Lời kể nạn nhân sống sót qua thảm họa động đất

Lời kể nạn nhân sống sót qua thảm họa động đất
một ngày trướcBài gốc
Myanmar, quốc gia đang trong cuộc xung đột kéo dài giữa chính quyền quân sự và lực lượng đối lập, đã hứng chịu trận động đất mạnh 7,7 độ richter hôm 28/3 - một trong những trận động đất có sức tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này, theo CNN.
Hơn 2.000 người đã được báo cáo là đã thiệt mạng, song các chuyên gia cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Tình trạng chiến sự và hạ tầng giao thông bị tàn phá khiến việc tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng trở nên khó khăn. Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo quốc tế gặp trở ngại trong việc vận chuyển cứu trợ vào quốc gia này.
Hy vọng mong manh chôn vùi dưới những đống đổ nát
Mandalay, cố đô hoàng gia Myanmar và là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng nhất của đất nước, đã phải hứng chịu sự tàn phá nghiêm trọng từ trận động đất. Nhiều công trình kiến trúc lịch sử, bao gồm các chùa chiền và tu viện, đã bị sập đổ.
Một phụ nữ sống tại Mandalay chia sẻ với CNN về khoảnh khắc kinh hoàng khi thảm họa xảy ra: "Trận động đất đến rất mạnh và nhanh". Khi đó, bà đang đun nước pha sữa cho con thì bức tường nhà đổ sập, chôn vùi đôi chân của bà nội dưới đống đổ nát.
"Hàng rào sập xuống chặn kín cửa nhà. Tôi la hét kêu cứu và chồng tôi phải phá cửa để kéo bà nội ra", người phụ nữ kể.
Nhiều công trình dân sự ở Myanmar hư hại nặng nề trong trận động đất lịch sử ngày 28/3. Ảnh: Reuters.
Một cựu luật sư sống tại Mandalay cho biết gia đình vợ ông có ba người thiệt mạng. "Đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể tìm thấy thi thể của họ dưới đống đổ nát", ông nói trong nỗi tuyệt vọng.
Không chỉ nhà cửa và tu viện, các thánh đường Hồi giáo cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Một nhân chứng cho biết: "Khi các công trình sụp đổ, nhiều người đang cầu nguyện bị mắc kẹt bên trong. Chỉ riêng trong một nhà thờ Hồi giáo, đã có hơn một trăm người bị thương".
Tại khu vực Sagaing, cách Mandalay không xa, một số ngôi làng cũng bị san phẳng. Tuy nhiên, nhà cửa ở đây chủ yếu làm bằng gỗ và mái tranh, giúp nhiều người may mắn sống sót hơn so với khu vực có công trình bê tông.
Các cấu trúc bê tông đổ sập xuống, chôn vùi nhiều người không nhanh chân thoát khỏi. Ảnh: Reuters.
Nang Aye Yin, 34 tuổi, nhận được tin rằng tu viện nơi người thân bà đang theo học đã bị sập. "May mắn không ai thiệt mạng, nhưng hai người bị thương nặng. Một cháu gái 11 tuổi của tôi bị mất ba ngón chân, trong khi một ni cô khác bị thương nặng ở đầu và gãy một chân", bà Yin nói.
Tuy nhiên, khi họ đưa nạn nhân đến bệnh viện, các cơ sở y tế tại Mandalay và Sagaing đều từ chối tiếp nhận vì đã quá tải. "Chúng tôi đã đi khắp nơi, nhưng không có bệnh viện nào còn chỗ trống", bà Yin nói.
Tương tự, một phụ nữ khác ở Mandalay đã tử vong vì bệnh viện không đủ nhân lực để chăm sóc y tế cho bà, theo Telegraph.
Thiri San, con gái của nạn nhân, đã tức tốc đưa mẹ đến bệnh viện chính của Mandalay để chạy chữa sau khi một viên gạch rơi trúng đầu bà giữa cơn động đất.
"Khi mẹ tôi đến Bệnh viện chính Mandalay, bà ấy vẫn còn sống", Thiri San kể lại. "Tuy nhiên, bệnh viện không có đủ bác sĩ để chữa cho mẹ tôi. Bà ấy mất quá nhiều máu từ vết thương và đã qua đời".
Người phụ nữ 39 tuổi nói rằng bà vẫn đang đợi để được chăm sóc y tế đối với các vết thương của bản thân. Thiri San nói rằng bà đang "đau khổ cùng cực từ trong ra ngoài".
Cha của Thiri San, 89 tuổi, nói rằng đây là trận động đất tồi tệ nhất ông từng chứng kiến.
Viện trợ đâu rồi?
Công tác cứu hộ được cho là gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị. Một người sống sót than thở với Reuters: "Có quá nhiều đống đổ nát, nhưng không có đội cứu hộ nào đến giúp chúng tôi". Người dân buộc phải tự đào bới bằng tay để tìm kiếm người bị mắc kẹt.
Khác với các thảm họa trước đây, lần này chính quyền quân sự Myanmar đã nhanh chóng kêu gọi sự trợ giúp quốc tế. Lãnh đạo chính quyền, ông Min Aung Hlaing, đã trực tiếp đến thị sát các khu vực bị ảnh hưởng và đưa ra lời kêu gọi viện trợ từ nước ngoài.
Đáp lại lời kêu gọi này, nhiều quốc gia láng giềng đã gửi cứu trợ. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên điều động đội cứu hộ và viện trợ đến Myanmar. Các quốc gia khác như Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Nga cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ.
Lực lượng cứu hộ tác nghiệp tại một điểm đổ nát ở Myanmar. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, với tình hình giao thông bị gián đoạn nghiêm trọng, việc phân phối cứu trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng, nhất là Mandalay, vẫn đang gặp nhiều trở ngại.
Một người dân tại thành phố lớn thứ hai Myanmar chia sẻ: "Chúng tôi nghe nói cứu trợ đã đến Myanmar, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được gì. Mọi thứ vẫn thiếu thốn và chúng tôi phải tự xoay xở".
Trong hoàn cảnh tang thương, những cuộc tìm kiếm vẫn diễn ra không ngừng nghỉ. Một người sống sót nói với CNN: "Đầu tôi như muốn nổ tung khi chờ tin từ những người bạn vẫn chưa thể liên lạc được". Nhiều gia đình vẫn bám trụ bên ngoài các tòa nhà sập đổ với hy vọng mong manh rằng người thân của họ có thể còn sống sót.
Đại Hoàng
Nguồn Znews : https://znews.vn/loi-ke-nan-nhan-song-sot-qua-tham-hoa-dong-dat-post1542461.html