn mà còn có thể tiết kiệm tiền khi mẹ đến sống cùng. Cả hai đều bận rộn với công việc và nếu không có mẹ giúp đỡ, họ sẽ phải chi khá nhiều tiền cho phí trông trẻ.
Tiến sĩ Edirisingha cho biết: "Các thành viên trong gia đình đa thế hệ có thể đóng góp chi phí sinh hoạt, giúp giảm gánh nặng tài chính". Ngoài ra, những gia đình này cũng chăm sóc trẻ em và người già trong nhà tốt hơn, giúp họ tiết kiệm hơn.
Ở Anh, các gia đình dành khoảng 20% - 30% thu nhập hộ gia đình cho phí trông trẻ và 970 bảng Anh (tương đương khoảng 31,5 triệu đồng) cho chi phí sống ở viện dưỡng lão.
Nhưng lợi ích của cuộc sống đa thế hệ không chỉ dừng ở mặt tài chính. Alex nói: "Ba đứa con của tôi còn được bà nội đưa đón đến trường và nhà trẻ". Về Kathie, bà thừa nhận sống gần các cháu giúp cuộc sống của mình tốt hơn.
"Với tôi, gia đình và các cháu là cả thế giới. Được dành thời gian cho chúng khiến tôi hạnh phúc và khỏe mạnh hơn", bà chia sẻ.
Mặc dù vậy, không phải gia đình nào cũng phù hợp với cuộc sống đa thế hệ. Nhà trị liệu Rhian Kivits giải thích rằng, mô hình đa thế hệ sống cùng nhau nên được áp dụng ở những gia đình sẵn sàng chia sẻ, giao tiếp và hỗ trợ. Nó không được khuyến khích ở những gia đình có thành viên có tính cách mạnh mẽ hoặc độc đoán.
Để cuộc sống diễn ra thuận lợi, cấu trúc gia đình phải mang tính hợp tác, nghĩa là cha mẹ tôn trọng quyền tự do của con cái và tất cả các thành viên trong gia đình đều tôn trọng sở thích, thói quen và nhu cầu riêng của nhau.
Sắp xếp cuộc sống và không gian hợp lý
Nói về việc sống chung với bà Kathie, Robyn cho biết, mẹ chồng rất tôn trọng nhu cầu của mọi người nhưng ban đầu họ cũng xảy ra một số mâu thuẫn.
"Chúng tôi đã cãi nhau. Tôi tự thấy mình là người thích kiểm soát. Tôi dọn dẹp lại sau khi mẹ đã dọn dẹp và tỏ ý không hài lòng khi bà cho bọn trẻ ăn bánh quy vì tôi muốn các con ăn uống lành mạnh", Robyn kể lại.
Bốn tháng sau khi bà Kathie chuyển đến sống cùng gia đình con trai, căng thẳng gia tăng. Robyn muốn dành thời gian cho các con khi cô đi làm về nhưng Kathie nghĩ rằng bà đang giúp đỡ con dâu bằng cách dỗ bọn trẻ đi ngủ, khiến Robyn cảm thấy bị đẩy ra khỏi cuộc sống của con.
Bị kẹt giữa mẹ và vợ khiến Alex thấy bối rối. Lúc đầu, Kathie và Robyn đều tìm đến anh để giải quyết bất hòa vì cả hai không muốn làm tổn thương nhau. Kathie thừa nhận bà thấy lo lắng khi khiến con dâu khó chịu.
"Nhưng giờ tôi đối xử với Robyn như con gái ruột của mình vậy", bà nói. "Nếu có chuyện gì xảy ra, hai mẹ con sẽ đứng về một bên và chống lại tôi. Vợ còn cảm thấy tôi trở nên lười biếng hơn khi có mẹ bên cạnh", Alex nói.
Kivits cảnh báo, nếu một người con trai quen với việc được mẹ chăm sóc, anh ấy có thể ỉ lại khi ở cùng mẹ. Cô cũng nói về khả năng xảy ra những "cuộc chiến" quyền lực trong gia đình, lưu ý rằng xung đột có thể nảy sinh không chỉ giữa phụ nữ mà còn cả đàn ông. Lời khuyên của Kivits là nên để tất cả các thành viên, bất kể giới tính, tham gia vào các quyết định trong gia đình.
Nhận thấy một số vấn đề giữa mẹ và vợ, Alex tìm giải pháp ngay lập tức. Anh nói: "Tôi mở một cuộc họp gia đình và chúng tôi đã thống nhất xem ai làm gì và vào lúc nào". Robyn, người đi làm 4 ngày, sẽ dành 3 ngày còn lại với các con.
Kathie nấu bữa sáng và chuẩn bị cho bọn trẻ đến trường trong khi Robyn và Alex tắm rửa. Nhiệm vụ đưa con đến trường mỗi ngày do Alex đảm nhận. "Tất cả chúng tôi đã thống nhất thời gian để có không gian và thời gian riêng với bọn trẻ", Alex nói.
Kivits chỉ ra rằng vấn đề có thể phát sinh do không gian hạn chế hoặc nhu cầu và ưu tiên của một người bị ảnh hưởng. Cô giải thích, thói quen và nhu cầu của người lớn tuổi có thể khác so với một cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ.
Gia đình Alex cũng từng trải qua tình huống này, đó là lúc Robyn đang mang thai con gái thứ ba trong khi Kathie mới đến Cornwall và cần thời gian để ổn định cuộc sống. "Lúc đó thật khó khăn. Tôi muốn dành thời gian cho cả hai người", Alex nói.
Robyn thừa nhận, ngay cả những điều đơn giản cũng trở nên phức tạp, như không thể tự do đi lại trong nhà mà không mặc quần áo. Mọi thứ tiến triển theo hướng tốt hơn sau khi gia đình cô mua ngôi nhà bên cạnh, giúp bà Kathie có không gian và sự riêng tư hơn.
Bà cũng bắt đầu làm nhân viên lễ tân bán thời gian tại một bệnh viện địa phương và đóng góp tài chính cho gia đình.
Alex cho rằng có đủ không gian là điều rất quan trọng để cuộc sống gia đình đa thế hệ được chan hòa. Theo anh, nên thiết lập các quy tắc cơ bản ngay từ đầu để giải quyết mâu thuẫn, phân bổ thời gian và quyết định ai làm gì.
Còn Kathie chia sẻ: "Bạn cần phải hiểu được sự khác nhau giữa giúp đỡ và can thiệp. Và bạn không bao giờ được đứng về phía nào nếu người thân cãi nhau".
Nguồn: Telegraph
Kim Ngọc
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/loi-ich-cua-cuoc-song-gia-dinh-da-the-he-o-anh-quoc-20241024114107062.htm