Những rủi ro khi thuê xe tự lái (Ảnh: Internet)
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mà nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao, việc thuê ô tô tự lái đã trở thành lựa chọn phổ biến. Do đó, hình thức thuê xe tự lái giúp cho việc đi lại giữa các địa điểm linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã bỏ cọc xe do lo sợ quy định xử phạt giao thông mới theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Quy định này tăng nặng mức phạt cho nhiều vi phạm, gây lo ngại cho những người không thường xuyên lái xe.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lo ngại: “Tôi đã đặt cọc xe từ giữa tháng 12/2024, nhưng khi biết quy định mới về mức phạt vi phạm an toàn giao thông, tôi quyết định bỏ cọc cho yên tâm. Bởi tôi cũng là người không lái xe thường xuyên, nhỡ may vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, hay rẽ mà quên bật xi nhan sẽ mất cả đôi tháng lương. Thay vì tự lái, tôi đã thuê được xe có lái đưa và đón cả gia đình từ Hà Nội về quê Nghệ An và ngược lại cho kỳ nghỉ Tết".
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức xử phạt đối với các vi phạm phổ biến như chạy quá tốc độ phạt đến 8 triệu, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông có thể phạt tới 20 triệu, vi phạm nồng độ cồn có thể phạt đến 40 triệu đồng và có thể bị trừ hết điểm giấy phép lái xe…
Với các mức phạt này, nhiều người lo ngại rằng chỉ một vi phạm nhỏ cũng có thể mất một khoản tiền lớn hoặc bị trừ nhiều điểm giấy phép lái xe, gây ảnh hưởng đến công việc và tài chính cá nhân. Điều này khiến thị trường thuê xe tự lái có phần chững lại, đặc biệt là với nhóm khách hàng chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe.
Khách ngại thuê xe tự lái, các bên cho thuê tự lái cũng "nơm nớp" khi cho thuê xe nếu bị phạt nguội sẽ khó xử lý. Tuy nhiên theo anh Nguyễn Văn Chiến (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ một cơ sở cho thuê xe tự lái cho biết, cả hai bên (bên cho thuê và bên thuê xe) sẽ ký kết hợp đồng thuê xe, trong đó có điều khoản trách nhiệm của bên thuê, đề cập đến việc xử lý khi phát sinh phạt nguội. Điều khoản này sẽ được thông báo trước khi hai bên ký kết hợp đồng bởi có trường hợp 7 – 8 tháng mới nhận được thông báo phạt nguội.
Thêm vào đó khi ký kết hợp đồng, khách hàng cần cung cấp Căn cước công dân hoặc hộ chiếu, bằng lái xe còn hạn, tài sản thế chấp thường là xe máy chính chủ (giá trị cao) kèm đăng ký hoặc tiền mặt từ 30 – 70 triệu đồng tùy từng loại xe. Tài sản và tiền cọc này sẽ được trả lại sau khi khách hàng trả xe.
Tuy nhiên trước khi trả xe, bên cho thuê xe sẽ kiểm tra camera hành trình, dữ liệu xem khả năng khách hàng có thể vi phạm giao thông dẫn đến nguy cơ bị phạt nguội hay không. Nếu có sẽ giữ lại một phần tiền cọc để đảm bảo khách hàng có trách nhiệm nộp phạt.
“Bên cạnh đó, thông tin khách thuê được lưu lại, khi có hình ảnh trích xuất, thông báo phạt nguội sẽ làm căn cứ để liên hệ với khách hàng, để khách thuê xe phải đi xử lý theo hợp đồng đã ký kết", anh Chiến chia sẻ.
Trước đó, từ ngày 1/1/2025, Luật Đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực, bổ sung một số quy định mới đối với hoạt động cho thuê xe tự lái sẽ là cơ sở để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này. Đại diện Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dịch vụ cho thuê xe tự lái những năm gần đây phát triển mạnh, song trước đây chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008. Nhưng đã được luật hóa tại Luật Đường bộ 2024.
Theo đó, tại Điều 78, Luật Đường bộ 2024 quy định, dịch vụ cho thuê phương tiện để tự lái là việc tổ chức, cá nhân cho thuê xe ôtô chở người dưới 8 chỗ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh để người thuê xe tự điều khiển phương tiện.
Đơn vị kinh doanh cho thuê phương tiện tự lái chỉ được cho thuê phương tiện khi người thuê có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe cho thuê. Không được bố trí lái xe cho người thuê phương tiện.
Phải ký kết hợp đồng cho thuê phương tiện để tự lái với người thuê kèm theo bản photo giấy phép lái xe của người thuê. Người thuê phương tiện để tự lái không được sử dụng phương tiện đi thuê để vận tải hành khách, hàng hóa có thu tiền.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, khi các quy định tại Luật Đường bộ có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước ban hành các quy định chi tiết hơn. Cùng đó, các đơn vị cho thuê xe tự lái sẽ xây dựng các điều kiện minh mạch hơn trong hợp đồng cho thuê.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, với việc siết chặt điều kiện đối với người lái xe, người thuê xe cũng góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, tránh được việc bị phát sinh các khoản phí bất ngờ. Qua đó, giúp việc quản lý hoạt động cho thuê xe tự lái đi vào quy củ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại chủ động, linh hoạt của người dân.
Thái An